Nhớ những ngày cô đưa em đi thi
Ngô Lan Nhi vốn là học sinh Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển (Đà Nẵng), thế hệ học sinh đầu tiên khi trường mới thành lập. Nhớ những ngày đầu chuyển về trường mới năm lớp 7, Nhi vẫn còn dỗi hờn vì phải chia tay bạn bè trường cũ, cùng với tâm lý thay đổi tuổi mới lớn nên hay có những hành động xốc nổi: Trốn học phụ đạo, giấu sổ đầu bài, đòi nghỉ lao động tập thể… Có la mắng, trách phạt, nhưng kèm theo đó là tình cảm yêu thương của thầy cô khiến học trò dần hòa nhập môi trường mới, trưởng thành hơn, biết suy nghĩ hơn.
Nhi nhớ nhất những ngày học trong đội tuyển Tiếng Anh, cô trò tập trung ôn luyện đến sát ngày, cô còn tận tay đưa Nhi đi thi. Tình yêu của Nhi với ngôn ngữ này cũng bắt đầu từ đó. Nó đã mở ra những chân trời mới và những cơ hội mới với cô bé sau này. Nhờ có sự kiên nhẫn và tận tâm của thầy cô mà Lan Nhi và các bạn đã có khoảng thời gian cấp hai vô cùng đáng nhớ.
Nhân ngày 20/11, Ngô Lan Nhi trân trọng gửi lời cảm ơn đến cô Yên, cô Lý, cô Yến, cô Châu, vợ chồng cô Ánh Mỹ - thầy Long, cô Thùy, thầy Tâm, cô Hồng, thầy Phúc, thầy Đô, cô Hạnh và nhiều thầy cô giáo nữa đã đồng hành cùng Nhi và các bạn từ những ngày đầu vào trường khi trường mới thành lập những năm 2004 - 2007. “Em muốn cảm ơn cả chú trông giữ xe của trường ngày đó, người em vẫn quý trọng như một người thầy, vì đã cho em bài học quý giá về sự trung thực và lòng khoan dung. Và dù ở đâu, làm gì, chúng em vẫn luôn tự hào là học sinh của mái trường Đỗ Đăng Tuyển thân thương” – Lan Nhi chia sẻ.
Cậu học trò nghèo và ước mơ nói giỏi tiếng Anh
Vi Văn Hương – dân tộc Thái, hiện đang học Thạc sĩ Quản lý Giáo dục tại Đại học Flinders (Úc). Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, từ nước Úc xa xôi, Vi Văn Hương bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới cô Lê Thị Huyền, cảm ơn cô vì những câu chuyện ý nghĩa, những bài học bổ ích, cảm ơn cô vì đã luôn tin tưởng và có những định hướng đúng đắn để Hương có thể có được những thành quả ngày hôm nay.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa, bước chân vào Trường THPT Bá Thước 3 (Thanh Hóa) là một niềm hạnh phúc to lớn với Hương bởi em được học môn học luôn hằng mong ước: Tiếng Anh.
Hương vẫn nhớ mãi cô Lê Thị Huyền với dáng người nhỏ nhắn cùng nụ cười tươi duyên để lộ chiếc răng khểnh. Những buổi học phát âm thú vị, cùng những cấu trúc câu giao tiếp và ngữ pháp mới càng khiến đam mê học Tiếng Anh trong Hương lớn dần. Đã có lúc Hương nản chí vì suy nghĩ một người vào lớp 10 mới học Tiếng Anh làm sao cạnh tranh với những bạn đã học Tiếng Anh từ năm lớp 3, lớp 6. Cho đến một ngày, Hương chạy lên văn phòng nhà trường lấy sổ đầu bài cho lớp đúng lúc cô Huyền đang nghe và hát theo một bài hát tiếng Anh sôi động nào đó mà cậu không hiểu một từ nào.
- Vi Văn Hương
Vi Văn Hương đã hỏi cô làm thế nào để nghe và hát theo được như thế? Như một người đã hiểu rõ những suy nghĩ của Hương bấy lâu nay, cô nhìn cậu học trò cười và chia sẻ về những ngày cô đã học tiếng Anh như thế nào, cô cho Hương biết giá trị của việc có ước mơ, có niềm đam mê và sự nỗ lực vì nó, đồng thời khuyên Hương cần chủ động giao tiếp nhiều hơn, chăm chỉ học tập hơn, tìm trường đại học phù hợp với năng lực để vào học ngành Tiếng Anh. Chính niềm tin của cô Huyền đã giúp Hương quyết định theo học ngành Sư phạm Tiếng Anh, và để ngày hôm nay, khi được nhận gói Học bổng Chính phủ Australia, Vi Văn Hương có cơ hội viết tiếp những ước mơ trong sự nghiệp giáo dục của mình.
Tuổi 17 bị mất đi một phần cơ thể, em may mắn được gặp cô
Trần Thị Ngọc Linh là một du học sinh đặc biệt của Chương trình Học bổng Chính phủ Australia, hiện đang học Thạc sĩ Chính sách về Người khuyết tật ứng dụng - Đại học Flinders. Ngọc Linh kể về người đã giúp Linh vượt qua nỗi đau đớn, mặc cảm tự tin, đứng lên bước tiếp trên con đường học vấn. Linh viết:
- Trần Thị Ngọc Linh
“Năm 2006, em trở lại Trường THPT số 1 Bố Trạch (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn, Quảng Bình) sau kỳ nghỉ hè với nỗi đau và sự tự ti của cô gái vừa trải qua cú sốc lớn. Đã có đôi lần em nghĩ là mình sẽ không đi học nữa, em rất sợ mỗi lần đi ra ngoài với bao ánh thương hại, kỳ thị của mọi người. Để rồi sau ngày học đầu tiên em đã gặp cô giáo Hoàng Thị Nguyệt Thắm - giáo viên môn Địa lý. Trước đó em đã rất ấn tượng khi nghe cô kể những trải nghiệm về bao vùng đất cô từng đặt chân đến thông qua các bài giảng. Để ngày gặp lại, cô trò ngồi trên chiếc ghế đá sau buổi học và cùng lặng lẽ rơi những giọt nước mắt. Tuổi 17, em đã nặng gánh mưu sinh để gặp tai nạn mất đi một phần cơ thể. Lúc đó, em cảm thấy cánh cửa tương lai càng thu hẹp lại.
Cô đã động viên em vượt qua giai đoạn khó khăn trước khi bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời. Cũng vì ngọn lửa cô thắp cho em, em chọn thi đại học khối C (Văn – Sử – Địa). Lời cô khuyên nhủ cùng bao buổi học ôn thi với cô, em có thêm động lực bước chân vào giảng đường đại học. Em đã tự đạp xe đi học thay vì ngồi ở nhà với bao tự ti. Điều này quá đơn giản với mọi người nhưng là một bước đột phá với em...
Ngày gặp lại, cô trò lại rơi những giọt nước mắt vui mừng khi em đã ra trường và đang làm công việc yêu thích. Mạng xã hội kết nối cô trò mình, em lại được kể cô nghe về những thành quả của mình sau bao nhiêu cố gắng và nỗ lực. Em cảm ơn cô đã cho em động lực bước chân vào giảng đường đại học, để em có thể tiếp tục con đường học vấn của mình đến ngày hôm nay.