Lo ngại nguy hiểm khi điều trị các đối tượng "ngáo đá" tại các bệnh viện

GD&TĐ - Các cơ quan chức năng nên tăng cường biện pháp quản lý đối tượng nghiện ma túy, sử dụng trái phép các chất ma túy, nhất là khi vào cấp cứu tại cơ sở y tế.

Tình trạng bệnh nhân cấp cứu do sốc ma túy và ma túy đá ngày càng tăng, khiến cho áp lực công việc và lo lắng mất an toàn tại Khoa cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cũng tăng lên
Tình trạng bệnh nhân cấp cứu do sốc ma túy và ma túy đá ngày càng tăng, khiến cho áp lực công việc và lo lắng mất an toàn tại Khoa cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cũng tăng lên

Sự việc chưa hết bàng hoàng xảy ra đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2018) đối với các y, bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (BVTWTN) khi đối tượng tên Quang (xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ) đã đến bệnh viện đòi tháo khớp ngón tay của mình dù không bị bệnh tật hay chấn thương gì. Trước tình huống đó, các bác sĩ đã tư vấn rất rõ ràng nhưng bệnh nhân một mực đòi "được" tháo khớp tay.

Bị từ chối, bệnh nhân ra ngoài mua một con dao phay lớn mang vào Bệnh viện đến các khoa để tìm bác sĩ xử lý. Tại đây, bệnh nhân Quang đã vung dao phay lên, chửi bới và đe dọa các y bác sĩ: “Nếu không tháo đốt ngón tay cho tao, tao chém chết hết chúng mày”.

Gần 1 giờ đồng hồ "làm loạn" ở Khoa Cấp cứu khiến nhân viên y tế và cả bệnh nhân khác hoảng sợ, tên Quang bỏ đi sau khi bị lực lượng bảo vệ của Bệnh viện can thiệp.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Sơn, Phó giám đốc BVTWTN, đối tượng đến Bệnh viện trong tình trạng không tỉnh táo và có biểu hiện thần kinh bị kích thích, nhưng không phải do rượu và rất giống tình trạng sốc chất kích thích từ ma túy đá.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Duy Đạo, Phó Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, khó khăn nhất của bộ phận cấp cứu các cơ sở y tế, là tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng chưa có hồ sơ và nhiệm vụ chính là cứu sống người khẩn cấp.

Khi các đối tượng bị sốc ma túy do tiêm, chích, dùng quá liều hoặc lần đầu dùng ma túy đá vào nhập viện đều trong trạng thái bất tỉnh và phải cấp cứu nhanh, tích cực mới hồi phục hô hấp. Và họ nhập viện tất cả đều không có người thân, chủ yếu do người dân, lái xe taxi phát hiện rồi đưa vào cấp cứu, nên không có bất cứ thông tin cá nhân nào về người bệnh.

Khi hồi sức xong, người bệnh bắt đầu tỉnh trở lại thì tất cả đều trốn viện. Họ giấu tung tích tình trạng cá nhân, nhất là không muốn cho ai biết họ sử dụng các chất ma túy trái phép hay có tiền sử nghiện ma túy…và hậu quả là bệnh viện phải chịu mất các loại chi phí, như: Thuốc, thiết bị thở máy, viện phí… Đơn cử, mỗi ca thở máy, chi phí đã hết 3 triệu đồng, tiêm thuốc, hỗ trợ các liệu pháp điều trị tích cực hết từ 200.000-500.000 đồng.

Nhưng nguy hiểm hơn là đối tượng ngáo ma túy đá. Họ luôn manh động và sẵn sàng ra tay tấn công nhân viên y tế. Họ chửi vô thức và bị ảo giác, nhìn nhân viên y tế cũng như những người xung quanh như ma, quỷ, như những kẻ ác thủ trực uy hiếp tính mạng họ, nên trong suy nghĩ của những đối tượng này luôn tìm cách tấn công lại. Gặp những bệnh nhân này, bác sĩ vừa làm vừa cảnh giác và phải nhờ đến lực lượng bảo vệ hỗ trợ bên cạnh.

Theo tổng hợp của Khoa Cấp cứu BVTWTN, trung bình mỗi tháng tại đây tiếp nhận trên 30 ca cấp cứu là đối tượng sốc do tiêm, chích ma túy, sử dụng ma túy đá, trong đó có gần 70% là do sử dụng ma túy đá và chủ yếu trong độ tuổi từ 20-25.

Với mức độ mỗi ngày Khoa tiếp nhận trên 100 ca cấp cứu, trong khi chỉ có 10 y, bác sĩ trực/ngày, đêm mà gặp phải những ca bệnh nhân ngáo đá, sốc ma túy thì sẽ gia tăng áp lực quá tải cho hoạt động cấp cứu, cũng như đe dọa mất an toàn đối với đội ngũ y, bác sĩ rất cao, trong khi mức độ can thiệp của bảo vệ Bệnh viện chỉ được phép phòng ngừa và can ngăn.

Bác sĩ Lê Duy Đạo trăn trở với chúng tôi: “Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên tăng cường biện pháp quản lý đối tượng nghiện ma túy, sử dụng trái phép các chất ma túy, nhất là khi vào cấp cứu tại cơ sở y tế.

Người nghiện ma túy, sốc ma túy đá…vào cấp cứu bỏ trốn, gây thiệt hại về kinh tế cho các dịch vụ y tế công đã đành, họ luôn manh động và cũng không ít người nhập viện cấp cứu một năm 2 đến 3 lần mà không rõ danh tính.

Chính tôi muốn thông báo đến cơ quan chức năng, đến gia đình, đến địa phương nơi cư trú mà không biết thông tin bằng cách nào, báo đến ai. Thực tế họ không có giấy tờ tùy thân, khai giấu tên thật…và càng giấu việc sử dụng ma túy trước đó.

Chúng tôi chỉ có thể lưu lại hình ảnh, nhưng cũng không lưu mãi được, vì lưu xong nếu có cơ quan quản lý đến nhập lại để phục vụ công tác quản lý, theo dõi, hoặc điều tra…thì chúng tôi sẵn sàng cũng cấp, chứ lưu rồi để đó thiết bị lưu cũng đầy và trôi đi. Thiết nghĩ đây cũng là một kênh phục vụ tốt cho việc nắm bắt, theo dõi và đấu tranh, ngăn ngừa tội phạm về ma túy mà các cơ quan chức năng cần chung tay phối hợp chặt chẽ hơn”.

Theo tiengchuong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ