>>Hạnh phúc, tình yêu thương và những giọt nước mắt trưởng thành
(GD&TĐ) - “Lễ Trưởng thành và Tri ân" tổ chức riêng cho học sinh khối lớp 12 đã được Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký tổ chức thành công liên tục trong 7 năm nay. Hoạt động này ngày càng được nhiều trường THPT khác tìm hiểu, hưởng ứng.
Cách đây 3 năm Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang cùng một số cán bộ nòng cốt khác (Trịnh Anh Việt- chánh văn phòng, Kiều Văn Thọ- Chủ tịch công đoàn, Trần Văn Mới - Hiệu trưởng THPT chuyên Lê Quý Đôn, Hồ Thanh Hải- Hiệu trưởng THPT chuyên Vị Thanh...) về dự lễ này, trao đổi rất kỹ với lãnh đạo trường Trương Vĩnh Ký và nhận từ nhà trường tất cả những tài liệu, văn bản, băng ghi hình cuộc Lễ Trưởng thành và Tri ân năm trước. Nói là "tất cả", bởi vì như Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang nói vui, trường Trương Vĩnh Ký đã chuyển giao toàn bộ "dây chuyền công nghệ" cho các trường THPT tỉnh bạn.
Các thế hệ thầy trò Trường THPT Trương Vĩnh Ký trong một buổi lễ "Trưởng thành và Tri ân" |
Lễ trưởng thành và tri ân nhằm mục đích gì?
Có một thực tế, nhiều vị cha mẹ học sinh phàn nàn: Con cái họ cạn nghĩ, cứ tưởng rằng đương nhiên các em được hưởng sự chăm sóc toàn diện của cha mẹ và ít khi thấu hiểu, để nuôi dưỡng các em nên người, các bậc sinh thành ra các em phải chịu đựng biết bao nỗi vất vả, thậm chí cực khổ.
Một thực tế không vui khác: không ít thầy cô giáo- đặc biệt thuộc hệ thống ngoài công lập - cảm thấy bị "dội nước lạnh" trước thái độ thờ ơ, vô cảm của nhiều học sinh (tất nhiên của cả cha mẹ các em nữa!). Quan niệm của các em và gia đình: đây là quan hệ mua bán sòng phẳng: Họ đóng tiền, nhà trường lo tổ chức lớp, thầy cô có trách nhiệm lên lớp để có thù lao dạy giờ. Quy trình "lĩnh hoá- giao ngân" rất dứt khoát và lạnh lùng. Phụ huynh có quyền đòi hỏi, hạch sách, còn học sinh cứ việc đến lớp, và tên thầy cô cũng không cần nhớ (cách gọi quen thuộc của số em này: cô giáo Văn, thầy giáo Toán v.v..)
Thực tế tiêu cực phí truyền thống này là một trong những hậu quả đáng báo động của việc coi nhẹ công tác giáo dục tình cảm đạo đức cho các em ngay từ khi mới cắp sách đến trường. Nói rộng ra, trong phạm vi toàn xã hội, chúng ta đã lỏng tay, để "văn minh vật chất" lấn lướt "văn minh tinh thần", dù dân tộc mình từ hàng ngàn năm trước đã đinh ninh tinh thần "tôn sư trọng đạo", trân trọng "công cha nghĩa mẹ", nhắc nhở con người phải "ân nghĩa thuỷ chung", "uống nước nhớ nguồn"...
Rõ ràng phải thống nhất một quan niệm: để hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ trước hết hãy chăm lo bồi đắp cho các em những phẩm chất tưởng như xưa cũ nhưng lại không thể thiếu, dù xã hội "văn minh, hiện đại" đến đâu, dù GDP theo kịp, hoặc vượt các nước giàu có bậc nhất thế giới đi chăng nữa. Nội dung này phải được quán triệt trong mọi cấp học- đặc biệt là tiểu học và trung học; trong mọi hoạt động nội khoá và ngoại khoá.
Lễ Trưởng thành và Tri ân chỉ là một khâu nhỏ trong cả một quy trình dài lâu ấy. Đối tượng được thụ hưởng và là chủ thể của hoạt động này là học sinh khối 12.
Gọi là "trưởng thành" vì các em nhìn chung bước vào tuổi 18- tuổi thành niên. Kết thúc cấp THPT, tuỳ hoàn cảnh cụ thể, các em sẽ thi đại học, cao đẳng, đi du học hoặc chuyển sang học nghề. Một số khá lớn các em cũng có thể vào đời với những công việc khác nhau. Cần ghi nhận sự trưởng thành đó và tạo cơ sở để các em có thể tự hào là thành niên thời đại mới- thời đại Hồ Chí Minh.
Nhấn mạnh từ "tri ân" cốt nhằm mục đích ở tuổi người lớn ấy, các em được tạo điều kiện để:
-Tri ân công sức nuôi nấng chăm sóc của cha mẹ, ông bà đằng đẵng trong nhiều năm.
-Tri ân thầy cô đã hết lòng giảng dạy, giáo dục các em về tri thức khoa học, tư tưởng đạo đức tình cảm.
- Khắc sâu tình bạn trong sáng của những năm cùng chung sống dưới mái trường THPT.
Cuộc họp mặt này, nếu tổ chức chu đáo, sẽ là một kỷ niệm đẹp đẽ, sâu sắc cho mỗi em; tạo sự tự tin, tự hào cho các em trước khi bước vào hai kỳ thi lớn trong đời đi học- thi tốt nghiệp THPT và thi Đại học, Cao đẳng.
Những Chuẩn bị cần thiết cho Lễ trưởng thành và tri ân:
Điều trước tiên và chủ yếu là mọi đối tượng liên quan đều hiểu rõ và thống nhất với nhà trường về ý nghĩa và tác dụng tích cực của hoạt động này. Hằng năm, ngay từ đầu năm học, hội đồng sư phạm, toàn thể phụ huynh và học sinh khối 12 được lãnh đạo trường trình bày chi tiết mục đích yêu cầu, nội dung tổ chức. Rất đáng mừng là tất cả đều nhiệt tình hướng ứng, đều khẳng định đó là một hoạt động mang tính "hướng thiện", thấm đẫm chất nhân văn.
Để ý nghĩa của Lễ đọng lại lâu bền trong các em, nhà trường trước khi nghỉ tết phát động trong tất cả các lớp 12 ngay trong những ngày về đoàn tụ, vui xuân với gia đình hãy dành thời gian suy nghĩ hồi tưởng, chắt lọc để ghi nhận những kỷ niệm sâu sắc về những người ruột thịt (cha mẹ, ông bà, cô dì, anh chị) về thầy cô (từ thời tiểu học đến THPT)
Nghiền ngẫm cho kỹ, cho sâu những kỷ niệm chân thực- rất chân thực chứ không tưởng tượng, hư cấu - về những người thân yêu ấy, để rồi trong buổi học đầu xuân, các thầy cô giáo dạy văn sẽ bố trí giờ cho các em viết. Tác phẩm "đầu đời" ấy được chấm, ghi điểm như một bài văn nghị luận.
Các thầy cô sẽ lọc lựa những bài trội nhất giới thiệu với Ban giám hiệu. Hiệu trưởng, với sự giúp sức của một vài thầy cô giàu kinh nghiệm giáo dục, sẽ đọc kỹ, tuyển chọn những bài tình cảm, xúc động, có chiều sâu suy nghĩ hơn cả để in thành một tuyển tập. Mỗi năm một tập "Tiếng nói tri ân" ngày càng dầy dặn, chất lượng hơn. Sách được in ấn trang nhã, trở thành món quà tinh thần trao tặng phụ huynh và học sinh trong ngày họp mặt.
Ngày lễ thường được trường Trương Vĩnh Ký tổ chức vào thượng tuần tháng 5. Thời điểm này rơi đúng vào "cao trào" ôn thi của các em, nhưng không ai phản đối. Tự nhiên, nó trở thành một buổi thư giãn thật tích cực, giúp các em giảm "stress" có hại. Tinh thần tình cảm phấn chấn hơn, và sau đó ôn tập chuẩn bị thi chất lượng hơn.
Các em cùng xem lại quần áo đồng phục sao cho chỉnh tề. Các vị phụ huynh cũng hào hứng, thu xếp công việc, thời gian để đến ngày đó đến chia vui với con em. Khá nhiều người ở xa (Hải Phòng, Thanh Hóa, Pleiku, Kiên Giang...) vẫn có mặt. Có gia đình đi 2,3 thậm chí 4 người- cả cha mẹ, ông nội, bà ngoại. Rất xúc động, có vị tàn tật cũng chống nạng hoặc đi xe lăn đến dự. Đặc biệt, có em cha mẹ li dị từ lâu, mỗi người đã có một cuộc sống riêng, nhưng hôm đó vẫn gác bỏ mọi tị hiềm, đến với ngày lễ của con mình.
Ban đại diện cha mẹ học sinh trường cũng xắn tay áo vào cuộc. Các vị chia nhau tham gia vào những khâu, những việc nhà trường cần sự góp sức. Ông trưởng ban chuẩn bị những lời phát biểu ngắn gọn, thấm đẫm nghĩa tình với các em. Năm nào tổ chức này cũng chuẩn bị tặng mỗi em một món quà có ý nghĩa. Chẳng hạn, năm nay Ban đại diện đặt hàng, mua tặng mỗi em một nón bảo hiểm loại tốt.
Việc làm này được sự ủng hộ nhiệt tình của Đảng bộ chính quyền thành phố cũng như của Sở GD-ĐT. Năm nào, dù bận đến mấy, đại diện lãnh đạo thành phố và Sở GD-ĐT cũng nhận lời đến dự. Hồi sinh thời cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông đã nhận đỡ đầu hoạt động này của trường Trương Vinh Ký. Sự hiện diện của ông trong lần tổ chức đầu tiên đã động viên phụ huynh, giáo viên và học sinh rất nhiều. Cố Đại tướng Mai Chí Thọ, Giáo sư- NGND- Anh hùng lao động Trần Văn Giàu cũng đều đã có lần tham dự với trường.
Trang trọng mà gần gũi
Năm nay trường có 566 học sinh khối 12 thì có tới 798 cha mẹ ông bà của các em đăng ký tham dự.
Sau phát biểu của đại diện Ban Giám hiệu (chúc mừng các em, nói rõ mục đích ý nghĩa của ngày lễ) và phát biểu của đại diện học sinh (trân trọng tri ân cha mẹ, thầy cô, bày tỏ sự lưu luyến với trường với bạn)- cả 2 phát biểu này thường rất gọn, tất cả các em theo thứ tự từng lớp xếp hàng trật tự, dắt tay mời bố (hoặc mẹ) lên lễ đài. Trên đó đã xếp sẵn một dãy bục cao chừng 30cm. Cha mẹ các em đứng trên bục, các em đứng đối diện phía dưới. Một em điều khiển, cả nhóm (thường khoảng 15-20 em) cúi đầu trước cha mẹ, nói lời tri ân và trân trọng trao tặng các đấng sinh thành bó hoa mà các em đã chuẩn bị cùng cả lớp. Cha mẹ các em nhận hoa, nhận lời tri ân... hầu như ai cũng xúc động nghẹn ngào, ôm hôn đứa con đã lớn- niềm vui, niềm tự hào của mình- và nhiều người đã tặng lại con những món quà ý nghĩa.
Tôi nhớ năm ngoái (2009) có bà mẹ từ Phan Thiết vào dự đã trao cho con sợi dây chuyền kiểu cổ, kèm theo lá thư của chồng bà viết cho con trai. Nội dung thư như sau: "Con yêu dấu, ba mệt nên không cùng mẹ vào dự lễ với con được. Tiếc lắm! Ba trao cho con một kỷ vật vô giá: lúc sắp mất, bà nội con đã đưa ba sợi dây chuyền này và dặn, khi nào con khôn lớn và xứng đáng được nhận món quà của bà thì hãy trao. Căn cứ vào sự tiến bộ qua mấy năm học, ba thấy bây giờ con có thể nhận kỷ vật này. Mỗi lần nhìn thấy nó, chắc con nhớ đến nội và chắc con sẽ làm cho nội ở thế giới bên kia được vui lòng".
Điểm nhấn của buổi lễ, năm nào cũng vậy, thường là tiết mục một em đọc bài viết về cảm xúc hoặc hồi tưởng của mình. Việc chọn bài đọc không khó, vì thực ra trong mỗi tập “Tiếng nói tri ân" được in hằng năm trong dịp này, có nhiều bài viết khá. Lời văn có thể đôi chỗ còn non, nhưng ta thường xuyên bị ngạc nhiên- ngạc nhiên mà vui sướng- khi thấy từ những trang viết ấy phát ra những tín hiệu tích cực, khẳng định sự trưởng thành nhiều mặt (nhận thức, tình cảm) của các em.
Kết thúc Lễ là phần tuyên hứa của toàn thể học sinh khối 12 .
Tất cả đứng, hàng ngũ tề chỉnh, một em đọc lời hứa, tất cả hô theo. Suốt 7 năm nay, nội dung tuyên hứa được đúc gọn lại trong 3 câu, cụ thể và thiết thực:
-Lời hứa thứ nhất: Học tập tấm gương đạo đức cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sống có trách nhiệm, sống tình nghĩa, để xứng đáng là thanh niên VN- con cháu các Vua Hùng. Tất cả xin hứa.
-Lời hứa thứ hai: Ra sức phấn đấu học tập, đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ, để đền đáp công ơn nuôi dạy của cha mẹ và các thầy cô giáo. Tất cả xin hứa.
-Lời hứa thứ ba: Mãi mãi nhớ đến trường Trương Vĩnh Ký với lòng biết ơn sâu sắc, nhớ mãi ngày Lễ Trưởng thành và Tri ân hôm nay. Tất cả xin hứa.
Tiếng hô đồng loạt, hừng hực, nhiệt tình "Xin hứa!" phát ra ba lần từ những trái tim thanh xuân, khiến không ít người lớn- cha mẹ, thầy cô- cảm thấy rưng rưng, vui sướng và tự hào. Không khí hào hứng lan toả tới cả bữa ăn đoàn tụ. Các em lần đầu tiên được ngồi cùng, trò chuyện và cụng li nước ngọt với cả cha mẹ và thầy cô.
Một vài suy nghĩ sau 7 lần tổ chức Lễ
Hơn 50 năm gắn bó với bục giảng- chủ yếu với các trường ĐHSP; mười ba năm nay góp sức điều hành trường Trương Vĩnh Ký, tôi hiểu rất rõ cái khó của sự nghiệp "trồng người". Bồi đắp, nâng cấp tri thức khoa học cho thế hệ trẻ đã khó, giúp các em hình thành một tâm hồn đẹp, một nhân cách cao thượng còn khó hơn nhiều. Đó phải là mối quan tâm hàng đầu của từng gia đình cũng như toàn xã hội. Nhà trường không thể có ảo tưởng quá đáng về khả năng, ảnh hưởng của mình, nhưng nhất định phải coi đây là nội dung hoạt động quan trọng hơn hết.
Hội đồng sư phạm nhà trường- từ Ban giám hiệu đến các thầy cô- ai cũng vui và tin vào việc làm đúng hướng của mình, góp phần xây dựng trường Trương Vĩnh Ký thành “trường học thân thiện”. Càng vui hơn khi thấy đầu năm học này- ngày 25/08/2009, Bộ GD-ĐT đã quy định 5 nhiệm vụ của năm học mới, trong đó có nhiệm vụ thứ hai: tất cả các trường THPT phải tổ chức tốt Lễ Trưởng thành và Tri ân cho học sinh khối 12.
Từ thâm tâm, chúng tôi mong đón nhận những tín hiệu phản hồi, những bài học kinh nghiệm sáng tạo mới, để làm cho hoạt động này của ngành ta được ngày càng có chất lượng thực sự.
PGS.TS Trần Hữu Tá
(Hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký)