Lễ hội của một trời âm thanh

Lễ hội của một trời âm thanh

(GD&TĐ) - Đó là hội Lim - một lễ hội mà chỉ cần nhắc đến là người ta nhớ ngay đến những làn điệu dân ca Quan họ đã trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ, được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại 

-> Hội Lim 2013: Đến hẹn lại lên

Về với hội Lim là về với một trời âm thanh, thơ và nhạc náo nức không gian đến xao xuyến lòng người. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm... như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật. 

Lễ hội của một trời âm thanh ảnh 1
 

Cách chơi hội của người Quan họ vùng Lim cũng là cách chơi độc đáo, mỗi cử chỉ giao tiếp đã mang trong nó một sắc thái văn hoá luôn để lại trong lòng người đi hội một cái gì đẹp lắm. Đó chính là nét đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt. 

Cho đến nay đã có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nhiều tác giả đề cập và tìm hiểu khá toàn diện, làm sáng tỏ những nội dung cơ bản trong lễ hội Lim. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều vấn đề đặt ra cần được tiếp tục làm rõ và đi đến sự thống nhất, như về nguồn gốc, thời gian, về nội dung và hình thức tổ chức lễ hội Lim trước đây, về các mối quan hệ giữa danh nhân, tín ngưỡng thờ thành hoàng làng với lễ hội, về vai trò của làng xã trước đây trong việc tổ chức lễ hội, cũng như đánh giá một cách đầy đủ về truyền thống lịch sử - văn hóa của hội Lim.  

Có ý kiến cho rằng hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, có liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi được xem là khởi nguồn của dân ca Quan họ. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương và tính chất, đặc điểm của hội Lim là lễ hội sinh hoạt văn hóa và ca hát Quan họ. Chưa có ý kiến nào đồng tình hoặc phản bác giả thuyết trên. Có điều truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương vẫn được nhân dân vùng Lim lưu giữ.

Hội Lim được duy trì trong suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, trừ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ.

Không gian trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim) nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu - người sáng lập tục hát quan họ và diễn ra tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và Liên Bão.

Những năm đổi mới hội Lim thường được kéo dài 2 ngày (từ 12 đến 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm), trong đó ngày 13 là chính hội với nhiều hoạt động gồm cả phần lễ và phần hội. 

Lễ hội của một trời âm thanh ảnh 2

Lễ hội được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu.Trong ngày lễ chính (ngày 13 tháng Giêng) với các nghi thức rước, tế lễ thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Toàn thể quan viên, hương lão của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Tương truyền rằng: Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần. Để hát thờ, “các bọn quan họ” nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.

Ngoài phần lễ, hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… và đặc sắc hơn cả là phần hát hội.

Cũng như nếp xưa để lại, cuốn hút và say mê hơn cả vẫn là các sinh hoạt văn hóa Quan họ - loại hình dân ca đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Hát Quan họ diễn ra từ ngày 12 tháng Giêng tại Lim (sân chùa Hồng Ân và các trại Quan họ) Cửa đình, cửa chùa Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông (thị trấn Lim) Đình Cả, Lộ Bao, Duệ Khánh (Nội Duệ); Hoài Thượng, Hoài Trung, Hoài Thị (Liên Bão). Hội Quan họ diễn ra ở trong nhà, trên sân đình, trước cửa chùa hay bồng bềnh trên những thuyền thúng giữa ao, hồ - dấu tích xưa của dòng Tiêu Tương đã một thời vang vọng tiếng hát Trương Chi làm say đắm nàng Mỵ Nương xinh đẹp. 

Các liền anh khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba mớ bẩy, nón thúng quai thao đến hẹn lại lên, gặp gỡ, đón tiếp nhau thân tình, nồng hậu, tinh tế và lịch lãm theo lề lối của người Quan họ, bằng làn điệu dân ca đạt tới trình độ nghệ thuật cao, là sự hội tụ tuyệt vời của thơ ca nhạc họa nhằm bày tỏ tình yêu trai gái miền Quan họ với đầy đủ trạng thái, cung bậc trong mối giao cảm giữa nam và nữ, giữa con người với vạn vật, thể hiện khát vọng vươn tới cuộc sống với sự thủy chung được truyền giữ từ bao đời, tạo nên những giá trị đặc sắc hội Lim được nhân dân khắp các vùng ca ngợi, truyền tụng qua câu ca:

Ba năm hai cái hội chùa,

Nào ai có lỡ bỏ bùa cho ai.

Già già, trẻ trẻ, gái trai,

Đua nhau ăn mặc, hán hài đi xem.

Hội Lim ai thấy chẳng thèm,

Tổ tôm, bài điếm, giò nem thiếu gì.

Đồn sắp có dệt cửi thi,

Cao lâu trăm thức thiếu gì thức ngon.

Minh Tư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ