(GD&TĐ) - Mặc dù chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng với những diễn biến bất thường, số người mắc tăng cao tại nước láng giềng Trung Quốc, Bộ Y tế đã lên kế hoạch phòng chống dịch thông qua việc chuẩn bị cơ số thuốc, máy thở, kiểm dịch biên giới, cửa khẩu…
Bệnh viện sẵn sàng
Theo nhận định của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình, cúm A/H7N9 có nguy cơ bùng phát thành dịch ở nước ta là rất lớn. Cũng theo ông Bình, H7N9 là virus gây bệnh trên đàn gia cầm và chim hoang dã, đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về nguồn lây sang người. Tuy nhiên, “nhiều khả năng chủng H7N9 có thể biến đổi và dễ kết hợp với các chủng virus khác tạo thành chủng mới”, ông Bình chia sẻ.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện chưa có vacxin và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân mắc loại cúm này trên thế giới. Vì thế, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế; Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh thành về phòng chống và kiểm soát dịch cúm tại các cửa khẩu, sân bay, đường thủy, đường bộ từ nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời kiểm tra công tác phòng chống, điều trị tại một số bệnh viện.
Vệ sinh môi trường, nơi ở góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. |
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương là nơi tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm ở khu vực phía Bắc. Theo TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc bệnh viện, bệnh viện đã thành lập đội phòng chống dịch với hơn 20 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng nhân viên y tế trực 24/24h sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra, thành lập 2 đội cấp cứu – chống dịch ngoài viện luôn sẵn sàng tiếp ứng cho những nơi phát hiện dịch; đảm bảo cơ sở vật chất với 300 giường bệnh, trang thiết bị để thu dung, điều trị và chăm sóc bệnh nhân; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ tốt nhất cho công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chuẩn đoán PCR cúm A H7N9 và xây dựng được phác đồ điều trị bệnh cúm A H7N9 trình Bộ Y tế ban hành. Cũng theo TS Kính, khó khăn lớn nhất của bệnh viện hiện nay là cơ sở vật chất còn nhỏ hẹp. Do vậy, trong trường hợp quá nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị cùng lúc gây quá tải, bệnh viện chỉ điều trị cho bệnh nhân có biến chứng nặng. Với bệnh nhân mắc bệnh thể nhẹ, có thể chuyển về bệnh viện vệ tinh ở khu vực xung quanh là Đống Đa, Xanh pôn, Thanh Nhàn và Bắc Thăng Long.
Phòng chống dịch bệnh: Người dân cần chủ động bảo vệ mình
Do chưa có vacxin lẫn thuốc đặc trị nên khuyến cáo của ngành Y tế trong thời điểm này với người dân vẫn là tự phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Thứ trưởng Long cho biết: Trước nguy cơ dịch cúm AH7N9 có thể xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế vừa đưa ra 5 khuyến cáo đối với cộng đồng. Đó là thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
-Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn công tác đi kiểm tra cửa khẩu, hỗ trợ các địa phương trong việc giám sát, sàng lọc và cấp cứu; -Hiện Bộ cũng đang xây dựng phác đồ điều trị, tuy nhiên theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, cúm H7N9 vẫn nhạy cảm với Tamiflu nên vẫn có thể dùng thuốc này cho điều trị ban đầu. Sau đó, dựa vào diễn biến lâm sàng của bệnh nhân có thể chuyển sang phác đồ đa hóa trị liệu. |
H. Thu