(GD&TĐ) - Bắt đầu từ sáng sớm cho tới hoàng hôn, men theo những kênh rạch của hệ thống sông Sài Gòn rộng lớn, những chiếc ghe nhỏ bé ấy len lỏi vào khắp các cánh đồng hoang, những bãi cỏ um tùm để tìm những lá cỏ xanh nhất, mềm nhất, ngọt nhất cắt về. Và, đa phần những người làm nghề ghe cỏ này đều là dân nhập cư ở dưới miệt đồng bằng miền Tây lên đây. Những con người ấy cứ như chìm khuất giữa những đồng cỏ hoang vắng để cần mẫn, cặm cụi với công việc của mình, bất kể mưa nắng.
Cỏ được tập kết bên lề đường rồi chuyển đi tiêu thụ |
Nổi chìm trên những đồng hoang
Có mặt ở ngay cầu Bà Hồng nằm trên đường Bùi Công Trừng (xã Nhị Bình, Hóc Môn, TPHCM) chúng tôi bắt gặp hơn chục ghe cỏ mới cập bến chuẩn bị lên hàng. Theo quan sát, đây là một con rạch nhỏ nằm sát bên mé sông Sài Gòn là nơi những ghe cỏ thường xuyên cập bến đổ hàng vào mỗi buổi chiều.
Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Minh, quê ở Gò Quao (Kiên Giang) cho biết: Tôi theo mấy người trong ấp đi cắt cỏ từ gần chục năm trước. Cả nhóm gồm 7 người, có 2 cái ghe 8 mã lực dùng để mưu sinh. Ban ngày chạy ghe vào các bờ sông, kênh rạch, bụi hoang, những bãi cỏ hoang vắng để cắt. Chiều mang về đây bán cho các chủ nuôi bò sữa. Tối lại về phòng trọ ở bên Bình Mỹ (Củ Chi) tá túc chờ ngày mai.
Mùa này, mưa bắt đầu xuất hiện ở phía Nam nên cỏ cũng nhiều hơn. Những cánh đồng hoang nhiều cỏ, chỉ sau khoảng 1 tuần nếu có mưa nhiều là có thể quay lại cắt tiếp được khiến công việc cũng đỡ vất vả hơn mấy tháng mùa khô mới vừa qua bởi khi ấy có chạy xa, có khi sang tận Đồng Nai, Bình Dương cũng nên. Những khi ấy, sáng phải dậy sớm nấu cơm ăn, trưa thì mang theo hoặc ăn tạm những thứ như bánh mì, mỳ gói để tối về nhà cho kịp. Đấy là còn may mắn bởi có nhiều người khó khăn hơn, tất cả sinh hoạt đều diễn ra trên ghe. Nghĩa là ban ngày họ đi kiếm cỏ về bán, tối lại tìm một khúc sông, một bến nước nào đó để neo ghe, thuyền lại rồi ngủ đợi tới hôm sau tiếp tục công việc của mình.
Sang một ghe cỏ khác đang chờ cập hàng, gặp gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc, 33 tuổi, quê miệt Cái Bè (Tiền Giang) được biết, chị cùng chồng và cô con gái đầu lòng cũng đi cắt cỏ đã hơn 5 năm nay. Thường ngày, cả gia đình lênh đênh theo những kênh rạch vùng Thủ Thiêm, quận 2 hay sang bên phía An Phú, Phú Hữu (Nhơn Trạch, Đồng Nai) trên chiếc ghe nhỏ dài 12 mét của mình để cắt cỏ.
Cũng như những "tay liềm” khác, gia đình chị Ngọc thường tìm những bãi hoang nhiều cỏ để cắt. Mỗi ngày, bình quân một người có thể cắt được 100 - 120 bó cỏ. Hiện nay, giá mỗi bó như vậy ở chợ cỏ chừng 1.000 đến 1.200 đồng, tùy theo từng loại cỏ. Vì thế, nếu chăm chỉ, sau khi trừ chi phí ăn uống, xăng dầu, họ có thể để dành ra khoảng 300 ngàn đồng/ngày. Mặc dù có tiền nhưng phải nói đây là một việc làm khá vất vả chứ không đơn thuần chỉ là cắt cỏ như nhiều người vẫn nghĩ bởi hiện nay, thành phố ngày càng mở rộng khiến những nơi có cỏ bị giảm dần, đẩy những người làm nghề ghe cỏ phải đi xa hơn.
Những mảnh đời ghe cỏ |
Gian nan theo từng con nước
Đa phần những người cắt cỏ ở đây đều là dân tứ xứ, ở những vùng quê xa xôi miệt đồng bằng miền Tây, vì kế sinh nhai lên đây kiếm sống. Người ta gọi họ là những "thương hồ... cỏ” bởi họ cũng sống dựa trên những chiếc ghe thuyền, lênh đênh qua những dòng sông, con rạch, mong từng bữa cơm theo những con nước lớn ròng. Theo đó, mỗi nhóm đi ghe cỏ phải hùn tiền cùng nhau sắm một cái ghe cỡ 15 mét, có gắn đầu máy đuôi tôm chừng chục mã lực là đủ để hành nghề khắp các nhánh của sông Sài Gòn rồi.
Kể về những ngày đi cắt cỏ của mình, em Trần Thị Hiền, con gái chị Ngọc, chia sẻ: Lúc đầu mới đi cắt cỏ em sợ lắm, vì chỉ một thân một mình trên những cánh đồng hoang ngút ngàn cỏ, ngỡ mình như "bóng ma” ấy. Nhìn mỏi mắt chẳng thấy cha mẹ đâu. Rồi lại còn rắn, thú hoang nữa. Vậy nhưng, nghĩ tới mấy đứa em nhỏ và nội ở quê là em quên cả sợ, cứ cắm cúi vào cắt mà thôi. Đến trưa, nghỉ ngơi, mọi người mới mang cỏ về chỗ hẹn. Lâu dần giờ em chẳng còn sợ gì nữa. Nay, mặc dù đôi bàn tay con gái của em bị cỏ làm xước hàng trăm vết in hằn sẹo nhưng em chẳng buồn vì dù sao, đây cũng là một cái nghề có thể kiếm ra tiền cho cuộc sống của mình. Hỏi chuyện "người thương”, Hiền che tay cười e thẹn, em làm nghề cắt cỏ thì mai mốt chắc cũng lấy chồng làm nghề cắt cỏ thôi. Đời thương hồ, dù là thương hồ gì thì cũng chỉ lấy người thương hồ mà thôi, bao đời nay vẫn thế, chả bao giờ khác được, như lời nguyền vô hình của sông nước ấy.
Hầu như tất cả các thợ cắt cỏ này đều di chuyển và vận chuyển bằng ghe nên lẽ dĩ nhiên họ phải thuộc từng con nước lớn ròng, từng đoạn kênh sâu cạn để có thể đi và về được. Vì thế, để hàng chục ngàn bó cỏ mật, cỏ lông xanh, cỏ voi, cỏ ruzy, cỏ sả... cũng được buôn bán, vận chuyển qua đây, rồi tỏa đi khắp các xã quanh vùng thì con nước lớn là thuận tiện nhất. Nhiều hôm triều kiệt, nước không đủ mớn khiến nhiều ghe cỏ phải về trễ, cả người mua và người bán phải chong đèn lên để vận chuyển cỏ.
Nói về nghiệp ghe cỏ của mình, chú Bảy Lùn, nông dân ở Chợ Lách (Bến Tre) tâm sự: Có bữa, cả nhà cắt cỏ ở bên Nhà Bè xong thì trời ngả bóng. Tuy nhiên, nước triều vẫn cạn khiến chúng tôi không thể giong ghe ra về được. Đêm đó, cả nhà đành ăn mỳ gói và ngủ lại bên kênh Ông Cả. Chuyện phải ngủ lại giữa những cánh đồng cỏ hoang với những ghe cỏ như thế cũng chả có gì lạ vì nó vẫn thường xuyên xảy ra nhưng chuyện lạc đường giữa đồng cỏ mênh mông không biết ra lối nào cũng là cả một vấn đề bởi giữa những mênh mông cây cỏ cao ngút ngàn, tìm ra lối đi không phải là dễ.
Chúng tôi từng tiếp xúc và gặp gỡ nhiều người dân thương hồ sông nước miệt đồng bằng với cách sống lênh đênh lấy ghe thuyền làm nhà của mình nhưng khi gặp những ghe cỏ, mới thấy hết nỗi vất vả cơ cực của họ bởi gần như, họ chỉ sống một nửa đời thương hồ, nửa còn lại vẫn phải phụ thuộc vào những lần cập bến ở bờ để bán cỏ. Nhưng dù sao, với họ, những con người bình dị, nhỏ nhoi như… cọng cỏ thì đó cũng là một niềm hạnh phúc mênh mang giữa thành phố phồn hoa này rồi.
Hoàng Giang