Lo thái quá?

Lo thái quá?

Ngay từ thời điểm Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng, đã có ý kiến cho rằng phải hủy bỏ kỳ thi vì sức khỏe, an toàn của thí sinh và những người tham gia làm công tác thi. Họ còn tự đặt mình vào vai của người đứng đầu ngành Giáo dục, đưa ra phương án xét tốt nghiệp cho tất cả thí sinh và để các cơ sở giáo dục đại học tự lo công tác tuyển sinh.

Thoạt nghe thì thấy có lý, nhất là không ít ý kiến được các Facebooker có lượng người theo dõi khá đông hoặc những người tự cho là có hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhưng khi nhìn nhận cẩn trọng, thấu đáo, có thể nhận thấy những ý kiến trên mang tính chủ quan và có phần phiến diện.

Phải khẳng định, lo lắng cho sức khỏe của thí sinh, người tham gia công tác thi nói riêng và toàn dân nói chung là đúng. Nhưng đẩy lo lắng lên đến mức phải dừng toàn bộ kỳ thi, e là khá cực đoan.

Luật pháp có những quy định chặt chẽ về thẩm quyền và trình tự thực thi khiến các cá nhân, pháp nhân không thể bằng ý muốn chủ quan hoặc chiều theo kỳ vọng của đám đông mà tự ý định đoạt. Chưa kể những quy định cụ thể của pháp luật mà ở đây là Luật Giáo dục buộc những người liên quan phải tuân thủ để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.

Quyết định của Chính phủ vẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 như kế hoạch đã đề ra theo những phương án cụ thể, tùy theo diễn tiến dịch bệnh ở từng địa phương đã chứng tỏ những người đứng đầu đất nước đồng thuận với những nỗ lực của ngành Giáo dục. Đồng tình với việc tổ chức kỳ thi,Thủ tướng còn cho rằng không phải tất cả các khu vực ở nước ta đều phải giãn cách xã hội, mà chỉ thực hiện ở các khu vực nhất định. Một số địa phương đã quá nóng vội giãn cách xã hội… Tiếp tục tổ chức kỳ thi, trong những điều kiện nghiêm ngặt về vệ sinh, y tế và an ninh, được coi như một thông điệp chứng tỏ mong muốn duy trì một cuộc sống bình thường trong bối cảnh dịch dã – một kỳ tích mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua.

Chưa hết. Ngay khi phương án tổ chức kỳ thi làm 2 đợt được cơ quan có thẩm quyền đưa ra, một vài người lại lên tiếng kêu lo cho sự thiệt thòi của những thí sinh thi đợt 2. Liệu Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học có biết việc đấy? Đương nhiên là có và hơn thế, phương án ứng phó đã được đặt ra. Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét, bố trí tỷ lệ chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh phù hợp. Bản thân các trường đại học cũng chủ động đưa ra phương án nhằm bắt kịp diễn biến tình hình và chỉ đạo chung, ngoài chỉ tiêu cho đợt thi thứ nhất sẽ dành chỉ tiêu cho đợt thi sau, chứ không "vợt" hết, "vợt" đủ ngay từ đợt thi đầu.

Tất cả những việc làm đó, không chỉ chứng tỏ sự chủ động của những người làm giáo dục trong việc linh hoạt đối phó với những bất ưng của đời sống xã hội, mà còn thể hiện quyết tâm và mong muốn làm những gì tốt nhất nhằm bảo đảm sự công bằng cho tất cả thí sinh.

Vậy thì còn lo ngại gì nữa? Mọi việc đã được trù liệu và có phương án phù hợp. Kỳ thi đang rất gần, thí sinh đang rất cần tâm lý thoải mái, không vướng bận bởi những nỗi lo không đáng để tập trung cho một kỳ thi mà bản thân các em đã mất rất nhiều tâm sức, nỗ lực cùng ngành Giáo dục chuẩn bị trong quãng thời gian được coi là đặc biệt chưa từng có, không chỉ với riêng Việt Nam mà với cả thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ