Linh hoạt, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ năm học

Linh hoạt, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ năm học
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

(GD&TĐ) - Sáng nay (21/12), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến lần thứ nhất năm học 2013 - 2014 ngành GD&ĐT vùng thi đua số 7 gồm các tỉnh: Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và Hải Phòng.

Những kết quả khả quan

Theo trưởng vùng thi đua số 7 Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, hiện các Sở đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm học kỳ I năm học 2013 - 2014.

Trong đó chú trọng đến việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Công tác đổi mới quản lý giáo dục có chuyển biến tích cực theo hướng tăng cường phân công, phân cấp và tăng quyền tự chủ. Toàn ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Giáo dục mầm non đã thực hiện đại trà chương trình giáo dục mầm non mới. Tiếp tục củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương, tăng cường hiệu quả quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Đến nay, Hà Nội đã có 204 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, Hải Phòng là 59 trường, Đà Nẵng 126 trường, TP Hồ Chí Minh 149 trường và Cần Thơ là 32 trường. Cả 5 đơn vị này đã, đang và sẽ trình Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi theo kế hoạch đề ra từ nay đến cuối năm 2014.

Giáo dục phổ thông đã thực hiện dạy học dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng và đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, chú trọng phụ đạo cho học sinh yếu kém và vận dụng các giải pháp phù hợp nhằm giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học; đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, thể chất, hướng nghiệp và giáo dục pháp luật.

Giáo dục chuyên nghiệp tiếp tục được mở rộng các ngành nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo góp phần phát triển nguồn nhân lực của mỗi thành phố và từng bước đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Công cuộc vận động xã hội hóa giáo dục đã đạt nhiều kết quả quan trọng, mạng lưới cơ sở giáo dục ngoài công lập tiếp tục phát triển các loại hình, phương thức hoạt động đa dạng, đồng thời xây dựng được phong trào học tập trong mọi tầng lớp nhân dân.

Vẫn còn những khó khăn, tồn tại

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại Hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận về một số khó khăn, yếu kém còn tồn tại, như: Tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định vẫn diễn ra ở nhiều địa phương; Việc thực hiện “3 công khai”, “4 kiểm tra” và các khoản thu đầu năm học chưa hiệu quả.

Nhiều cơ sở vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và không đồng đều. Việc thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục vẫn còn lúng túng, quá trình tổ chức thực hiện ở nhiều nơi chưa đồng bộ, còn vướng mắc trong việc phân cấp quản lý đối với một số phòng GD&ĐT.

Cả 5 thành phố vẫn còn tình trạng học sinh phổ thông bỏ học. Theo lý giải của các địa phương, nguyên nhân chủ yếu là do học sinh có học lực yếu kém không có khả năng lên lớp hoặc tốt nghiệp bậc học, cấp học hoặc là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, xa trường, đi lại không thuận tiện hay do nguyên nhân đặc biệt, đột xuất.

Tháo gỡ những khó khăn

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển ghi nhận những kết quả mà các đơn vị vùng thi đua số 7 đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà ngành Giáo dục của các thành phố đang gặp phải. Để từng bước tháo gỡ những khó khăn, Thứ trưởng lưu ý, các địa phương cần tiếp tục chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ.

Ngay trong học kỳ II tới, cả 5 thành phố cần tiếp tục vận dụng các giải pháp phù hợp với đặc điểm của mỗi địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đồng thời tiếp tục đổi mới đồng bộ công tác kiểm tra, đánh giá và thi tốt nghiệp THPT theo hướng toàn diện, khách quan, có tác dụng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy - học và phát huy năng lực, sở trường của học sinh. Làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh để ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến ngành giáo dục của địa phương.

Ngành GD&ĐT của 5 thành phố cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các nhà trường, đội ngũ nhà giáo về Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ đó áp dụng và triển khai có hiệu quả vào thực tiễn.

Tại Hội nghị, các Vụ, Cục chức năng (Bộ GD&ĐT) đã trả lời những thắc mắc của địa phương vùng thi đua số 7 liên quan đến một số vấn đề như: Tổ chức hội thi giáo dục quốc phòng cho học sinh; việc thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia; công tác giáo dục đạo đức cho học sinh; vấn đề giải quyết chế độ chính sách của giáo viên; chương trình, tài liệu giảng dạy song ngữ trong các cơ sở giáo dục; tiêu chuẩn giáo viên mầm non cao cấp để thực hiện nâng ngạch cho họ...

Hải Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ