Lộ diện vệ tinh Laser chống tàu ngầm

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung Quốc đang phát triển một loại vệ tinh sử dụng một nguồn laser cực mạnh áp dụng trong cuộc chiến chống tàu ngầm, họ hy vọng rằng nó có thể tiết lộ chính xác vị trí của một mục tiêu ở độ sâu 500 mét bên dưới bề mặt đại dương. Chuyện này ra sao, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết bên dưới.   

Hình đồ họa về vũ khí vệ tinh laser chống tàu ngầm đang được nghiên cứu, phát triển ở Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Ảnh: Yahoo News Singapore
Hình đồ họa về vũ khí vệ tinh laser chống tàu ngầm đang được nghiên cứu, phát triển ở Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Ảnh: Yahoo News Singapore

Tham vọng không tưởng

Đây được xem là một khoản bổ sung mới nhất cho chương trình giám sát độ sâu mở rộng của Trung Quốc, và ngoài việc nhắm mục tiêu tàu ngầm (thường hoạt động ở độ sâu gần 500m) thì vệ tinh này cũng dùng để thu thập thông tin từ các đại dương trên thế giới. Dự án Quảng Lăng nghĩa là “giám sát sóng to” đã được khởi động chính thức vào tháng 5/2018 tại Phòng thí nghiệm thí điểm quốc gia về khoa học và công nghệ đại dương ở Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông).

Theo trang web của phòng thí nghiệm này thì Dự án Quảng Lăng sẽ làm tăng cường sức mạnh của những hoạt động giám sát của Trung Quốc đối với các đại dương trên thế giới. Các nhà khoa học đang làm việc với thiết kế của vệ tinh mới tại phòng thí nghiệm, nhưng các thành phần quan trọng nhất của vệ tinh sẽ được chế tạo bởi hơn 20 viện nghiên cứu và các trường đại học trên khắp đất nước Trung Quốc.

Ông Tống Hiểu Quyền, một nhà nghiên cứu có tham gia vào dự án, bật mí rằng nếu nhóm nghiên cứu có thể phát triển vệ tinh mới theo kế hoạch đề ra thì nó sẽ làm cho “tầng nước trên của đại dương trở nên ít trong suốt hơn”. Nhà khoa học họ Tống nhấn mạnh: “Nó sẽ thay đổi gần như tất cả mọi thứ”.

Trong khi ánh sáng mờ dưới đại dương có tốc độ nhanh hơn 1.000 lần so với trong không khí, và mặt trời có thể chọc sâu chưa tới 200m dưới bề mặt đại dương, thì ánh sáng laser nhân tạo có thể chiếu sáng mạnh hơn mặt trời đến 1 tỷ lần. Dự án này rất tham vọng, các nhà nghiên cứu hải quân Trung Quốc đã cố gắng suốt hơn nửa thế kỷ để phát triển định dạng laser nhằm săn lùng tàu ngầm bằng cách sử dụng loại công nghệ được biết tới bởi cái tên “ánh sáng đo khoảng cách” (Lidar).

Về lý thuyết thì vệ tinh này hoạt động như thế này: Khi chùm ánh sáng laser đụng trúng một tàu ngầm, một số xung của nó sẽ dội ngược trở lại. Kế đó các thiết bị cảm biến sẽ thu thập những xung này, và đem đi phân tích trên máy tính để quyết định vị trí chính xác cùng tốc độ và hình dáng 3 chiều của mục tiêu.

Điệp vụ bất khả thi?

Đang còn đó hoài nghi rằng liệu giới khoa học Trung Quốc có thể đi sâu được hơn không? Một nhà khoa học Lidar đang làm việc với Viện quang học và cơ khí chính xác Thượng Hải (Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc), người không tham gia vào Dự án Quảng Lăng, tỏ ý phân vân: “500m là một điệp vụ bất khả thi. Họ (các nhà nghiên cứu của Dự án Quảng Lăng) không thể phá vỡ thế giới u minh do mẹ thiên nhiên tạo ra trừ phi họ là Tom Cruise được trang bị các loại siêu vũ khí”.

Tuy vậy chính phủ Trung Quốc đã đồng ý tài trợ cho Dự án Quảng Lăng bởi vì nhóm nghiên cứu từng đưa ra một sáng kiến tiếp cận chưa được thử trước đây, theo lời một nhà khoa học có tham gia vào dự án, nhưng đề nghị được giấu tên. Thiết bị này được thiết kế để tạo ra các chùm tia laser năng lượng cao với những màu sắc khác nhau, hoặc theo những tần số khác nhau nhằm giúp cho người nhận thu thêm nhiều thông tin hơn từ các độ sâu khác nhau. Các chùm tia laser có thể quét một khu vực biển rộng khoảng 100km hay chỉ tập trung vào 1 điểm rộng độ 1km.

Thiết bị cũng được sử dụng kết hợp với radar sóng ngắn cũng được gắn lên vệ tinh để có thể xác định các mục tiêu tốt hơn. Mặc dù radar không thể xuyên qua nước, nhưng nó có thể đo chuyển động trên bề mặt biển với độ chính xác tương đối cao – vì thế khi tàu ngầm chuyển động thì nó cũng đồng thời tạo ra những khuấy động nhỏ trên bề mặt nước, radar sẽ “nói” cho vệ tinh biết nơi nào cần bắn chuỗi laser.

Một khi được phát triển thì vệ tinh laser có thể được thực hiện bởi Viện quang học và cơ khí chính xác Tây An (chi nhánh của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc đặt ở tỉnh Thiểm Tây). Gần đây cơ quan này đã thu hút nhiều sự chú ý khi phát triển ra các loại vũ khí laser trọng lượng nhẹ, đặc biệt là loại vũ khí có kích cỡ bằng khẩu súng trường mà có thể bắn trúng mục tiêu ở cách đó gần 1km. Ông Trương Thanh Lữ, một nhà nghiên cứu khác có tham gia vào Dự án Quảng Lăng, cho hay rằng mục tiêu chính của thiết bị laser sẽ là Thermocline – đó là một lớp nước mỏng nơi nhiệt độ thay đổi đột ngột.

Nhà nghiên cứu họ Trương phủ nhận việc dùng vệ tinh laser trong cuộc chiến tranh chống tàu ngầm, nhưng cho rằng Thermocline là rất quan trọng cho các thuyền trưởng tàu ngầm bởi vì nó có thể phát hiện ra âm thanh đang hiện diện và các tín hiệu âm học khác.

Điều này có nghĩa là tàu bè có thể tránh bị phát hiện trong Thermocline, nhưng lại bị phát hiện bởi chuỗi laser. Nhà nghiên cứu Tống Hiểu Quyền nói rằng, nhóm nghiên cứu đang nhắm đến việc sử dụng mọi phương pháp cảm biến có sẵn để đạt đến độ sâu tối đa nhằm phát hiện ra mục tiêu. Ông Tống Hiểu Quyền nhấn mạnh: “Thỉnh thoảng còn không đủ ánh sáng để chạm tới độ sâu 500m và dội ngược trở lại, nhưng chúng tôi vẫn có thể tìm ra những gì ở dưới đó thông qua một phép đo gián tiếp tại độ sâu nông hơn”. Phòng thí nghiệm cũng không đưa ra bất kỳ chỉ dẫn nào nói rằng khi nào thì vệ tinh sẵn sàng, nhưng ông Tống Hiểu Quyền khẳng định rằng nhóm nghiên cứu đang khá áp lực. Ông Tống phân trần: “Còn có nhiều lợn cợn mà chúng tôi phải xử lý ổn thỏa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.