Theo James Somers, một người bạn của anh say mê ứng dụng đọc tin RSS Google Reader đến mức anh này đã xây dựng hẳn một bản sao của nó khi ứng dụng này bị khai tử.
Bản sao đó rất giống bản gốc ngoại trừ việc người dùng có thể thêm ảnh vào bài đăng và thích (Like) các bình luận. Bản sao đang được khá nhiều người sử dụng.
James Somers cũng vậy. Anh cũng xây dựng một bản sao của Google Reader. Tuy nhiên, phiên bản của Somers có tính bảo thủ hơn. Nó không có nút Like và cũng khó thêm ảnh. Lập trình viên này cũng định xây dựng các tính năng xã hội mới cho bản sao Google Reader của mình nhưng cuối cùng anh đã đổi ý.
Nguyên tắc đầu tiên của việc thiết kế phần mềm xã hội là thu hút nhiều người tham gia. Cách để thu hút là bổ sung các tính năng như nút Like và các thông báo (Notification). Tuy nhiên, Somers quyết định không bổ sung những tính năng tương tác như vậy bởi vì chúng là toàn bộ nguyên nhân của nhiều vấn đề.
Google Reader có rất ít tính năng giúp liên kết người dùng. Bạn cũng khó phản hồi về bài viết. Bạn có thể ‘Like’ các bài báo mà mọi người chia sẻ nhưng cái ‘Like’ đó được hiển thị rất “tệ”.
Nếu bạn muốn nhìn thấy những người đã ‘Like’ bài viết đó sau đó, bạn phải lục tìm trong lịch sử chia sẻ của mình và cũng phải cố nhớ xem khi bạn nhìn thấy bài viết thì đã có bao nhiêu người ‘Like’.
Cách nhìn bình luận mới cũng khó khăn như vậy, thậm chí cũng không có nút “Like” bình luận. Khi bạn đăng một bình luận bạn sẽ không thể biết có ai thích bình luận của bạn. Bạn chỉ biết rằng họ đã đọc nó.
Khi bạn viết cái gì có mà không thấy phản hồi, bạn sẽ tự cảm thấy phải thận trọng hơn, phải tự đánh giá bài viết của mình. Tất nhiên, bạn cũng muốn làm hài lòng độc giả. Bạn sẽ suy nghĩ xem độc giả của bạn thích gì nhưng vì điều đó thật khó nên cuối cùng bạn sẽ dựa vào những thứ bạn thích.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, khi mọi người bắt đầu nói cho bạn biết họ thích gì qua nút ‘Like’, bạn sẽ bắt đầu dựa vào những thông tin đó. Cuối cùng, bài viết của bạn sẽ giống như của những người khác. Kết quả, bài viết của bạn đôi khi chỉ nhằm “câu” những cái ‘Like’ mơ hồ.
Việc không biết mọi người thích gì thực ra lại cho bạn một loại tự do đặc biệt. Bạn không chắc bạn bè hay độc giả của mình có thích bài đăng trước đó hay không nên bạn sẽ không bị áp lực. Thứ duy nhất ảnh hưởng tới các bài đăng là “cá tính” của bạn và mô hình khá thô về đối tượng độc giả.
Báo và tạp chí từng có một mô hình khá thô về độc giả như vậy. Trước đây các tác giả không biết có bao nhiêu người đã đọc bài của mình.
Họ cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi viết bài, cũng không phải quá lo lắng về loại bài viết nào không có nhiều người đọc. Tất nhiên, điều đó có thể dẫn tới việc bài viết sẽ kém hấp dẫn, không ai đọc, nhưng nó cũng có thể dẫn đến những tác phẩm tuyệt vời.
Trong khi đó, hiện nay, các nhà xuất bản có rất nhiều công cụ để đánh giá phản hồi của độc giả. Từ đó, họ có thể cung cấp cho độc giả thứ mà họ cần một cách chính xác.
Thực tế đó không chỉ tồn tại trên các phương tiện truyền thông thông thường mà còn trên cả các mạng xã hội. Giờ đây, một cậu bé 11 tuổi cũng có thể cảm nhận được loại bài đăng nào sẽ nhận được nhiều ‘Like’ nhất.
Không hề ngẫu nhiên khi các phương tiện truyền thông đang chạy theo các tiêu đề giật gân, khiếm nhã hay cay nghiệt. Đó là kết quả của việc nhiều nhà sản xuất nội dung quá chú trọng đến việc tìm cách đưa nội dung đó tới nhiều người đọc nhất có thể thay vì chất lượng và ý nghĩa của nội dung đó.
Từ những lập luận trên, tác giả khẳng định, những ứng dụng hay tính năng tăng cường sự tương tác như nút ‘Like’ đang phá hỏng các nội dung trên Internet.