Lấp đầy khoảng trống

Lấp đầy khoảng trống

Nhớ lại năm 2019, liên tiếp các vụ nữ sinh có thai ngoài ý muốn hoặc bị xâm lại, quấy rối… khiến dư luận xôn xao, phẫn nộ và cũng không khỏi xót xa. Thực tế này cho thấy, học sinh vẫn còn nhiều khoảng trống về kỹ năng sống; trong đó có kỹ năng về phòng chống xâm hai tình dục, quấy rối tình dục và sức khỏe sinh sản.

Sẽ là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng không thể không nhắc đến những vụ việc rúng động trong năm 2019 vừa qua, bởi đó như lời nhắc nhở, một hồi chuông báo động để các nhà trường chú trọng hơn trong giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho học sinh. Đó là: Thầy giáo 55 tuổi làm nữ sinh lớp 10 mang bầu; hay như một hiệu trưởng trường nội trú ở Phú Thọ có hành vi dâm ô nhiều nam sinh; một thầy giáo trẻ ở Lào Cai khiến nữ sinh lớp 8 có thai… Đây thực sự là những câu chuyện “đắng lòng” mà có lẽ phải rất lâu nữa chúng ta mới có thể nguôi ngoai. Nhưng rõ ràng, những vụ việc này xảy ra ít nhiều là do các em thiếu kỹ năng sống, mơ hồ về kiến thức giới tính.

Âu cũng là “chuyện đã rồi”, nhưng còn có những chuyện “cười ra nước mắt” khi các em bước vào tuổi dậy thì. TS Hoàng Trung Học – Chuyên gia tâm lý, Trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) không ngờ rằng khi có những bạn học sinh hỏi “ngây ngô” kiểu như: Đi chơi với bạn gái, cầm tay ôm hôn, có bầu không? Hoặc các bạn trai bối rối trước những đề nghị của chính bạn gái mình chủ động trong việc quan hệ tình dục…

Hay có những nam sinh hốt hoảng khi phát hiện “cậu nhỏ” của mình lớn bất thường và không chịu nghe lời mình; còn có nữ sinh muốn tìm đến cái chết khi phát hiện mình có bầu dù chỉ quan hệ một lần duy nhất. Đó còn là những câu hỏi ngô nghê của nhiều học sinh khi bước vào tuổi mới lớn… Tất cả điều đó cho thấy, kiến thức về giới tính và kỹ năng sống của các em vẫn còn nhiều khoảng trống, rất cần được lấp đầy.

Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, giáo dục giới tính được đưa vào nhà trường từ lâu và trở thành môn học, nhưng ở nước ta, mỗi khi giáo dục về vấn đề này, học sinh lại cười khúc khích hoặc xấu hổ; thậm chí nhiều giáo viên còn “đỏ mặt” và người lớn cũng né tránh khi nói về những nội dung có yếu tố “nhạy cảm”.

Thực tế, Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục chú trọng giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản cho HSSV. Tuy nhiên, hiệu quả cũng chưa được như mong muốn. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận trực diện và không nên né tránh khi các em đề cập đến vấn đề giới tính.

Nói như TS Nguyễn Thu Hương - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo dục giới tính không thể nói vài lần trong trường là hết. Cần có sự đồng hành của cả xã hội từ lúc trẻ bắt đầu đến trường cho đến khi có đủ kiến thức để tự bảo vệ hoặc chịu trách nhiệm về việc mình làm. Sự đồng hành ấy trước hết bắt đầu từ phía gia đình, bố, mẹ các em.

Các nhà trường cũng cần giáo dục giới tính cho học sinh bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau và cần có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý học đường, để sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn cho học sinh về những chuyện thầm kín khi các em cần. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ