(GD&TĐ) - Với các trường NCL, ngoài cơ sở vật chất thì tỉ lệ đậu tốt nghiệp được xem là “tấm vé” bảo chứng uy tín đối với phụ huynh HS khi chọn trường cho con. Vì thế, nhiều trường vì lợi ích kinh tế, đã không ngần ngại dùng các chiêu bài lấy danh tạo tiếng, trong đó không loại trừ cả việc tìm cách thải loại những HS yếu, kém ra khỏi trường.
Nhà trường phải là nơi HS được bình đẳng trong học tập |
VÌ "THƯƠNG HIỆU"?
Đây là một thực trạng không mới, nhưng vẫn âm ỉ trong các trường nhằm đạt mục tiêu: tỉ lệ tốt nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Không ít trường dù luôn rao giảng về những điều tuyệt vời HS sẽ được thụ hưởng khi nhập học tại trường, vẫn sẵn sàng “phủi trách nhiệm” bằng cách loại bỏ các học sinh yếu, kém sau 2 năm học tập.
Chị Nguyễn Thị P, phụ huynh của em Ng.Th.T - trường THPT T.N (TP.HCM) cho biết: Con tôi học tại trường từ lớp 10, học hết lớp 11 (vừa kết thúc) thì thầy quản nhiệm cho biết cháu học quá yếu, không theo nổi chương trình, nếu để cháu học tiếp, cháu rớt tốt nghiệp thì tội cháu. Vì vậy, mong phụ huynh tìm trường khác cho cháu học. Lúc mình xin nhập học, họ nói rất hay rằng phụ huynh yên tâm, nhà trường sẽ có phương pháp để kèm cặp, giúp cháu dần tiến bộ.
Trách nhiệm của nhà trường là đào tạo, giúp cho học sinh tiến bộ. Ấy vậy mà sau 2 năm học, họ yêu cầu chuyển trường với lý do cháu không theo kịp chương trình. Nếu biết cháu theo không kịp chương trình sao không báo cho gia đình biết ngay từ cuối năm lớp 10. Tôi được biết có tới gần 10 trường hợp phải chuyển trường giống con tôi. Họ còn nâng điểm khống cho con tôi để dễ chuyển đi trường khác.
Em Tr.M.H, HS lớp 11 trường V.A (TP.HCM), cho biết trường hợp của mình: Trường không đuổi thẳng nhưng đưa ra những điều kiện chẳng khác gì buộc HS phải nghỉ. Họ nói với ba, mẹ em rằng em học yếu, muốn ở lại học thì phải vào lớp chuyên biệt (lớp Vip) với thời lượng học tăng gấp đôi, nhồi nhét kiến thức nhiều hơn, cũng như mức học phí sẽ không phải là trên 6 triệu nữa mà là 8 triệu/tháng. Kết thúc học kỳ 2, em có 4 môn dưới 4.0 nên họ gửi bảng điểm về cho gia đình yêu cầu ba, mẹ lựa chọn phương án. Nhưng vẫn thòng thêm lời dặn dò: Cháu nó yếu, theo không kịp chương trình nên phải theo học hè, nhưng chúng tôi không đảm bảo cháu đậu tốt nghiệp. Tất cả phải do cháu cố gắng và phấn đấu… “Em học yếu nhưng cũng chưa đến nỗi quá tệ như họ nói. Vậy mà họ cứ suốt ngày kêu ba, mẹ em lên yêu cầu chuyển trường cho phù hợp với sức học khiến em thật sự rất ngại và chịu nhiều áp lực… Lớp em có 4 trường hợp như vậy”- M.H nói.
Không chỉ dùng chiêu bài “đuổi khéo” HS, nhiều trường còn “chạy” thành lập hệ bổ túc ngay trong trường hoặc dưới hình thức liên kết với trung tâm GDTX quận, huyện để sau khi chọn lọc HS (chủ yếu là cuối lớp 11) sẽ tìm cách “đẩy” những HS này sang hệ trên nhằm “đảm bảo” tỉ lệ tốt nghiệp đẹp. Thầy Ng.N.T, hiệu trưởng một trường NCL “bật mí”: Có nhiều cách để các trường loại HS. Chiêu thường làm nhất là ngay từ học kỳ II của lớp 11, trường sẽ lập kế hoạch nhận bao nhiêu HS cho năm sau, nhận từ loại học lực nào và sẽ loại những HS yếu kém. Hết năm học, nhà trường sẽ mời phụ huynh, dùng mọi lý lẽ để thuyết phục chuyển trường cho con hoặc vận động chuyển con họ sang học hệ bổ túc. Nếu không chấp nhận, phụ huynh sẽ phải ký cam kết hết học kỳ I lớp 12 HS phải tiến bộ, nếu không, trường không đảm bảo em đó đậu tốt nghiệp.
HỌC SINH BƠ VƠ
Hậu quả của việc lấy danh, tạo tiếng bằng cách làm phản giáo dục như trên đã đẩy không ít HS rơi vào cảnh bơ vơ. Bởi nhiều trường vì mục tiêu 100% tỉ lệ đậu tốt nghiệp, không ngần ngại đẩy các em ra khỏi trường ngay giữa học kỳ 1 của lớp 12. Trao đổi với thầy L.V.T, hiệu trưởng trường H.Đ (TP.HCM), nơi vừa tiếp nhận 2 HS có hoàn cảnh như thế, ông tâm tình: “Cứ vì thương hiệu mà tìm cách chuyển những em yếu kém đi thì các em này sẽ chịu áp lực tâm lý hết sức nặng nề, kết quả học tập cũng không được cải thiện. Theo tôi, đã là giáo dục thì không phân biệt đối xử. Thử hỏi nếu những trường như chúng tôi không nhận thì các em biết đi về đâu?”.
Ngoài việc phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm chỗ học cho con, nhiều phụ huynh còn phải chịu thêm nhiều chi phí cho con khi nhập học về trường mới vì phải đóng lại tất cả các khoản phí ban đầu. Mặt khác, dù con họ được trường nào đó tiếp nhận (đều qua bài test đầu vào) vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi vì phải vào học lớp “đặc biệt” với mức học phí cao chót vót, phải lao vào học hè, đồng thời buộc phải làm cam kết (cả phụ huynh và HS) với nhà trường rằng sẽ không gây áp lực và trách nhiệm với nhà trường nếu con em họ không đậu tốt nghiệp. Xét kỹ thì những điều kiện nơi tiếp nhận mới đặt ra, chẳng khác gì ép phụ huynh và HS “nắm dao đằng lưỡi”.
Thực tế trong quá trình đi ghi nhận từ những phản ánh, chúng tôi nhận thấy có nhiều HS đã phải chuyển tới 2 -3 thậm chí 4 trường mới được học ổn định. Nhiều em, đầu học kỳ II của lớp 12 vẫn phải khăn gói di chuyển qua trường khác hoặc vào TTGDTX dưới vô số lý do mà trường muốn đuổi đưa ra.
Theo nhiều hiệu trưởng, việc ép HS chuyển trường khác là một thực trạng khó có giải pháp dứt điểm vì đã tồn tại nhiều năm nay. Tuy nhiên, vì thành tích đỗ tốt nghiệp cao liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhà trường (tuyển sinh được nhiều thì lợi nhuận càng cao) nên một số trường vẫn bất chấp các quy định để thải loại HS yếu. Kiểu hành xử này đang bị xã hội cực lực lên án, vì nó hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương, mục tiêu giáo dục con người toàn diện mà ngành giáo dục đang hướng đến.
TS Hồ Văn Liên, trưởng khoa tâm lý - giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phân tích: Đã gọi là làm giáo dục mà đi loại bỏ những HS yếu kém như là loại bỏ những phế phẩm thì cái đó gọi thẳng ra là phản giáo dục. Bản chất của giáo dục vốn dĩ không có tính thương mại, tính vụ lợi kinh tế, HS không phải là những sản phẩm để làm kinh doanh… Trường nào làm giáo dục kiểu ấy chắc chắn không sớm thì muộn sẽ bị phụ huynh, xã hội tẩy chay.
Cứ vì thương hiệu mà tìm cách chuyển những em yếu kém đi thì các em này sẽ chịu áp lực tâm lý hết sức nặng nề, kết quả học tập cũng không được cải thiện. Theo tôi, đã là giáo dục thì không phân biệt đối xử - Một hiệu trưởng |
|
Anh Tú