Lỗ đen “háu ăn” nhất trong lịch sử thiên văn

Lỗ đen “háu ăn” nhất trong lịch sử thiên văn

Các phép đo cho thấy, lỗ đen có khối lượng bằng 34 tỷ lần khối lượng Mặt trời của chúng ta (khối lượng Mặt trời có giá trị bằng khoảng 1,99 x 10^30 kg). Mỗi ngày lỗ đen J2157 hấp thụ một khối lượng vật chất tương đương khối lượng Mặt trời.

J2157 là lỗ đen lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong số các lỗ đen được biết đến trong vũ trụ. Nó cũng có tính "háu ăn". Theo nghiên cứu mới nhất của Tiến sĩ Christopher Onken và các cộng sự ở ĐH Quốc gia Australia (ANU), mỗi ngày, "quái vật" lỗ đen này hấp thụ một lượng vật chất bằng khối lượng Mặt trời.

"Khối lượng lỗ đen này bằng khoảng 8 lần khối lượng siêu lỗ đen ở trung tâm Dải Ngân hà" – TS Onken cho biết.

Lỗ đen khổng lồ J2157 được chính nhóm nghiên cứu của TS Onken phát hiện năm 2008. Nó ở cách chúng ta hơn 12 tỷ năm ánh sáng. Tại thời điểm phát hiện, các nhà thiên văn học ước tính khối lượng của nó là vào khoảng 20 tỷ khối lượng Mặt trời, còn tốc độ bồi đắp (hấp thụ) vật chất là khoảng 1/2 khối lượng Mặt trời/ngày.

Từ sau thời điểm phát hiện lỗ đen J2157, các nhà thiên văn học thực hiện các phép đo mới, để hiệu chỉnh lại các thông số liên quan đến lỗ đen này. Với khối lượng mới được xác định lại, lỗ đen có bán kính Schwarzschild (bán kính chân trời sự kiện) là khoảng 670 đơn vị thiên văn (1 đơn vị thiên văn là khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời, bằng khoảng 150 triệu kilomet).

"Chúng tôi phát hiện lỗ đen này vào thời gian vũ trụ mới được 1,2 tỷ năm tuổi. Đây là lỗ đen lớn nhất trong vũ trụ non trẻ" – TS Onken nhấn mạnh. Điều đó có nghĩa là lỗ đen J2157 hiện nay có thể còn lớn hơn.

Các nhà khoa học không biết, tại sao và bằng cách nào lỗ đen có thể đạt tới kích thước lớn như vậy trong giai đoạn vũ trụ non trẻ. Họ cũng tìm kiếm thêm các lỗ đen khổng lồ khác với hi vọng có được một số chỉ dẫn nào đó.

Hóa ra, lỗ đen J2157 không phải là lỗ đen đồ sộ duy nhất trong vũ trụ. Tại trung tâm thiên hà Holm 15A, cách chúng ta khoảng 700 triệu năm ánh sáng, còn có một siêu lỗ đen với khối lượng bằng 40 tỷ lần khối lượng Mặt trời. Ngoài ra, còn có một siêu lỗ đen khác, đang kích hoạt chuẩn tinh (quasar) TON 618, ở cách chúng ta khoảng 10,4 tỷ năm ánh sáng. Siêu lỗ đen này có khối lượng bằng khoảng 66 tỷ lần khối lượng Mặt trời.

Lỗ đen J2157 xuất hiện ngay trong thời kỳ vũ trụ non trẻ, mới có 1,2 tỷ năm tuổi. Phát hiện này là thách thức lớn đối với các mô hình vũ trụ học, theo đó việc tạo thành siêu lỗ đen như vậy phải tốn rất nhiều thời gian và hấp thụ một lượng vật chất khổng lồ.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ