“Lộc trời” bên dãy Trường Sơn

“Lộc trời” bên dãy Trường Sơn

Huyện nuôi hươu

Hương Sơn được coi là nơi đầu tiên của nước ta có mô hình nuôi hươu lấy nhung. Hình thành từ những năm 1950 của thế kỷ trước, sau gần 70 năm gắn bó với nghề, nhiều nông dân nơi đây đã trở thành tỷ phú nhờ “lộc trời”; nhưng cũng có người tán gia bại sản bởi trời không cho.

Cụ Trần Thị Thành, một trong những người đầu tiên của huyện Hương Sơn nuôi hươu, cho biết: “Trước đây, chúng tôi nuôi hươu chỉ để lấy lộc nhung làm thuốc tẩm bổ. Và chỉ gia đình có điều kiện mới có tiền mua con giống”.

Từ năm 2000 đến nay, nuôi hươu trở thành mô hình nhân rộng khắp các xã, thị trấn. Con hươu trở thành vật nuôi xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất của bà con Hương Sơn.

Những năm mới có phong trào nuôi hươu, các xã giáp biên giới Việt - Lào, với điều kiện khí hậu, thức ăn phù hợp, hươu phát triển mạnh nhất. Bây giờ, ngay cả thị trấn Phố Châu cũng không thiếu bóng đàn hươu ăn cỏ. Nhiều gia đình ở thị trấn thậm chí bỏ kinh doanh chuyển sang nuôi hươu lấy lộc.

Trước đây, người nuôi hươu mỗi năm chỉ cắt được một lứa nhung, nhưng bây giờ nhờ kỹ thuật chăm sóc nên hươu cho 2 lứa nhung/năm. Mỗi kg nhung có giá 10 triệu đồng vào chính vụ, thời điểm trái mùa (khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch) lên tới 15 triệu đồng. Ông Phan Xuân Đức

Theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, hươu cái 2 tuổi bắt đầu sinh sản và mỗi năm hươu cái đẻ một lần. Còn hươu đực khi đủ 2 năm tuổi sẽ cho nhung. Năm đầu tiên, hươu cho nhung ít, khoảng 150gr, năm sau tăng lên 300gr, năm tiếp theo là 500gr. Từ năm thứ 6 trở đi cho ổn định khoảng 700 - 800gr. Hươu có thể cho nhung đến 20 năm, có khi lên tới 25 năm mới dừng hẳn.

Nếu như ở vùng nông thôn khác, người ta hay nói đến chuyện mùa màng, thóc giống thì ở Hương Sơn hầu như chỉ nói đến hươu. Họ trao đổi với nhau về kinh nghiệm, giá cả; và thậm chí người ta còn trả nợ nhau bằng con hươu giống.

“Nói là cả huyện nuôi hươu, nhưng thực ra không hoàn toàn như vậy. Có rất nhiều người, gia đình không bao giờ nuôi được hươu. Chúng tôi quan niệm đó là những người “kỵ vía”, hoặc người không được “ăn lộc trời”, cụ Thành cho biết.

Nuôi sống cả nhà

“Lộc trời” bên dãy Trường Sơn ảnh 1
Mỗi lạng nhung hươu có giá từ 1,3 – 2 triệu đồng.

Theo đánh giá của UBND huyện Hương Sơn, nuôi hươu phải đầu tư vốn lớn nhưng sản phẩm dễ tiêu thụ, thị trường ổn định và có giá cao.

Ông Phan Xuân Đức, Phó phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, cho biết: “Hiện Hương Sơn có gần 40.000 con hươu, trong đó có gần 20.000 con hươu đực đã cho lộc. Giá bán nhung hươu dao động từ 13 - 15 triệu đồng/kg, có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/kg”.

Gia đình ông Trần Văn Thái ở xã Sơn Kim 2 là một trong những trang trại lớn. Tuy vậy, lượng nhung hươu của gia đình ông không đủ đáp ứng đơn đặt hàng, kể cả khi số hươu nuôi lên tới 100 con.

Không chỉ thương lái đến mua nhung, ông Thái còn bán cho các hiệu thuốc Đông y, người dân từ nhiều nơi mua về làm thuốc… Gia đình ông thu lợi nhuận từ nuôi hươu trên 1 tỷ đồng/năm.

“Nếu như trước đây cả nhà nuôi một con hươu, bây giờ con hươu nuôi cả gia đình. Nuôi hươu rất nhàn, chúng chỉ ăn các loại cỏ, lá cây như sắn, xoan, bạch đàn, keo… Một ngày, gia đình tôi chỉ mất khoảng 4 tiếng để tìm cỏ và chăm sóc chúng”, ông Thái cho biết.

Theo bà con Hương Sơn, lúc hươu bắt đầu mọc nhung cần chế độ chăm sóc đặc biệt hơn để nhung đạt trọng lượng, chất lượng cao. Khi đó, người nuôi không cho hươu ăn các loại lá thập cẩm nữa mà ăn thức ăn bổ dưỡng hơn như quả chuối, ngô, cà rốt…

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm khi hươu được chăm sóc đặc biệt, ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng buộc phải cho ăn thêm lá xoan. Nếu không có lá xoan trong khẩu phần ăn, chúng sẽ khó tiêu hóa, ăn ít đi và nhung kém trọng lượng cùng chất.

Lấy “lộc trời”

Cắt nhung hươu ở Hương Sơn cũng là một nghề. Tuy nhiên, phải là những người khéo tay và có kinh nghiệm mới được thuê để cắt nhung cho những con hươu lần đầu cho lộc.

Trước khi bắt tay vào cắt nhung hươu, người thợ lấy cây gậy đầu có cái thòng lọng đặt sát mặt nền nhằm chân sau con vật. Người làm việc giật dây này cần sự khéo léo và nhanh nhẹn.

Sau vài lần nhảy tránh, chân con hươu đã bị thít chặt và khuỵu xuống, những người khác sẽ giữ chặt chân và đầu hươu. Người thợ dùng cưa sắc đã được tiệt trùng để cắt lấy nhung.

“Công việc cắt nhung hươu cần cẩn thận, không thì sẽ bị gãy miếng ở chân nhung. Người thợ cắt nhung giỏi phải vừa nhanh vừa chuẩn. Như vậy hươu sẽ đỡ đau và giúp chân nhung lần sau phát triển”, anh Trần Văn Luật, thợ cắt nhung cho biết.

Khi cắt nhung xong, sẽ có một ít huyết tươi từ chân nhung chảy ra. Đây được coi là tinh hoa của “lộc trời”, và thường thường chỉ có chủ nhà và thợ cắt được dùng để uống với rượu. Những ông già, bà lão trong gia đình đau yếu cũng được ghé miệng vào chỗ cắt để thưởng thức huyết nhung.

Sau khi cắt xong, và các thủ tục lấy huyết nhung hoàn thành, người thợ cắt sẽ buộc lá cây cỏ lào, tức lá hoàng xà vào và quấn chặt bằng rơm để vết thương của hươu chóng lành.

Nhung hươu là một trong bốn loại thuốc quý, gồm “sâm, nhung, quế, phụ” có tác dụng bổ dương, thận, tuỷ; ích khí huyết sinh tinh, làm mạnh gân xương, điều hòa kinh mạch. Chính vì tác dụng bồi bổ thượng đẳng của nó mà xa xưa nhung hươu là thứ dâng vua chúa.

Lương y Nguyễn Khắc Bảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...