Lão nông "gàn" chi hàng trăm triệu xây nhà máy xử lý rác cho dân

"Chướng mắt" trước cảnh rác thải ngổn ngang từ đầu làng đến cuối xóm, Minh "khùng" quyết định lấy toàn bộ số tiền hai vợ chồng tích góp, để xây nhà máy xử lý rác

Ngày nào ông Minh cũng cặm cụi làm việc ở nhà máy xử lý rác.
Ngày nào ông Minh cũng cặm cụi làm việc ở nhà máy xử lý rác.

Tiền nhà không đủ, ông đi vay "nóng" khắp nơi hơn nửa tỉ để hoàn thành "đứa con" của mình. Tuy chưa to, chưa hoành tráng, nhưng nhà máy của ông Minh đã giúp người dân nơi này thoát cảnh ô nhiễm.

Đi vay nóng để "ném" vào... rác

Đến thôn Châu Me (xã Đức Phong, Mộ Đức, Quảng Ngãi) hỏi thăm ông Minh "khùng" không ai là không biết. Minh "khùng" là biệt danh bà con xã Đức Phong đặt cho ông. 

Vì ông có việc làm "khác người", bỏ hơn nửa tỉ đồng xây dựng nhà máy xử lý rác, giúp những con đường quanh xã Đức Phong không còn là "động rác" như ngày nào.

Phải ngồi đợi hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi mới gặp được ông Trương Minh (50 tuổi, ngụ thôn Châu Me) sau khi việc thu gom rác hoàn thành. Mồ hôi nhễ nhại, áo quần dính đầy bụi bẩn, nhưng ông vẫn hồ hởi giới thiệu với chung tôi về nhà máy xử lý rác thải của mình.

"Gọi là nhà máy cho oai chứ thật ra nó là khu phân loại, tái chế và tiêu hủy rác thải gồm: Sân phơi, lò đốt có hệ thống sấy, kho chứa phế liệu, hầm ủ và hệ thống dẫn nước thải", ông Minh vui vẻ giải thích.

Nhớ lại những ngày đầu, ông Minh kể, hồi trước, những bãi rác dân sinh ứ đọng khắp nơi, nạn rác thải tràn lan, gây ô nhiễm môi trường. Trong các cuộc họp người dân xã Đức Phong luôn đưa vấn đề xử lý rác thải lên "bàn cân" để "mổ xẻ". 

Tìm đủ mọi cách, nhưng đâu lại vào đấy. Những núi rác khổng lồ ứ đọng từ năm này sang năm khác, bốc mùi nồng nặc. Không chỉ người dân mà khách lạ nơi khác đến cũng phải lắc đầu ngao ngán.

"Xã tổ chức những cuộc vận động thu gom rác đi tiêu hủy, nhưng làm được vài ngày rồi thôi. Vì người dân không biết đổ rác đi đâu, vận động thu gom rác một năm vài lần thì sao rác hết được. Thấy "chướng mắt" quá, nên tôi mới nói với người dân để tôi làm thử” - Ông Minh nhớ lại.

Lão nông

Nhà máy xử lý rác của ông Minh "khùng"

Nói là làm, lão nông Minh tự mày mò, nghiên cứu thiết kế nhà máy xử lý rác. Tháng 6/2010, ông Minh mang đơn lên huyện, trình bày kế hoạch chi tiết thu gom và tái chế rác thải, để giải quyết tình trạng ô nhiễm ở địa phương. Đồng thời ông xin hỗ trợ vốn, để biến cái ý định trong đầu thành sự thật. Nhưng, có lẽ vì thiếu kinh phí nên huyện không đồng ý.

Thất bại trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư, lão nông Minh quyết định bỏ vốn ra làm. Ông lấy 150 triệu đồng mà hai vợ chồng dành dụm chuẩn bị xây nhà để đổ vào... rác. 

Nhưng số tiền này vẫn chưa đủ, vậy là ông đánh liều cầm sổ đỏ đi vay ngân hàng 100 triệu đồng, rồi vay "nóng" khắp nơi thêm 150 triệu đồng. Ba tháng quần quật cùng những người thợ xây, ông Minh có được nơi chứa và xử lý rác đúng ý mình.

Thời điểm ông Minh quyết định xây nhà máy xử lý rác, vợ ông bà Nguyễn Thị Hoanh (49 tuổi) đang buôn bán ở TPHCM để nuôi hai con học đại học. Từ TP, nhận cuộc điện thoại của mẹ chồng, bà Hoanh tá hỏa vội lên xe trở về, thì thấy trước nhà có bảng Đội thu gom rác xã Đức Phong. 

"Chẳng hiểu sao ông liều dữ, bỏ ra gần nửa tỉ thuê đất làm nhà máy xử lý rác. Tôi hỏi tiền đâu làm thì ổng đưa cho tôi một mớ giấy nợ. Ban đầu tôi giận ổng tím mặt, con đang ăn học cần tiền, nhà thì cũ kĩ cần xây, vậy mà... Nhưng rồi hiểu tính ổng xưa nay đã nói là làm đến nơi đến chốn, nên tôi thử "khùng" theo ổng một lần" - Bà Hoanh cười nói.

Ngày khánh thành nhà máy, bà con trong xã đến góp vui cùng gia đình, ai ai cũng mừng rỡ. Bà Nguyễn Thị Chơn (60 tuổi, ngụ thôn Châu Me) nói: "Lúc đầu nghe thằng Minh nói sẽ xây nhà máy rác, bà con cứ nghĩ nó nói dóc, vì nhà nó có khá giả đâu. Vậy mà nó làm thiệt, dám đi vay mượn để làm nhà máy xử lý rác giúp dân".

"Bà con vui là tôi vui"

Lão nông

Ông Minh bên những bằng khen được tặng

Nhà máy được đưa vào sử dụng, nhưng khâu vận chuyển thu gom rác gặp rất nhiều khó khăn, vì hằng ngày phải thuê xe chuyên chở nên rất tốn kém chi phí, trong khi số tiền UBND xã Đức Phong đứng ra vận động bà con "ủng hộ" để nhà máy có kinh phí hoạt động, mỗi hộ gia đình 10.000 đồng/tháng, nhưng nhiều người không mấy mặn mà.

"Họ cho rằng, việc xây dựng khu xử lý rác Đức Phong là do tôi tự nguyện, nên đóng phí hay không là tùy lòng hảo tâm của mọi người. Cũng có người bĩu môi, "nó làm cái nhà máy rác để kinh doanh, thu tiền của bà con để kiếm lời, chứ hơi đâu đi làm cái việc ngược đời ấy" - Ông Minh nhớ lại.

Để nhà máy vận hành, ông Minh oằn mình gánh lỗ mỗi tháng cả chục triệu đồng. Không cam tâm để "đứa con" của mình chết yểu, ông Minh chạy vạy khắp nơi để vay tiền, nhưng đến ngân hàng nào cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Vậy là ông bàn với vợ, "bấm bụng" đi vay "nóng" 260 triệu đồng để mua xe và trang trải chi phí vận hành nhà máy. Số tiền ấy đến bây giờ gia đình ông chưa trả xong, hằng tháng phải đóng tiền lãi hai triệu đồng, chưa kể số tiền nợ hơn 250 triệu vay để xây nhà máy.

Mỗi tuần hai lần, chiếc xe tải bảy tấn sử dụng hết công suất thu gom rác khắp các đường làng ngõ hẻm ở Đức Phong. Vào thứ hai, thứ sáu hằng tuần, người dân Đức Phong đã quen với tiếng xe chạy chậm chậm qua những con đường, mọi người tự động đem rác ra bỏ vào xe như một thói quen. Bốn năm hoạt động, mỗi tuần nhà máy rác của ông Minh xử lý khoảng 80 m3 rác. Tết, nhà máy quá tải khi phải xử lý 700 - 800 m3 rác.

Thoạt đầu nhìn vào, chúng tôi có chút nghi ngờ vì "nhà máy" này bé quá, làm sao có thể đảm nhận nhiệm vụ xử lý hơn 20 m3 rác/lần? Ông Minh lý giải, đây là nhà máy xử lý rác thải theo kiểu khép kín. Thực tế, lượng rác thải bị cho vào lò đốt là không nhiều, vì phần lớn chúng được dùng để xay nhỏ đúc gạch, bán phế liệu hay ủ phân.

Vừa nói, ông Minh vừa cho tôi xem loại phân được tái chế từ rác thải và phấn khởi bảo: "Nhà máy xử lý rác của tôi tuy còn thô sơ nhưng không đốt bao nilông, toàn bộ số bao nilông thu gom được rửa sạch để bán cho các cơ sở tái chế. 

Sau khi phân loại, chất thải hữu cơ được đưa vào hầm ủ kỹ đến khi phân hủy hoàn toàn. Trước khi sử dụng, thì trộn với tro được lấy từ lò đốt để bón cho mía hay các loại cây hoa màu, đỡ tốn chi phí. Đối với nước thải, cho dẫn vào hầm chứa để phục vụ việc sản xuất phân".

Tuy là "con đẻ" của một nông dân chỉ học đến lớp chín, nhưng khu xử lý rác Đức Phong lại thừa khả năng để giải quyết rác ngay cả trong mùa mưa, vì "nắng có sân phơi, mưa có lò sấy". Đây là điểm cộng cho khu xử lý rác này vì hiện nay, hầu hết các bãi chôn lấp rác thải chỉ xử lý theo kiểu "nắng đốt, mưa ủ". 

Vì vậy mà vào mùa mưa, rác bị "ngâm" trong nước lâu ngày nên bốc mùi hôi thối, nước bẩn lại chảy tràn lan, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân.

Khi được hỏi động lực nào khiến ông dám bỏ một số vốn lớn như thế để xây dựng khu xử lý rác, lão nông Trương Minh cười hiền, nói: "Từ đầu làng đến cuối xóm sạch bóng rác, bà con vui là tôi vui rồi". 

Cho đến nay nhà máy của ông Minh "khùng" đã được trao 17 bằng khen, giấy khen, thư khen ngợi của Bộ Tài nguyên - Môi trường, tỉnh, huyện, xã..., vì đã có đóng góp làm môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Nhà máy tư nhân duy nhất ở Quảng Ngãi

Ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch UBND xã Đức Phong khẳng định: Nhà máy xử lý rác của ông Trương Minh là nhà máy tư nhân duy nhất ở Quảng Ngãi. 

Tuy cách phân loại và xử lý rác còn thủ công, nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn. Hiện, chính quyền xã đứng ra thu tiền phí vệ sinh 10.000 đồng/tháng hơn 2.500 hộ dân (chiếm 55% với 5.000 hộ dân toàn xã), để nhà máy có nguồn chi phí hoạt động. Xã cũng đang vận động toàn bộ người dân tham gia, góp sức cùng ông Minh để xử lý rác tốt hơn.

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ