Liên Bộ tạo kỷ lục về giảm giá xăng

Liên Bộ tạo kỷ lục về giảm giá xăng

Mức giảm hài hước

Từ 15 giờ chiều 15/1, giá xăng được điều chỉnh giảm. Cụ thể, xăng E5 RON92 giảm 36 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 77 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 43 đồng/lít; dầu hỏa giảm 50 đồng/lít; dầu mazut tăng 789 đồng/kg.

Sau điều chỉnh giảm giá, giá xăng E5RON92 không cao hơn 19.845 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 20.913 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 16.548 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 15.535 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 12.709 đồng/kg. Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít.

Trong lần điều chỉnh trước vào ngày 31/12/2019, giá xăng dầu tăng nhẹ theo diễn biến thị trường dầu mỏ thế giới. Theo đó, xăng RON 95 tăng 104 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 152 đồng/lít. Sau khi điều chỉnh, giá bán lẻ xăng RON 95 trên thị trường là 20.990 đồng/lít, với xăng E5 RON 92 là 19.881 đồng/lít. Trong khi đó, các mặt hàng dầu được điều chỉnh tăng mạnh.

Ngày 31/12/2019 cũng là kỳ điều chỉnh giá xăng cuối cùng trong năm 2019. Như vậy, trong 25 kỳ tính giá trong năm 2019, giá xăng đã trải qua 10 lần tăng, 11 lần giảm và 4 lần giữ nguyên. Tổng cộng, giá xăng tăng thêm 3.611 đồng/lít so với thời điểm đầu năm.

Mức giảm này đã tạo dấu ấn hài hước cho dư luận. Anh Thanh Tú - lái xe Công ty Du lịch ATS có một chia sẻ khá hài hước: “May quá, chỉ giảm 36 đồng, đỡ phải làm giấy thanh toán xăng dầu lại với công ty”. Còn chị Phan Sương - nhân viên truyền thông của Công ty Nami cho rằng: “Chi phí để truyền thông cho việc giảm giá xăng dầu còn lớn hơn mức hụt thu của con số 36 đồng/lít”.

Trích lập Quỹ Bình ổn bù giá

Với mức giảm thấp nhất là 36 đồng/lít, cao nhất cũng chưa vượt quá con số 100 đồng/lít, giá xăng được ví như những giọt cà phê phin đang nhỏ xuống đáy cốc.

Đây là đợt điều chỉnh có mức giảm thấp nhất trong lịch sử điều chỉnh giá xăng dầu. Tuy nhiên, mức giảm này là do liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định trích lập Quỹ Bình ổn chi ổn định giá xăng dầu vào dịp Tết Nguyên đán cận kề. Cụ thể, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, chi Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5 RON92 và dầu diesel ở mức 200 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 150 đồng/lít.

Đồng thời, để đảm bảo giá bán xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới, sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã giữ mức trích lập quỹ. Cụ thể, thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5 RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít; xăng RON95 trích lập ở mức 400 đồng/lít, dầu mazut trích lập ở mức 0 đồng/lít.

Giá dầu thế giới xu hướng giảm

Giá dầu thế giới hiện đang có xu hướng giảm so với đầu tháng 1/2019 khi căng thẳng ở khu vực Trung Đông tiếp tục dịu đi và nhà đầu tư bi quan sau báo cáo cho thấy lượng xăng dầu tồn kho của Mỹ tăng mạnh.

Theo giới phân tích, tỷ suất lợi nhuận gây thất vọng của các nhà máy lọc dầu ở Mỹ trong mùa đông này đang gây áp lực giảm giá lên dầu thô. Nhu cầu xăng và dầu sưởi ở Mỹ không cao như dự báo, khiến tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu ở nước này đi xuống.

“Rất khó để giá dầu tăng cao hơn nếu các nhà máy lọc dầu tiếp tục thua lỗ hay chỉ hòa vốn ở mảng xăng và dầu sưởi”, nhà phân tích Tom Kloza thuộc Oil Price Information Services nhận định. Báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) tuần trước cho thấy tồn kho xăng của Mỹ tăng thêm 9,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 3/1, mức cao nhất 4 năm. Tồn kho các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, cũng tăng 5,3%.

Gần đây, giá dầu đã tăng vọt lên mức cao nhất của 4 tháng sau khi Mỹ không kích chết một vị tướng của Iran vào hôm 3/1 và Iran trả đũa bằng cách phóng tên lửa vào căn cứ Mỹ ở Iraq. Tuy nhiên, giá dầu nhanh chóng sụt giảm trở lại khi cả Washington và Tehran cùng lùi bước khỏi bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp.

Theo nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC, với căng thẳng Mỹ - Iran dịu đi, giới đầu tư chuyển tâm điểm chú ý trở lại các vấn đề mang tính căn bản như cung và cầu dầu. “Thị trường tiếp tục có cảm nhận rằng nguồn cung dầu đang dư thừa, rằng mùa đông này ở bán cầu Bắc không lạnh như mọi năm, nên nhu cầu tiêu thụ dầu sưởi giảm sút”, ông Kilduff nói.

Hiện tại, giá dầu vẫn đang được ghìm không rớt thảm hại nhờ vào nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga. Ngoài ra, triển vọng kinh tế toàn cầu cũng có chiều hướng được cải thiện nhờ sự xuống thang của thương chiến Mỹ - Trung sau khi hai nước ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng hôm 15/1. 
Mặc dù vậy, chiến lược gia Harry Tchilinguirian của BNP Paribas cho rằng kỳ vọng về thỏa thuận Mỹ - Trung đã được phản ánh vào giá dầu rồi, nên việc ký thỏa thuận sẽ không tạo ra động lực mới để “vàng đen” có thể tăng giá trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ