Liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chưa rõ thời điểm vận hành

GD&TĐ - Ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn của các ĐBQH về các vấn đề nóng như thực hiện các dự án thu phí tự động không dừng và quản lý, giám sát các trạm BOT giao thông. 

Hệ thống đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông vẫn nằm bất động như một lát cắt giữa dòng xe cộ đông đúc trong lòng Hà Nội. Ảnh: Thế Đại
Hệ thống đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông vẫn nằm bất động như một lát cắt giữa dòng xe cộ đông đúc trong lòng Hà Nội. Ảnh: Thế Đại

Đặc biệt, nhiều ĐBQH đã chất vấn về thời điểm vận hành và một số vấn đề liên quan tới dự án đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông sau gần chục lần “lỗi hẹn”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng chỉ “xin cam kết với đại biểu sẽ cố gắng tối đa” và khi không làm hết trách nhiệm thì “Chính phủ, cơ quan chức năng liên quan sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.

Vẫn chờ hoàn thành 1% khối lượng

ĐBQH Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) chất vấn nguyên nhân vì sao Dự án đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành đến 99% khối lượng công việc mà vẫn chưa vận hành thương mại? Bộ có xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đội vốn, kéo dài này không?

Trước băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, nguyên nhân khách quan dẫn đến các dự án bị đội vốn là khi lập kế hoạch ban đầu chưa có chủ trương xin vốn nên số liệu chưa chuẩn xác. Nguyên nhân chủ quan là do năng lực của cán bộ liên quan còn hạn chế, tư vấn triển khai còn lúng túng, phát sinh nhiều vấn đề trong thực tiễn. Về tổng thầu,

Bộ đánh giá đơn vị này xây dựng đường sắt tốt, nhưng trong vận hành đường sắt lại thiếu kinh nghiệm. Do đó, Bộ đã làm việc với các bên để cải thiện tình hình, sớm đưa dự án vào vận hành.

Giải thích về điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án tăng gấp đôi từ 8.679 tỉ đồng lên hơn 18.000 tỉ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết là do trượt giá đến 49% của giai đoạn từ 2009 - 2014, thay đổi về công nghệ và phát sinh về giải phóng mặt bằng… “Con số này sắp tới sẽ được các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thậm chí cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vào cuộc làm sáng tỏ. Đơn vị nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Thể cho biết.

Trả lời chất vấn của ĐBQH Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) về nguyên nhân dẫn tới việc thu phí tự động không dừng đến nay mới bảo đảm 30% tổng số trạm trên toàn quốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ chia các dự án thu phí tự động không dừng thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đã thực hiện được 28 trạm, còn 15 trạm đang triển khai; giai đoạn 2 có 33 trạm. Bộ thống nhất để Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao cho Viettel và Vietinbank khảo sát 33 trạm thu phí giai đoạn 2. Theo cam kết, các nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 12/2019.

Nhấn mạnh việc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã gần chục lần “lỗi hẹn” vận hành, ĐBQH Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) muốn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời về thời điểm cụ thể sẽ đưa tuyến đường sắt đô thị này vào vận hành thương mại.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, bản thân ông cũng rất mong muốn đưa dự án vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của quốc gia, liên quan đến sinh mệnh hành khách nên mọi công việc phải tiến hành thận trọng, theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Cụ thể, để vận hành, đơn vị tư vấn phải chứng nhận an toàn hệ thống. Dự án phải được nghiệm thu, được cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến thiết bị linh kiện… Ngoài ra, còn đào tạo 800 người sử dụng phương tiện và thử vận hành không tải.

Để đẩy nhanh tiến độ vận hành thương mại, Bộ đã yêu cầu tổng thầu thay đổi người quản lý và làm việc với các cơ quan chức năng yêu cầu phía đối tác cung cấp đầy đủ thông tin, để dự án được bảo đảm an toàn tuyệt đối, vì còn liên quan đến nhiều dự án tiếp theo.

Tuy nhiên, về thời gian vận hành, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng chỉ “xin cam kết với đại biểu sẽ cố gắng tối đa” và khi không làm hết trách nhiệm thì “Chính phủ, cơ quan chức năng liên quan sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.

Đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Quang Khánh 

Tăng minh bạch các dự án BOT

Trong chất vấn của mình, ĐBQH Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho biết, sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này.

Tuy nhiên, trước đó, Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông, vì đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân. “Vì sao hai bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm tại 61 dự án này không? Và có lợi ích nhóm ở đây hay không?”, đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết đã trực tiếp chỉ đạo các nhà đầu tư chủ động mời kiểm toán nên 100% dự án BOT đã được kiểm toán. Theo quy định, khi dự án được phê duyệt thì ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư, triển khai xong sẽ thực hiện quyết toán và điều chỉnh hợp đồng. Sau khi chốt hợp đồng mới cho thu phí.

“Số liệu hơn 200 năm là đúng, nhưng chỉ đúng với dự án được duyệt. Số liệu thực tế quyết toán, thời gian thu phí đã giảm rất nhiều so với hợp đồng nguyên tắc ban đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định. Tranh luận lại, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, thông tin chủ động mời kiểm toán là không chính xác... Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, đã chỉ đạo tất cả các nhà đầu tư chủ động mời kiểm toán ngay từ đầu. Trong quá trình hậu kiểm, nếu phát hiện dự án có vấn đề sẽ phối hợp làm rõ hơn nữa.

Về việc tăng tính minh bạch của các trạm thu phí BOT hơn nữa, ông Nguyễn Văn Thể cho biết, cuối năm nay sẽ đưa phần mềm vào thu phí và sử dụng hệ thống camera để giám sát thu phí tại các trạm BOT.

Phần mềm thu phí của từng trạm sẽ được kết nối số liệu với cơ quan chức năng của Nhà nước để giám sát. Ngoài các làn thu phí tự động không dừng, mỗi trạm còn 1 - 2 làn thu phí thủ công để phục vụ cho xe có thẻ ưu tiên, xe nước ngoài vào Việt Nam và nguồn thu từ các làn thu phí thủ công cũng sẽ được giám sát chặt chẽ. Hệ thống camera sẽ giúp kiểm tra lưu lượng xe qua các trạm BOT và thực hiện công tác đối chiếu, bảo đảm tính chính xác về doanh thu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ