Thần ngựa
Truyền thuyết kể rằng: Cậu bé Thánh Gióng ở làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Sau khi đánh tan quân giặc, Thánh Gióng phi ngựa tới chân núi Sóc (thuộc làng Phù Mã, xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội) cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời.
Để ghi nhớ công ơn của Đức Thánh Gióng cùng Ngựa thần và ghi dấu điểm xuống ngựa dừng chân cuối cùng của Phù Đổng Thiên Vương, nhân dân thôn Phù Mã đã lập đền thờ gọi là đền Hạ Mã và mở hội hàng năm từ ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng Âm lịch.
Điểm nhấn của Lễ hội đền Sóc là nghi lễ rước ngựa Gióng. Theo cụ Trần Kim Sơn - người coi đền Hạ Mã, Ngựa thần được các cụ cao niên làm bằng nan tre, nứa trong khoảng thời gian 2 tháng (từ cuối tháng 9 đến tháng 12 Âm lịch); bên ngoài được dán giấy màu hồng. Ngựa cao 3,1 m, chiều dài 2,3 m. Sau khi hoàn thành, đến ngày 23 tháng Chạp các cụ sẽ đưa ngựa thần về chiêm ngưỡng tại đền Hạ Mã và đến ngày mùng 6 tháng Giêng xin Ngài rước lên đền Sóc.
Cụ Lương Văn Thành - 82 tuổi, người làng Phù Mã - cho biết: Với người dân thôn Phù Mã, ngựa chính là linh vật của làng, thể hiện sức mạnh và khát vọng vươn lên của nhân dân địa phương, cho thấy sức mạnh, tinh thần đoàn kết của người dân địa phương và cũng thể hiện ước vọng được mùa, ước vọng về một năm mới phồn thịnh “mã đáo thành công”.
Đền ngựa
Theo truyền thuyết và thần phả còn lưu lại ở Đền Bạch Mã (thôn Tân Hà, Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An) thì Phan Đà từ nhỏ đã nổi tiếng với bản tính cương trực, chịu khó, thông minh. Ông được trai làng Võ Liệt nể phục về tài cưỡi ngựa, múa gươm, phóng lao, bắn cung.
Trong một lần cải trang sang sông nắm tình hình của giặc, Phan Đà ghé vào buổi hát hội do dân làng tổ chức thì bị lộ. Một mình ông tả xung hữu đột với quân thù và bị chém trọng thương. Biết chủ mình lâm nạn, con ngựa chiến trung thành hý vang trời phá vòng vây bơi qua sông trở về căn cứ. Về đến nơi thì Phan Đà tắt thở. Nghĩa quân và nhân dân đã mang di hài ông về quê an táng với lòng tiếc thương vô hạn.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao to lớn của Phan Đà đã sắc phong cho ông làm “Đô Thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần”, đồng thời cấp tiền, giao quan sở tại xây dựng ngôi đền bề thế, tổ chức cúng tế hàng năm để tưởng nhớ ông.
Ngày nay, Lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 Âm lịch.
Nón ngựaTương truyền từ thời Quang Trung, nón đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn với sự tích Nguyễn Nhạc cưỡi bạch mã, đầu đội nón ngựa ở Thành Hoàng Đế. Tên gọi nón ngựa, bản thân nó đã nói lên cái riêng biệt, vừa dẻo dai bền bỉ vừa dùng để đội khi cưỡi ngựa.
Ngày xưa, nón chỉ dành riêng cho giới phong lưu, đài các. Đặt biệt những chiếc nón ngựa bịt bạc, chạm trổ hình rồng phượng trên đỉnh nón chỉ dành cho giới quan lại, địa chủ, còn thường dân thì dùng nón lá buôn, nón chỉ lát. Hình ảnh các lý trưởng, chánh tổng ngồi trên lưng ngựa, đội nón ngựa bịt bạc trên các nẻo đường làng đã trở thành ký ức ở các làng quê Bình Định trước những năm 1945.
Hiện nay, nón ngựa không chỉ có giá trị về mỹ thuật, là di sản văn hóa mà còn là một trong những sản phẩm đặc trưng của văn hóa trang phục Bình Định, nhất là đối với cô dâu trong ngày cưới. Hình ảnh nón ngựa gắn liền với những con tuấn mã oai phong, lẫm liệt nhưng lại rất đỗi gần gũi đời thường.
Theo các cụ cao niên trong làng, chiếc nón ngựa Phú Gia đã trở thành mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo với nguyên vẹn cốt cách ban đầu.
Đặc biệt, kể từ khi Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức tại Bình Định lần đầu năm 2006, rất đông du khách trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu làng nghề nón ngựa Phú Gia. Từ đó, sản phẩm nón ngựa Phú Gia đã được các du khách quốc tế đặt hàng, mang về nước làm kỷ niệm trong lần tới thăm vùng đất võ Bình Định, Việt Nam.