Leo thang đối đầu khi Mỹ khôi phục trừng phạt kinh tế đối với Iran

GD&TĐ -Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã kịch liệt lên án Mỹ khi nước này khôi phục lệnh trừng phạt kinh tế lên Iran, theo yêu cầu từ Tổng thống Donald Trump. Ông Rouhani mô tả các biện pháp trừng phạt có hiệu lực từ nửa đêm 6 sang 7/8 (theo giờ Washington) như là chiến tranh tâm lý, nhằm gieo rắc chia rẽ giữa những người Iran.

Ông Trump muốn “thiết lập lại trật tự” trong lệnh nối lại trừng phạt với Iran
Ông Trump muốn “thiết lập lại trật tự” trong lệnh nối lại trừng phạt với Iran

Sách lược “đập đi làm lại” của ông Trump

Các biện pháp trừng phạt lần này của Mỹ nhằm vào các lĩnh vực khác nhau của Iran, đặc biệt là thương mại dầu mỏ. Lệnh trừng phạt này theo sau việc Hoa Kỳ rút lui khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung, hay còn được gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran hồi đầu năm nay.

Theo thỏa thuận được đàm phán trong nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama, Iran đã đồng ý giới hạn các hoạt động hạt nhân gây tranh cãi của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng thỏa thuận đó chỉ có tính chất một chiều, đồng thời ông tin tưởng rằng các áp lực kinh tế mới sẽ buộc Iran phải đồng ý với một thỏa thuận mới và đi đến chấm dứt các hoạt động thù địch của mình. 

Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh khôi phục lệnh trừng phạt lên Iran có hiệu lực từ 0 giờ 1 phút giờ EDT (tức 4 giờ 1 phút giờ GMT) ngày 7/8. Các lệnh trừng phạt nhằm vào: Việc mua bán hoặc thu nhận tiền giấy của Mỹ bởi chính phủ Iran; Lĩnh vực thương mại vàng và kim loại quý của Iran; Graphite, nhôm, thép, than, và phần mềm được sử dụng trong các qui trình công nghiệp; Các giao dịch liên quan đến đồng tiền gốc Iran; Các hoạt động liên quan đến việc phát hành nợ do chính phủ Iran đứng tên; Ngành công nghiệp ô tô của Iran.

Giai đoạn thứ 2 của lệnh trừng phạt dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 5/11/2018. Khi đó sẽ nhằm vào lĩnh vực năng lượng và vận chuyển của Iran, kinh doanh xăng dầu và giao dịch của các tổ chức tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương nước này.

Không thỏa hiệp

Như đã nói, việc áp đặt lệnh trừng phạt theo sau tuyên bố của ông Trump về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 hồi đầu năm nay. Ông Trump từ lâu đã lên tiếng chống lại thỏa thuận và gọi đó là “thảm họa” hay thỏa thuận tồi tệ nhất ông đã từng biết đến.

Ông Trump nói Iran phải đối mặt với một lựa chọn để “thay đổi hành vi đe dọa, bất ổn” và tái hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu, hoặc tiếp tục đi theo “con đường cô lập kinh tế”. Trong phát biểu hôm 6/8, trước thềm lệnh nối lại trừng phạt có hiệu lực, ông Trump tuyên bố: “Tôi vẫn để ngỏ khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn, có thể giải quyết đầy đủ tất cả các hoạt động ác tính của chế độ, bao gồm cả chương trình tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố (của Iran)”.

Ông Trump rất cứng rắn và cương quyết không thỏa hiệp. Thế nhưng, Iran cũng đâu có dễ khuất phục. Từ Tehran, ông Rouhani đã lên tiếng bác bỏ quyết định của ông Trump về khôi phục các biện pháp trừng phạt, nói rằng chính phủ Mỹ đã “quay lưng ngoại giao” với hành động này.

“Họ muốn khởi động chiến tranh tâm lý chống lại Iran” - Ông Rouhani nói - “Đàm phán sử dụng biện pháp trừng phạt không có ý nghĩa. Chúng tôi luôn ủng hộ ngoại giao và đàm phán... nhưng các cuộc đàm phán cần sự trung thực”.

Tổng thống Iran cũng cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump sử dụng Iran làm đòn bẩy chính trị trong nước trước cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 tại Mỹ. Thế nhưng ai cũng hiểu Iran sẽ vô cùng khốn đốn trước quyết định này của ông Trump. Có thể thấy mặc dù chỉ có Mỹ rút khỏi thỏa thuận, trong khi các bên đã tham gia kí kết khác vẫn cam kết với thỏa thuận ban đầu, nhưng đồng tiền Iran đã mất gần nửa giá trị kể từ khi nền kinh tế bị bóp nghẹt.

Trước viễn cảnh bị liên lụy (đối với các lệnh trừng phạt) cũng như nguy cơ đổ thỏa thuận hạt nhân Iran, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng chống lại các biện pháp trừng phạt và cam kết bảo vệ các công ty làm ăn kinh doanh hợp pháp tại Iran. Hôm 6/7, các bộ trưởng ngoại giao của Đức, Anh và Pháp ra tuyên bố cho biết thỏa thuận hạt nhân vẫn “rất quan trọng” đối với an ninh toàn cầu. Họ cũng tiết lộ một “đạo luật ngăn chặn”, nhằm bảo vệ các công ty châu Âu kinh doanh với Iran, bất chấp các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.

Trước đó, Mỹ đã từ chối các lời kêu gọi miễn trừ, thậm chí ông Trump còn thề là các công ty và cá nhân tiếp tục buôn bán với Iran sẽ nhận “hậu quả nghiêm trọng”, không quan tâm đó là công ty đến từ quốc gia nào. Đáng chú ý, một quan chức cấp cao  giấu tên nói với giới truyền thông Mỹ rằng, chính quyền “không đặc biệt quan tâm” tới  những nỗ lực tự bảo vệ bản thỏa thuận hạt nhân với Iran của EU.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.