Lên xứ Lạng nghe hát then, đàn tính

GD&TĐ - Hát then, đàn tính là một thể loại ca nhạc tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Thái xuất hiện lâu đời ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó xứ Lạng (Lạng Sơn) được xem là một trong những cái nôi của thể loại ca nhạc độc đáo này.

Biểu diễn hát then, đàn tính trên sân khấu lễ hội
Biểu diễn hát then, đàn tính trên sân khấu lễ hội

Then lên sân khấu

Hát then, đàn tính (cả then cổ và then lời mới) ở xứ Lạng ngày nay đã và đang được phổ biến rộng rãi từ bản làng đến trường học, tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân quan tâm góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy tinh hoa giá trị văn hóa truyền thống dân tộc ở địa phương.

Xứ Lạng, mảnh đất miền biên ải, nơi địa đầu Tổ quốc được biết đến với nhiều nét văn hóa truyền thống dân tộc độc đáo, phong phú, trong đó có hát then, đàn tính, là một trong những miền di sản văn hóa của Việt Bắc.

Từ lâu những câu ca dao “Lạng sơn có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh/Ai lên xứ Lạng cùng anh/ Bõ công bác mẹ sinh thành ra em/ Tay cầm bầu rượu nắm nem/ mải vui quên hết lời em dặn dò” đã trở thành những lời ca trữ tình trong hát then, đàn tính ở xứ Lạng.

Theo các nhà nghiên cứu, then xứ Lạng với những làn điệu khi hát lên thì tươi vui, rộn ràng khác với then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận và không tự sự thì thầm như then Bắc Kạn, không da diết thiết tha như then Cao Bằng…

Nhưng cũng như số phận của hát then, đàn tính các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn…, nghệ thuật hát then, đàn tính, nhất là then cổ (then kỳ yên, then cấp sắc, then cầu mùa, then giải hạn, chữa bệnh…) ở xứ Lạng cũng trải qua những thăng trầm, tưởng rơi dần vào quên lãng mai một.

Ngày xưa hát then, đàn tính cổ ở xứ Lạng thường được thực hiện trong cúng bái thần linh, trong các lễ hội xuân, cầu mưa, cầu mùa, cấp sắc… Chính vì những nghi thức ấy, có một thời gian khá dài then cổ được xem là có yếu tố mê tín bị hạn chế tổ chức.

Ông Hoàng Huy Ấm, một nhà nghiên cứu về then ở xứ Lạng cho rằng, then cổ có hai loại giai điệu chính hay và độc đáo nhất mà tổ tiên dân tộc Tày để lại, đó là giai điệu tàng bốc (then cao sơn, đường cạn); giai điệu tàng nặm (đường thủy). Tất cả giai điệu then cổ và then đặt lời mới đều mượt mà, sâu lắng, âm hưởng mềm mại, đầm ấm, thiêng liêng tạo sức truyền cảm mạnh.

Ngôn ngữ của lời then cổ cũng như then đặt lời mới thường mộc mạc, giàu hình ảnh rất gần gũi với cuộc sống đời thường, sử dụng ngôn từ tượng hình, tượng thanh, lối ví von so sánh phong phú. Nội dung các khúc hát then đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, mong ước mưa thuận gió hòa, lòng người an vui…

Lược bỏ đi những yếu tố tâm linh tín ngưỡng mang màu sắc mê tín, then thực sự là những khúc hát, điệu múa thuộc loại dân ca nghi lễ đáng được lưu giữ, bảo tồn, phổ biến rộng khắp, góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần nhân dân các vùng có di sản hát then, đàn tính.

Những năm gần đây, cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng, thông qua các cuộc liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc, phong trào hát then, đàn tính ở xứ Lạng có nhiều chuyển biến tích cực, với hàng trăm câu lạc bộ hát then, đàn tính được thành lập từ vùng nông thôn đến thành thị.

Những hoạt động như đưa nghệ thuật hát then, đàn tính vào chương trình các lễ hội truyền thống, các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn nghệ và duy trì hoạt động thường xuyên của các câu lạc bộ hát then, đàn tính đã tạo ra sức lan tỏa thật mạnh mẽ.

Điều đáng mừng là ngoài khoảng 150 nghệ nhân hát then, với khoảng 56 người được cấp sắc (có đẳng cấp trong hát then), hiện nay đội ngũ những người tham gia hát then, đàn tính tăng nhanh đáng kể và chính họ đã, đang có những đóng góp vào việc giao lưu biểu diễn tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng yêu nghệ thuật hát then, đàn tính ở trong và ngoài tỉnh. Nhiều người trong số họ đã đoạt được giải thưởng uy tín qua các cuộc thi, hội diễn khu vực, đặc biệt là các cuộc liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc.

Then vào trường học

Đưa hát then, đàn tính vào các hoạt động ngoại khóa và chính khóa của nhà trường là hình thức các trường phổ thông xứ Lạng đã áp dụng trong những năm qua. Thông qua đó cho thấy tính hiệu quả và sức lan tỏa đã góp phần tích cực vào việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị của loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống độc đáo của địa phương.

Trong nhiều năm qua, các trường học từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học ở xứ Lạng đã gắn việc gìn giữ phổ biến hát then, đàn tính với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hoạt động giáo dục truyền thống và hoạt động ngoại khóa trong mỗi tháng.

Là người tích cực tham gia trong việc phổ biến, truyền dạy hát then, đàn tính trong cộng đồng, nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên nhận xét, khi đưa hát then vào hoạt động giáo dục, đa số học sinh thấy gần gũi và nhanh chóng hiểu được giá trị, ý nghĩa của then trong đời sống của đồng bào Tày, Nùng từ bao đời nay.

Những lớp học hát then, đàn tính ở trường học

Những lớp học hát then, đàn tính ở trường học

Tại Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cứ mỗi tuần 3 buổi các cô cùng học sinh lại say mê với các làn điệu then và cây đàn tính một cách hào hứng.

Nhiều em tuy mới học lớp 3, lớp 4 nhưng đã rất điệu nghệ với cây đàn tính trên tay, vừa đàn, vừa hát rất chuẩn, rất ngọt ngào, rất nhập tâm các làn điệu then.

Tại huyện Văn Quan (Lạng Sơn), Trường THPH Lương Văn Tri đã tổ chức các lớp dạy hát then, đàn tính đồng thời khuyến khích giáo viên, học sinh nhà trường hát then, đàn tính trong các hoạt động văn nghệ. Bằng cách làm này, hiện nay Trường THPT Lương Văn Tri trở thành một trong những trường tiên phong đưa hát then, đàn tính vào giảng dạy, góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị một loại hình dân ca truyền thống dân tộc Tày, Nùng đặc sắc của xứ Lạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ