(GD&TĐ) - Theo đánh giá của nhiều cán bộ quản lý các Phòng GD&ĐT cấp huyện và nhiều cán bộ quản lý các trường THCS, việc tổ chức trường THCS liên xã đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cơ bản cho việc nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp học này.
Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (Hưng Nguyên, Nghệ An) |
Bà Hồ Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Bá-Ngọc (huyện Quỳnh Lưu) cho biết: Ngày 2/8/2010, Trường THCS Quỳnh Bá và Trường THCS Quỳnh Ngọc được sáp nhập thành Trường THCS Bá-Ngọc. Trước khi sáp nhập, Trường THCS Quỳnh Bá chỉ có 08 lớp, vì thế có một số môn học chỉ có 1 giáo viên đảm nhiệm nên việc trao đổi chuyên môn giữa các giáo viên là điều không thể thực hiện; thậm chí một số giáo viên còn phải dạy chéo môn (dạy môn mình không được đào tạo ở trường sư phạm) nên không thể nào bảo đảm chất lượng dạy và học.
Sau khi sáp nhập, do số lớp tăng lên (trường có 20 lớp) nên đội ngũ giáo viên được bố trí đồng bộ, tình trạng dạy chéo môn được chấm dứt, giáo viên có điều kiện trao đổi, học hỏi lẫn nhau (bộ môn nào cũng có ít nhất từ 2 giáo viên trở lên), tạo điều kiện tốt cho việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Học sinh là người của hai xã, các em được giao lưu với nhau, được hiểu biết thêm về xã bạn chứ không chỉ bó hẹp trong xã của mình như trước đây, vì thế việc rèn luyện kỹ năng sống, việc giáo dục môi trường thân thiện cho học sinh có điều kiện thực hiện tốt hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đăng Công Thân, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Hưng Nguyên) rất phấn khởi khi nói đến chuyện trường liên xã. Ông Thân cho biết: Năm 2004, trường mới sáp nhập liên hai xã, đến năm 2009 thì sáp nhập tiếp, liên 4 xã (Hưng Thông, Hưng Tân, Hưng Tiến, Hưng Thắng).
Sau khi sáp nhập xong, trường có 21 lớp, giáo viên được Phòng GD&ĐT Hưng Nguyên bố trí cơ bản đủ (hiện chỉ thiếu giáo viên công nghệ thông tin và giáo viên mỹ thuật) và đồng bộ. Trường lại chỉ duy nhất có một điểm trường với cơ sở vật chất khang trang, bảo đảm điều kiện phục vụ dạy và học.
Hai điều kiện để làm chất lượng là đội ngũ và cơ sở vật chất bảo đảm chính là nhờ việc tổ chức trường liên xã, nếu không sẽ không bao giờ có được, nhất là điều kiện đồng bộ về đội ngũ giáo viên. Một thuận lợi nữa là các xã không nhìn nhau, tỵ nạnh nhau trong việc xây dựng cơ sở vật chất nhà trường.
Trường đóng trên địa bàn xã Hưng Thông, chính quyền xã này xác định mình phải có trách nhiệm cao hơn so với ba xã khác. Mỗi khi trường cần đầu tư vào một hạng mục, một hoạt động giáo dục nào đó, UBND xã Hưng Thông đều bỏ tiền ra để làm. Nếu thiếu, khi đó mới mời ba xã đến cùng bàn để đóng góp thêm. Chính vì vậy, việc đầu tư cho trường luôn suôn sẻ. Ví dụ như vừa rồi, để bổ sung cơ sở vật chất phải cần đến 262 triệu đồng, UBND xã Hưng Thông đã bỏ ra một nửa trong số đó; ba xã khác chỉ phải đóng góp một nửa còn lại.
Theo bà Võ Thị Lộc, Trưởng phòng Phòng GD&ĐT Quỳ Châu: “Cả huyện hiện có 4/8 trường THCS liên xã. Lúc đầu bàn chuyện nhập trường THCS liên xã, ai cũng ngại, cũng thấy khó khăn, nhất là lo nhân dân không đồng tình. Nhưng không thể không làm, vì nếu không, quy mô trường quá nhỏ thì không thể bố trí đội ngũ giáo viên đồng bộ và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ tốt cho việc dạy và học. Hai điều này không có, không bảo đảm thì nói nâng cao chất lượng chỉ là chuyện nói cho vui chứ không hề thực tế chút nào.
Đúng là dân mình rất tốt, khi nói rõ cái lợi của việc nhập trường, dân các xã nghe ra và đồng ý ngay. Hai thuận lợi cơ bản nhất sau khi tổ chức trường liên xã mà ai cũng dễ nhận ra, đó là Phòng đã bố trí được đồng bộ giáo viên cho các trường và công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất được tập trung hơn, có hiệu quả hơn.
Hiện tại, mỗi trường liên xã đều có 2 điểm trường, nhưng Phòng đang chỉ đạo để xóa đi một điểm trường theo cách tập trung đầu tư cho điểm chính và cha mẹ học sinh tự nguyện đồng ý đưa con về học ở điểm trường chính. Với cha mẹ học sinh, mình không thể áp đặt mà phải vận động, thuyết phục nên cần có thời gian.
Thực tế thì đã có nhiều cha mẹ học sinh đồng thuận với việc để con mình về học tại điểm trường chính - nơi mà điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập và sinh hoạt của học sinh tốt hơn hẳn ở điểm trường kia, nhất là điều kiện để các em có thể bán trú”.
Như vậy, có thể nói, với các trường THCS có quy mô nhỏ thì việc sáp nhập là điều tất yếu. Chỉ có sáp nhập để trường có quy mô hợp lý mới có thể tập trung xây dựng tốt hai điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục, đó là đội ngũ giáo viên đồng bộ và cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại.
Huy Minh