Loay hoay với chương trình giáo dục địa phương

GD&TĐ -  Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc, có vị trí tương đương với một môn học. Việc xây dựng chương trình GDĐP có chức năng bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc, thống nhất trong cả nước là điều không hề đơn giản đối với các Sở GD&ĐT.   

HS Đà Nẵng tham quan triển lãm Tư liệu báo chí về Hoàng Sa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng). 	Ảnh: T.G
HS Đà Nẵng tham quan triển lãm Tư liệu báo chí về Hoàng Sa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng). Ảnh: T.G

Rập khuôn nội dung giáo dục chính khóa

Thực hiện Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2008 – 2009 đến nay, phần chương trình địa phương đều trở thành môn học của các khối lớp. Những tiết học đan xen nội dung lịch sử - địa lí - văn hóa của địa phương, HS không chỉ có điều kiện hiểu sâu hơn, cụ thể hơn về môn học mà còn có sự liên hệ thực tế rất gần gũi, tạo được hứng thú mới đối với các môn xã hội và góp phần củng cố thêm vốn kiến thức và tình yêu quê hương.

Qua nghiên cứu tài liệu GDĐP của một số địa phương như Gia Lai, Quảng Bình, Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau, Hưng Yên, ông Bùi Quý Khiêm – Chánh Văn phòng, Sở GD&ĐT Đồng Tháp nhận xét: “Cách thực hiện của các địa phương tương đối giống nhau: Tài liệu phân thành từng môn riêng: Lịch sử, Ngữ văn, Âm nhạc, Giáo dục công dân địa phương… Trong từng môn phân chia theo từng cấp học, trong từng cấp phân thành từng bài, từng tiết cụ thể”.

Ông Khiêm cho rằng: Việc thực hiện như trên là đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, bảo đảm khối lượng kiến thức cung cấp, phù hợp với năng lực tiếp thu của từng đối tượng HS. “Tuy nhiên, việc biên soạn tài liệu GDĐP như trên có phần máy móc và rập khuôn, giống như nội dung giáo dục chính khóa. Trong quá trình dạy học, GV và HS dường như sẽ đóng khung trong nội dung, kiến thức của tài liệu đó, độ “mở” của tài liệu chắc chắn sẽ có nhưng chưa đủ rộng và phù hợp với thực tế của địa phương trong từng tỉnh, thành phố” – ông Khiêm cho biết.

Các tài liệu GDĐP hiện nay cũng chưa thể hiện định hướng phát triển năng lực người học, cấu trúc bài học còn đơn giản, chưa chú ý đến việc tích hợp kiến thức liên ngành và tổ chức các hoạt động học tập cho HS… Cách xây dựng nội dung lâu nay của các Sở chủ yếu dựa vào quy định của chương trình giáo dục hiện hành và minh họa các quy định đó bằng dữ liệu địa phương, sau đó tổ chức các hội đồng thẩm định và thông qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy địa phương.

Tuy nhiên, với Chương trình GD phổ thông mới, các địa phương phải tự tổ chức xây dựng, thẩm định nội dung giáo dục của địa phương, sau đó báo cáo để Bộ GD&ĐT phê duyệt.

PGS.TS Hà Thanh Việt – Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh cho rằng: Khi triển khai Chương trình GD phổ thông mới, nếu các Sở GD&ĐT vẫn dựa vào chương trình quốc gia để phiên sang hoặc địa phương hóa các nội dung sẽ rất khập khiễng. “Khập khiễng vì ngay từ mục tiêu của hai chương trình đã không giống nhau cả về cấp độ và quy mô. Khả năng này về cả tính khoa học, tính thực tiễn đều không cho phép” – PGS.TS Hà Thanh Việt phân tích.

Điều chỉnh để đón đầu đổi mới

Ông Bùi Quý Khiêm nhận định: “Việc điều chỉnh dạy học nội dung GDĐP ngay từ thời điểm này theo hướng tiếp cận quan điểm của Chương trình GD phổ thông mới là cần thiết”.

Theo đó, ngoài cập nhật thêm các nội dung về những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương vào tài liệu hiện có. “Sở GD&ĐT Đồng Tháp chủ trương từng bước điều chỉnh phương pháp dạy học nội dung GDĐP từ việc giảng dạy các tiết học theo bài, mô đun, chủ đề… đã quy định dành cho GDĐP, đưa nội dung này thành một phần của tiết học như hiện nay chuyển sang hướng dạy học tích hợp, khai thác sâu các nội dung có liên quan đến địa phương vào bài học chính khóa.

Dự kiến, Sở GD&ĐT Đồng Tháp sẽ thực hiện 2 tài liệu: Tài liệu GDĐP tỉnh Đồng Tháp cấp tiểu học và tài liệu GDĐP cấp THCS và THPT. Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng một phần mềm trực tuyến phục vụ cho HS và GV trong việc dạy – học nội dung GDĐP” – ông Khiêm thông tin.

PGS.TS Hà Thanh Việt lý giải: “Để thực hiện nhiệm vụ GDĐP trong chương trình tổng thể quy định, việc biên soạn chương trình khung về địa phương là điều kiện tiên quyết. Việc chuẩn bị nguồn nhân lực biên soạn và ngữ liệu về các vấn đề thời sự, kinh tế, văn hóa của địa phương dưới dạng các văn bản đa phương thức rất quan trọng, quyết định đến việc biên soạn thành công tài liệu dạy học địa phương theo nhiệm vụ giáo dục phổ thông trong chương trình mới”.

Theo kinh nghiệm của các GV Tổ Ngữ văn, Trường THCS Kim Đồng (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), bài giảng chương trình địa phương nên dạy bằng giáo án điện tử, bởi cần phải có nhiều hình ảnh minh họa. Phần trình chiếu trên máy tính bao giờ cũng đẹp hơn nhiều so với hình ảnh quá nhỏ trên giấy, nếu scan lớn trên giấy để học trò có thể quan sát được thì rất đắt và tốn kém. Dạy trên máy, GV có thể sử dụng các hình ảnh động và có thể tận dụng các hiệu ứng theo ý đồ của bài dạy, vừa tạo trực quan sinh động vừa có tính giáo dục cao. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy nên lưu ý về các địa danh, bổ sung tài liệu hỗ trợ nghe, nhìn và tăng cường đi thực tế.

Ở một khía cạnh khác, ông Bùi Quý Khiêm cho rằng: Trong thực hiện nội dung GDĐP mới, cần chú ý tính “địa phương trong địa phương” vì nội dung GDĐP chung được biên soạn cho cả tỉnh, khó có thể bao quát được tính đặc thù của từng huyện, xã… “Để nội dung GDĐP đến và được HS tiếp nhận một cách thực chất, cần bổ sung thêm các nội dung liên quan trực tiếp đến địa phương nơi trường đóng, nơi HS ở.

Do vậy, ngay trong thời gian chuẩn bị triển khai Chương trình GD phổ thông mới, trong đó có nội dung GDĐP, các trường học và GV cần chủ động chuẩn bị các nội dung có liên quan đến địa phương mình để lồng ghép, tích hợp vào dạy học” – ông Khiêm gợi ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.