Lễ hội Nguyên Tiêu: Dấu ấn văn hóa của người Hoa ở Sài Gòn

Lễ hội Nguyên Tiêu: Dấu ấn văn hóa của người Hoa ở Sài Gòn

Văn hóa đặc sắc

Trong tâm niệm của người Hoa hay người Việt, ngày Tết Nguyên Tiêu quan trọng không kém so với Tết Nguyên đán. Đó là dịp để gia đình đoàn viên, mọi người ngồi lại với nhau, ngắm trăng, làm thơ, múa lân sư rồng… Ngoài ra, Lễ hội Nguyên Tiêu còn là lễ hội cổ truyền của nhiều nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…

Theo ông Quách Trung Hiếu – Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 5, TPHCM, Lễ hội Nguyên Tiêu diễn ra vào rằm tháng Giêng tại các quận 5, 6, 11. Lễ hội tập trung chính ở khu vực Chợ Lớn, quận 5. Tết Nguyên Tiêu tổ chức tiếp diễn sau Tết Nguyên đán, đón mừng đêm trăng tròn đầu tiên trong năm để người người, nhà nhà cầu mong “mưa thuận gió hòa”, đồng thời cũng là hoạt động để kết thúc những ngày vui Tết.

Lễ hội Nguyên Tiêu tổ chức tại quận 5 từ năm 1990. Trong ngày lễ diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn đặc biệt như: Diễu hành xe hoa, Bát Tiên đi cà kheo, Phúc Lộc Thọ, thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, múa lân sư rồng, múa quạt, múa cờ, ca múa nhạc các dân tộc, đấu đèn thỉnh lộc, ca cổ nhạc và diễn tuồng cổ người Hoa...

Du khách còn được thưởng lãm các khu trưng bày hoa đăng nghệ thuật, trang trí cảnh, triển lãm hội họa, thư pháp, nhiếp ảnh nghệ thuật gắn với các hoạt động biểu diễn vẽ tranh, viết thư pháp, tặng chữ; Liên hoan múa hát, dân gian các dân tộc; Hay tìm hiểu về các trò chơi dân gian đố đèn, câu cá vàng, gieo tú cầu…

Tết Nguyên Tiêu tại quận 5 – TPHCM là sự kết hợp, sáng tạo hài hòa giữa văn hóa Việt và văn hóa của cộng đồng người Hoa tạo nên nét văn hóa đặc thù riêng của vùng. Trong đó nổi bật tính riêng và chung của các nhóm ngôn ngữ dân tộc Hoa, tính cộng đồng cùng tham gia tổ chức lễ hội.

Người thì góp trí – sưu tầm nét đẹp văn hóa truyền thống dân gian dân tộc Hoa và các dân tộc, biên tập, dàn dựng, làm nhạc, người góp sức – giữ trật tự an toàn, tập luyện và biểu diễn ca, múa, hóa trang, người góp tài chính, cơ sở vật chất cùng làm nên Hội Nguyên Tiêu đặc sắc và tưng bừng rộn ràng.

Triển lãm hội họa, thư pháp, nhiếp ảnh nghệ thuật gắn với các hoạt động biểu diễn vẽ tranh, viết thư pháp... tại Trung tâm Văn hóa quận 5, TPHCM. Ảnh: T.G.
 Triển lãm hội họa, thư pháp, nhiếp ảnh nghệ thuật gắn với các hoạt động biểu diễn vẽ tranh, viết thư pháp... tại Trung tâm Văn hóa quận 5, TPHCM. Ảnh: T.G.

Bảo tồn và phát huy nét đẹp

Lễ hội Nguyên Tiêu kéo dài từ 3 - 4 ngày (khoảng 12 hoặc 13 đến rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm). Phần lễ thường được diễn ra tại các chùa, miếu, Hội quán của người Hoa, như: Lễ “Thầu đăng”, lễ “Tế thánh”.

Với người Hoa, việc đi lễ chùa để “cầu phúc”, “mượn lộc” trở thành phong tục không thể thiếu trong ngày rằm tháng Giêng hàng năm.

Cùng với các hoạt động mang tính nghi lễ, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật khá phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức cũng được diễn ra ngay tại các cộng đồng dân cư, tại các Hội quán người Hoa, như: Biểu diễn ca kịch tuồng cổ, múa lân sư rồng, múa Ương ca, và các loại hình tạp kỹ như đi cà kheo, du thuyền trên cạn, thi câu đố hoa đăng.

Bên cạnh đó, các hoạt động như: “Lễ tế Thánh” của nhóm người Triều Châu, “Hội Long đăng” của nhóm người Phúc Kiến, biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ trước cổng chùa của nhóm người Quảng Châu, Triều Châu, Hải Nam, cầu “Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bách nghệ hưng thịnh”… vẫn còn bảo tồn được những nét đặc trưng, mộc mạc, đầy sáng tạo của đồng bào người Hoa qua nhiều thế hệ.

Từ năm 2000, Lễ hội Nguyên Tiêu được Sở Văn hóa – Thông tin, nay là Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đưa vào danh mục lễ hội của TPHCM hàng năm.

Đặc biệt, vào đầu năm 2007, Ngày hội Văn hóa người Hoa do Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, phối hợp với UBND TPHCM lần đầu tiên tổ chức với quy mô toàn quốc, đã đem lại cho bà con người Hoa tại thành phố niềm tự hào và sự phấn khởi, càng tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới, dẫn dắt đất nước phát triển đi lên của Đảng và Nhà nước ta.

Ông Phạm Quốc Huy – Chủ tịch UBND quận 5 cho biết: “Liên tục 30 năm, năm nào quận 5 cũng cùng với Ban Quản trị các Hội quán, cùng với đồng bào Hoa và các dân tộc khác tổ chức Lễ hội Nguyên Tiêu. 

Lễ hội trở thành điểm nhấn văn hóa trên địa bàn quận 5 và là món ăn tinh thần không thể thiếu được của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn quận, du khách trong nước và quốc tế”.

UBND quận 5 đang tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nguyên Tiêu nhằm làm rõ giá trị văn hóa, tinh thần, nhân văn của lễ hội và đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đưa lễ hội vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh giả mạo salon ô tô trên Facebook để lừa đảo.

Lập salon ô tô 'ma' để lừa đảo

GD&TĐ - Hoàng Văn Cương và Nguyễn Anh Văn tạo dựng salon ô tô 'ma', sau đó đăng thông tin giả bán xe để chiếm đoạt tiền đặt cọc.
Ảnh minh họa ITN.

Dục tốc bất đạt

GD&TĐ - Đầu mùa tuyển sinh 2024, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã công bố loạt kết luận liên quan đến việc mở và đào tạo ngành học mới với nhiều trường đại học.