Liệu người dân có “thoát” cuộc gọi rác?

Liệu người dân có “thoát” cuộc gọi rác?
Liệu người dân có “thoát” cuộc gọi rác? ảnh 1
Nguồn gốc cuộc gọi, tin nhắn không được người dùng trông đợi xuất phát từ cái gọi là SMS marketing. Trong khi đó, đây là nguồn lợi rất lớn của các nhà mạng.

Khái niệm cuộc gọi rác… rất mơ hồ

Trả lời báo Giáo dục & Thời đại, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena cho rằng: Hiện khái niệm cuộc gọi rác, tin nhắn rác của Việt Nam rất mơ hồ. Chỉ khi chúng ta thống nhất được khái niệm thế nào là cuộc gọi rác, thế nào tin nhắn rác thì lúc đó chúng ta mới xử lý chính xác. Thứ hai là chế tài xử lý nguồn phát tán cuộc gọi rác phải đủ nghiêm khắc.

Trước khi có một khái niệm cụ thể, cách nhận diện thế nào là tin nhắn rác, thế nào là cuộc gọi rác cũng chưa được thống nhất.

Về mặt kỹ thuật, quy trình phát tán cuộc gọi, tin nhắn rác xuất phát từ một tổng đài nào đó. Tổng đài này tự động gửi tin nhắn (SMS) hoặc gọi điện nhiều lần, cho nhiều đối tượng với cùng một nội dung được lập trình sẵn. 

Vậy những tổng đài sử dụng telesales do con người gọi cho nhiều đối tượng liệu có được nhận diện là cuộc gọi rác hay không? Đến đây sẽ phát sinh vấn đề là đối tượng được gọi tiếp cận chủ động với tổng đài (tức là người dân có nhu cầu thực) hay tổng đài mua thông tin khách hàng rồi gọi.

Nếu khách hàng nhận được cuộc gọi tư vấn một cách thụ động thì có thể báo cáo cuộc gọi rác, từ đó, các nhà mạng sẽ xử lý bằng cách phân loại theo thuật toán được lập trình sẵn.

Tuy nhiên, các vấn đề sẽ phát sinh từ đây do động chạm đến quyền lợi của các nhà mạng. Bởi theo lý giải của ông Võ Đỗ Thắng, dưới góc nhìn của người dân thì đó đó là tin nhắn, cuộc gọi rác, còn với nhà mạng thì đó là... tiền.

Theo tìm hiểu của Giáo dục & Thời đại, trong lĩnh vực marketing có hình thức truyền thông là SMS marketing, Email marketing… Có nghĩa là tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo hàng hoá, dịch vụ nào đó thì có thể bỏ tiền cho một công ty trung gian. Công ty trung gian này trả tiền cho các nhà mạng để phát tán nội dung quảng cáo đến người tiêu dùng thông qua tin nhắn mà nhiều người vẫn thường nhận được với ký tự bắt đầu bằng (QC)… Nếu từ chối nhận quảng cáo này, người dùng phải nhắn tin với cú pháp "TC" gửi tổng đài. Khi nhắn tin từ chối, chủ thuê bao có thể vẫn bị tính tiền như với tin nhắn bình thường hoặc mất nhiều tiền hơn gấp nhiều lần so với thông thường. Có nghĩa là người dùng phải trả tiền cho nhà mạng để đổi lấy sự "bình yên".

Cần có chế tài xử phạt nặng nhà mạng và nguồn phát tán tin rác

Theo chị Ngô Thị Thuỳ Dung, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chị nhiều lần nhắn tin TC gửi tổng đài, nhưng sau đó vẫn có tin nhắn quảng cáo gửi về với nhiều nội dung khác nhau. Nếu hiểu theo nghĩa, tin nhắn rác là tin nhắn không được chủ thuê bao nào đó trông đợi thì tin quảng cáo cũng có nghĩa là tin nhắn rác. Chỉ khác ở chỗ, nguồn phát tán tin có trả tiền cho nhà mạng để đưa tin đến chủ thuê bao hay không. Nếu trả tiền thì có thêm chữ "QC" ở đầu nếu không thì không có chữ "QC".

Nhiều người cho rằng, quyền lợi từ tin nhắn rác đối với các nhà mạng vẫn rất lớn. Vì vậy, đại diện một nhà mạng mới đây thể hiện quan điểm trên báo chí cho rằng: Quy định "nhà mạng chỉ được phép gửi nội dung quảng cáo tới các đối tượng đồng ý nhận quảng cáo; không được phép gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo, 3 thư điện tử quảng cáo, 1 cuộc gọi quảng cáo tới một địa chỉ điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận" gây khó khăn và giới hạn nhà mạng trong việc gửi tin nhắn quảng cáo tới khách hàng.

Liệu người dân có “thoát” cuộc gọi rác? ảnh 2
Ông Võ Đỗ Thắng cho rằng, cần có chế tài đủ mạnh để xử phạt các nhà mạng và nguồn phát tin nhắn, cuộc gọi rác (ảnh internet).

Trong khi đó, ông Vũ Khắc Lịch, phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin - Bộ TT-TT thông tin trước báo chí là Bộ đang xây dựng tiêu chí chặn cuộc gọi rác và hoàn thiện hành lang pháp lý về đối tượng cuộc gọi rác. Nhưng việc này có sự tham gia của các nhà mạng và có thể luật hoá các tiêu chí về cuộc gọi rác.

Tuy nhiên, theo ông Võ Đỗ Thắng, để hạn chế cuộc gọi, tin nhắn rác thì cơ quan chức năng cần phải xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe nguồn phát tán tin rác và phải xử nghiêm nhà mạng. Ví dụ, người dân có thể khởi kiện nhà mạng và trung tâm phát tán tin rác, yêu cầu đền bù với những phiền phức mà cuộc gọi, tin nhắn rác gây ra. Đồng thời, xử phạt nguồn phát tin rác đến 100 triệu đồng thay vì vài triệu đồng như hiện nay. Có như vậy mới mong hạn chế tối đa tin nhắn, cuộc gọi rác.Ở góc nhìn khác, nhiều người cho rằng, việc xây dựng luật liên quan đến cuộc gọi, tin nhắn rác mà chịu ảnh hưởng quá lớn từ các nhà mạng thì sẽ rất khó để xoá bỏ cuộc gọi, tin nhắn rác. Lý do là quyền lợi của các nhà mạng quá lớn, với các nhà mạng "rác" là tiền, vì vậy các nhà mạng không có lý do gì để từ bỏ nó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ