Lễ hội Trò Trám: Thế gian có một không hai

Lễ hội Trò Trám: Thế gian có một không hai

(GD&TĐ) - Từ câu ca xưa để lại "Trò Trám vào đám mười hai/ Chẳng xem Trò Trám cũng hoài mất xuân”, chúng tôi vượt Hà Nội hơn 100km đường theo hướng Đông Bắc, lần tìm về phường Trám (xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ) để được hòa mình vào trò diễn xướng dân gian độc đáo này.

Tìm về nguồn cội Trò Trám

Người dân trong vùng kể lại ngày xưa có một ngôi miếu cổ nằm ấn mình trong khu rừng Trám, cách Đền Hùng khoảng 5km về phía đông nam ở phía tả ngạn sông Thao. Tứ Xã là vùng đồng trũng ngập nước, thỉnh thoảng nổi nên những đồi gò, nơi cư trú của người Việt cổ và là quê hương của chàng Tổng Cóc, chồng  bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Thời bấy giờ người ta chỉ cấy mỗi năm một vụ lúa. Lúc nông nhàn, cư dân nơi đây sinh sống bằng nghề cất vó bè, đánh bắt cá lăng, cá mú. Tại đây, vào các năm chẵn cứ 2 hoặc 4 năm một lần, dịp đầu xuân, nhân dân mở hội, diễn nhiều tích trò, bên cạnh ngôi miếu cổ nên gọi là miếu Trò. Miếu nằm trong rừng trám nên gọi gộp lại là miếu Trò Trám. Trải qua thời gian, hiện nay rừng trám không còn nữa, nhưng xóm nằm cạnh rừng trám xưa được gọi là xóm Trám, lại gắn với một phường trò nên còn được gọi là Phường Trám. Trám và Bùi là hai xóm có mặt ở đây đầu tiên và nằm trong vùng di tích đồ đá cũ của người Việt cổ như Gò Mun, Đồng Đậu con, thuộc huyện Lâm Thao.

Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Trò Trám là tên gọi theo địa danh diễn ra các tích trò “Tứ dân chi nghiệp” (còn được gọi là “bách nghệ khôi hài”) và sau đó là diễn lại hai tích trò khác là “phồn thực” và “tháo khoán”. Ba “công đoạn” diễn xướng và hành dụng này kế tiếp nhau không tách rời và nhất thiết không được thiếu “công đoạn” nào. Trò diễn “Tứ dân chi nghiệp” được coi là màn dạo đầu mang tính chất ẩn dụ rất cao. Chẳng hạn như khi diễn trò, trai gái hát đối đáp nhau những ca từ đầy ẩn ý, vui nhộn như: Người ta đi cấy lấy công/Tôi nay đi cấy lấy ông chủ nhà; Công anh đắp đập be bờ/Đừng cho người khác vác lờ đến đơm; Người ta câu diếc câu rô/Tôi nay câu lấy một cô không chồng/Có chồng thì thả mồi ra/Chưa chồng thì cặp, thì tha lấy mồi...

“Công đoạn” hai có nhiều tên gọi khác nhau như “Phồn thực”, “Cầu đinh”, “Lễ mật” và gắn với âm thanh phát ra từ ông thủ từ “Linh tình tình phộc” nên còn được gọi là lễ hội “Linh tình tình phộc”. Về công đoạn này, ông Hoàng Minh Tiến - cán bộ văn hóa xã Tứ Xã -cho biết; Từ xa xưa, loài người đã nhận biết để nòi giống được duy trì và phát triển thì phải có sự giao hòa giữa nam và nữ. Rồi tiếp đó, sau việc đồng áng, những cư dân nông nghiệp dần thấm thía ý nghĩa sinh tử của hiện tượng đơm bông kết quả. Và lễ hội Trò Trám của người dân Tứ Xã có từ khi đó.

Còn “công đoạn” cuối cùng là “tháo khoán”, một hình thực sinh hoạt phồn thực, không phải diễn xướng trên sân khấu dân gian, mà được thể hiện bằng những  động tác có thực trong đời sống con người.

Độc nhất vô nhị “Linh tinh tình phộc”

Tục thờ cúng Linga (sinh thực khí nam) và Yoni (sinh thực khí nữ) đã có từ xa xưa ở nhiều dân tộc, quốc gia và tôn giáo khác nhau. Ở Việt Nam ta tục thờ này còn lưu giữ trên mặt trồng đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ hay ở một số tháp của người Chăm. Nhưng chỉ đến Lễ hội Trò Trám, chúng ta mới được thấy tận mắt trò diễn xướng phồn thực duy nhất còn tồn tại đến nay mà thôi.

Lễ hội Trò Trám: Thế gian có một không hai ảnh 1

Dưới ánh đèn điện và ánh nền mờ ảo tại miếu Trò, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, cụ Dương Văn Thâm ngoài 90 tuổi, cụ Nguyễn Quang Toản, 82 tuổi,  Trưởng ban quản lý di tích miếu Trò và các cụ bà, các trùm của phường Trám cho hay: Lễ hội Trò Trám là sự tôn vinh sức sống trường tồn của con người Việt Nam ta. Đó là lễ hội sinh tồn, có yếu tố “nõ” (sinh thực khí nam) và  “nường” (sinh thực khí nữ) theo cách gọi dân giã. Hai vật linh này được tổ tiên ta tôn thờ như là vật báu của đời. Ở đây, động thái “linh tinh tình phộc” và “chày cối” là hiện tượng “tục hèm” xua đuổi tà ma, tiễu trừ hiểm họa, cho vật thịnh, dân an, xóm làng trù phú.

“Lễ mật” là nơi diễn ra trò “Linh tinh tình phộc” chỉ diễn ra một lần duy nhất trong năm vào giờ “lành” lúc nửa đêm (giờ Tý) đêm ngày 11 rạng sáng ngày 12 tháng Giêng âm lịch vào những năm tổ chức lễ hội tại miếu Trò. “Linh tinh tình phộc” là phút “khởi nguyên” sự sống cho một vòng đời, là hoạt động tâm linh của người Việt cổ cầu cho nòi giống sinh sôi, mùa màng tươi tốt.

Sau “công đoạn” một, diễn các tích trò về tứ dân: sĩ, nông, công, thương, kéo dài từ 8- 12 giờ đêm, đến sát giờ G, cụ thủ từ đến ngồi trước điện thờ gảy cây đàn Giằng Xay, (được mô phỏng giống hệt như một cái dương vật khổng lồ), rồi hát thờ. Hát xong, cụ già lại một mình trèo lên trên điện thờ lấy ra hai linh vật, rồi đưa cho đôi trai gái hành “Lễ mật”. Đèn, nến bỗng vụt tắt, trong đêm tối mịt mùng, cụ thủ từ hô “linh tinh tình phộc” 3 lần. Sau mỗi lần hô, người đàn ông cầm dương vật gỗ đâm vào trúng lỗ âm vật trên tay người đàn bà. Theo quan niệm của người dân địa phương, nếu đâm trúng cả 3 lần, năm ấy sẽ được mùa, cả làng đều nhân khang vật thịnh, nếu đâm trượt, thì năm đó là một năm khốn khó! Theo các cụ cao niên cho hay, ngày xưa, hai vật linh này được làm bằng thân cây chuối hột và gỗ mun. Sau khi “linh tinh tình phộc” xong, người ta rước hai vật linh ấy chạy quanh làng, ra đồng ruộng, bờ sông rồi thả xuống dòng nước. Hiện nay vật linh ấy được làm bằng gỗ mít, sơn đỏ và bọc vải đỏ cất giữ trên điện thờ của miếu Trò.

Cũng theo các cụ ở phường Trám, trò diễn “Linh tinh tình phộc” và Lễ hội Trò Trám đã bị thất truyền từ lâu. Năm 2000 có phục dựng lại một lần, nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn, không qui mô và “hoành tráng” như năm nay, vì năm nay là năm chẵn, kỷ niệm ngày giỗ tổ Đức vua Hùng và 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, lại được tỉnh cấp bằng di tích văn hóa cấp tỉnh cho miếu Trò, nên mới làm to như vậy.   

Những “trục trặc” ngoài mong đợi

Theo truyền thống, “Lễ mật” diễn trò “Linh tinh tình phộc” chỉ được diễn ra trong đêm tối vào đúng giờ “lành” thì ý nghĩa cầu may của nó mới linh diệu. Nếu diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, điện nến sáng trưng thì “mất thiêng”, vì đây là sinh hoạt văn hóa tâm linh. Thế nhưng, có một vài năm thể theo yêu cầu của cánh báo chí, gần 100 phóng viên, cả quay phim, nhiếp ảnh và báo viết của địa phương và Trung ương, ban Tổ chức Lễ hội đành phải “phá lệ”, tạo nên một “sự cố” ngoài mong đợi.

Sau khi diễn xong trò “Linh tinh tình phộc” theo đúng nghi thức truyền thống, Ban tổ chức đã yêu cầu hai người diễn lại đúng y nguyên dưới ánh đèn điện để tiện cho việc quay phim, chụp ảnh. Những bức ảnh chụp này cũng là “độc nhất vô nhị” cho đến nay. Nhiều lần trước không những trò diễn trong đêm tối mà Ban tổ chức còn nghiêm cấm tất cả mọi người dùng đèn flash để quay phim, chụp ảnh, nên chẳng thể nào có ảnh hoặc hình do máy quay cung cấp, mà chỉ miêu tả Trò Trám bằng lời văn. Đấy là một “trục trặc” ngoài mong đợi của Lễ hội Trò Trám.

Như vậy, “Lễ mật” hàng năm từ nay trở đi sẽ có hai lần thực hiện. Nhưng biết đâu nhờ có sự “trục trặc” này, mà tăng gấp hai lần niềm vui cho dân làng và khách thập phương. Cũng nhờ đó mà lần đầu tiên mọi người mới được chiêm ngưỡng những hình ảnh vừa ngộ nghĩnh, vừa hết sức sinh động về trò “Linh tinh tình phộc” của Lễ hội. Có người còn mạo miệng bảo rằng: lần này chắc Tứ Xã và cả nước Đại Việt ta sẽ được mùa lớn, bách cốc phong đăng, lúa khoai đầy bồ, nhân khang vật thịnh, con người và vạn vật sẽ tốt tươi, sinh sôi nảy nở hay chí ít cũng sẽ không bị dịch bệnh hoành hành. Còn cánh cánh báo chí dịp này sẽ “vung bút xuất thần”, đuổi cơn bĩ cực. 

Còn một “trục trặc” nhỏ nữa là, có người mang theo vợ từ Hà Nội lặn lội lên tận Phú Thọ để xem diễn trò “Linh tinh tình phộc”, đến lúc cụ thủ từ hô “tháo khoán” chẳng biết gửi vợ ở đâu, đành bỏ lỡ cơ hội. Thế có “hoài mất xuân” không chứ.

Trung Tiến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.