Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc: Kỳ vọng mùa vàng bội thu

GD&TĐ - Liên hoan sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 (diễn ra từ 11 - 25/4), thu hút đông đảo các đoàn kịch nói ngoài công lập. Đây là tín hiệu vui bởi từ trước đến nay rất hiếm có một cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc nào có đông đơn vị sân khấu xã hội hoá, hứa hẹn sẽ tạo sức bật cho nền sân khấu nước nhà.

Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc:  Kỳ vọng mùa vàng bội thu

Nhiều nét mới

Theo thông tin từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, tham gia Liên hoan lần này dự kiến có 27 vở diễn của 22 đơn vị sân khấu trên cả nước. Trong đó, có 13 đơn vị là sân khấu ngoài công lập.

So với các lần tổ chức trước, liên hoan năm nay có nhiều điểm mới như không hạn chế về đề tài với vở diễn, không hạn chế số lượng vở tham gia cho các thành phần sáng tạo như tác giả, đạo diễn…

Quy chế chấm giải và khen thưởng cũng có điểm mới, khi quy định tặng giải thưởng xuất sắc nhất cho 1 đạo diễn trẻ có tuổi đời không quá 35. Thời lượng vở diễn quy định cũng được rút ngắn hơn so với các kỳ liên hoan trước để phù hợp với điều kiện xã hội hiện tại, từ 90 - 120 phút.

Bên cạnh đó, các đơn vị có tư cách pháp nhân, có thời gian hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật kịch nói từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm tham gia liên hoan được cũng đăng ký tham gia. Điều này khiến cho không khí của liên hoan khá sôi động.

Nhiều sân khấu xã hội hóa với tên tuổi mới lạ xuất hiện tại liên hoan năm nay như Sân khấu kịch Minh Nhí mới chỉ thành lập hơn một năm, nhưng đã vượt qua nhiều khó khăn để đến với liên hoan. Ngoài ra còn có Công ty TNHH Dịch vụ giải trí sân khấu Buffalo, Công ty TNHH một thành viên xúc tiến thương mại và tổ chức biểu diễn TKC, Công ty TNHH Sân khấu Điện ảnh Gia đình…

Đây là làn gió mới từ mô hình xã hội hóa các sân khấu hy vọng sẽ mang đến một hơi thở mới mẻ. Trong sự khó khăn của sân khấu kịch hiện nay, sự năng động, chủ động tìm khán giả, cũng là cách làm để các đơn vị công lập học hỏi.

Sự lên ngôi của các đạo diễn trẻ

Nhìn vào danh sách các vở diễn đăng ký dự thi, người ta thấy rằng, nếu như ở phía Bắc vẫn là những tên tuổi tác giả, đạo diễn “cây đa cây đề” quen thuộc ở các mùa liên hoan như đạo diễn NSND Lê Hùng, NSƯT Trần Minh Ngọc, tác giả Chu Thơm, tác giả Nguyễn Đăng Chương… thì ở phía Nam xuất hiện nhiều đạo diễn trẻ như Nguyễn Thị Thanh Thủy, Lê Đăng Khoa…

Cùng với đó, nhiều đơn vị lần đầu tham gia liên hoan sân khấu kịch toàn quốc với nhiều thể nghiệm trong phong cách và hình thức biểu diễn… như vở “Rặng trâm bầu” của Sân khấu Trịnh Kim Chi lần đầu tiên có mặt trong Liên hoan sân khấu Kịch nói, vở kịch cổ trang “Yêu là thoát tội” của Trường Đại học sân khấu Điện ảnh TPHCM… như ươm mầm cho các tài năng trẻ kịch nói trong tương lai.

Đa dạng về thể loại, phong cách, đề tài…các vở diễn mang đến Liên hoan ngoài những vở diễn đề tài cách mạng, là những câu chuyện về tình yêu, tình cảm gia đình hoặc những vấn đề mang tính thời sự trong đời sống dân sinh như những vấn đề thời đô thị hoá nông thôn; sự đảo lộn mọi giá trị bởi sức mạnh của đồng tiền…

Trong khi sân khấu phía Bắc từ lâu chịu cảnh ế ẩm, nhiều sân khấu phía Nam cũng lao đao, có đơn vị phá sản thì Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 2018 được xem như “đòn bẩy” để giúp các nghệ sĩ có thêm động lực, cống hiến những vở diễn hay và công chúng có thêm tình yêu với sân khấu.

Mặc dù mới là những bước khởi đầu cho một mùa vàng bội thu, nhưng những người làm nghề và công chúng yêu nghệ thuật sân khấu vẫn chờ đợi những người “cầm cân nẩy mực” thể hiện sự công tâm và bản lĩnh của mình khi đánh giá những tác phẩm sáng tạo, đổi mới để giúp các nghệ sĩ có thêm động lực, cống hiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ