Liên tiếp những ca trẻ cấp cứu vì nuốt… viên bi, đồng xu, chìa khóa…

Liên tiếp trong thời gian ngắn, tại nhiều bệnh viện trên cả nước đã tiếp nhận các trường hợp trẻ nuốt dị vật, phải nhập viện cấp cứu.

Chuỗi viên bi bé T.S thường chơi đã nuốt phải.
Chuỗi viên bi bé T.S thường chơi đã nuốt phải.

Ngày 22/4, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau khi được các bác sĩ tiến hành nội soi lấy ra 9 trong tổng số 13 viên bi, ngày 21/4, 4 viên bi còn lại trong bụng bệnh nhi Nguyễn Hữu T.S (2 tuổi, ở Đô Lương, Nghệ An) cũng đã tự ra qua đường hậu môn mà không cần can thiệp phẫu thuật.

Như thông tin trước đó đã đưa, ngày 15/4, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Hữu T. S, được bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An chuyển lên do nuốt phải hàng chục viên bi nam châm.

Bố bé S cho biết, mấy hôm trước, cháu S bị ốm, nghỉ học không đến trường. Cháu thường hay chơi với các anh chị lớn hơn trong xóm và các cháu này thường chơi trò bi nam châm.

Loại bi này giống bi xe đạp, đa màu, đường kính khoảng 5mm, là loại đồ chơi có chữ Trung Quốc, được bán nhiều trên thị trường và được rao bán rầm rộ trên mạng.

Ngày 13/4, thấy con nôn mửa dữ dội, nghi cháu bị ngộ độc thức ăn nên gia đình đã đưa cháu đi khám thì bác sĩ phát hiện cháu nuốt phải bi.

Do là bi nam châm nên sau khi nuốt nó liên kết thành khối trong dạ dày, không tiêu theo đường hậu môn được, gây nóng sốt, nôn mửa. Bé được chuyển lên BV Sản – Nhi Nghệ An, sau đó được chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, ngày 18/4, cháu S đã được các bác sĩ tiến hành nội soi và lấy ra 9 trong tổng số 13 viên bi.

Sau 3 ngày được các bác sĩ theo dõi, cho dùng thuốc nhuận tràng kết hợp vận động nhẹ nhàng, sáng 21/4, 4 viên bi còn lại đã ra theo đường hậu môn mà không cần can thiệp phẫu thuật. Hiện cháu khỏe mạnh, tỉnh táo, ăn uống tốt, được ra viện.

Trước đó, ngày 17/4, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhi Phạm Bảo Nam, 5 tuổi, trú tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nhập viện trong tình trạng nuốt vướng, nuốt đau, nôn nhiều...

Lien tiep nhung ca tre cap cuu vi nuot… vien bi, dong xu, chia khoa… - Anh 2

Bé Bảo Nam được thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang.

Sau khi các bác sỹ thăm khám và làm cận lâm sàng thấy trong thực quản trẻ có hình ảnh cản quan 1 dị vật hình tròn. Gia đình trẻ cho biết, trước khi nhập viện, trẻ nghịch đã nuốt 1 đồng xu vào miệng, gia đình phát hiện đã đưa ngay trẻ đến bệnh viện.

BS Nguyễn Bắc Hải (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Bệnh nhi Phạm Bảo Nam đã được kíp nội soi gắp thành công 1 đồng xu 200 đồng ra khỏi thực quản. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi ổn định, đã ăn uống tốt.

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cũng vừa xử trí và gắp dị vật thành công cho hai trường hợp chỉ trong 3 ngày.

Bệnh nhi là một bé 8 tháng tuổi nuốt phải mảnh kim loại dài 2cm trong thực quản. Trường hợp thứ 2 là bé Vũ Thị Huyền Tr. (17 tháng tuổi) nuốt phải chìa khóa vào dạ dày với kích thước 3,5cm.

Bé Tr là trường hợp mắc dị vật lớn nhất đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ mà Bệnh viện tiếp nhận và xử trí. Nếu không được xử trí gắp bỏ kịp thời thì dị vật có thể sẽ di chuyển theo đường tiêu hóa xuống ruột gây tổn thương như rách thủng niêm mạc ruột, tắc ruột ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ.

Sau khi gắp bỏ dị vật, sức khỏe bệnh nhi ổn định, ăn uống tốt và đã được xuất viện.

Theo TS.BS Nguyễn Việt Hà – Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương, dị vật đường tiêu hóa là vấn đề rất hay gặp ở trẻ nhỏ do trẻ có bản tính hiếu động, tò mò, và hay có thói quen cho các vật cầm ở tay vào miệng.

Dị vật rơi vào đường thở hoặc thực quản gây ra những hậu quả khôn lường, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.

Do đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý không để trẻ chơi các đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, không nên đeo đồ trang sức cho trẻ, luôn giám sát, không để trẻ chơi một mình.

Theo GĐ&XH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.