Lao kháng thuốc: Cuộc chiến nhiều thách thức

GD&TĐ - Tuy không phải là căn bệnh vô phương cứu chữa nhưng với tỷ lệ mắc lao kháng thuốc, đặc biệt là số người tử vong do căn bệnh này mỗi năm, lao vẫn là gánh nặng với người dân và hệ thống y tế.

Lao kháng thuốc: Cuộc chiến nhiều thách thức

46 người chết do lao mỗi ngày

Lao là bệnh có từ lâu và thuốc điều trị được miễn phí nhưng cho đến nay lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, mỗi năm căn bệnh này cướp đi cuộc sống của khoảng 2 triệu người trên toàn thế giới.

Ở nước ta, mặc dù tỷ lệ lao mới mắc giảm khoảng 2,6% hàng năm. Tỷ lệ tử vong giảm khoảng 4,4% hàng năm, nhưng Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 14 trong 22 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Theo PGS. TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch Hội lao và bệnh phổi Việt Nam, mỗi năm có gần 103.000 bệnh nhân mắc lao mới được phát hiện. Số người mắc lao phổi chiếm hơn 1/2. Khu vực miền Nam có tỷ lệ người mắc cao nhất. Điều đáng lo ngại là chỉ có 70% số người mắc được phát hiện, tư vấn, điều trị và quản lý. 30% còn lại vẫn tồn tại trong cộng đồng mà không được điều trị, khống chế nguồn lâu. Có lẽ, cùng với lao kháng thuốc, việc không được phát hiện cũng như điều trị là lý do khiến căn bệnh này cướp đi sinh mạng của 46 người mỗi ngày.

Lao kháng thuốc: Cuộc chiến mới

So với nhiều năm trước đây, số người mắc và tử vong do lao ở nước ta giảm đáng kể theo từng năm. Nhưng nói như vậy không có nghĩa lao đã ở mức an toàn bởi số lượng người mắc lao kháng thuốc ngày một nhiều và có dấu hiệu bùng phát.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống lao quốc gia, cho biết: Bệnh lao tồn tại hàng nghìn năm và vi khuẩn lao đã được biết đến 134 năm. Thế nhưng, căn bệnh này vẫn chưa được khống chế do nhiều nguyên nhân. Trước hết phải kể đến người nhiễm lao mắc thêm bệnh nhiễm trùng cơ hội, điển hình là HIV. Y học coi HIV và lao như cặp bài trùng bởi virus HIV làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, vi khuẩn lao nhân cơ hội này bùng phát, diễn biến nặng nề hơn, đặt ra nhiều vấn đề trong chẩn đoán, điều trị.

Thách thức tiếp theo trong công tác phòng chống lao và kháng thuốc. Lao kháng thuốc được hiểu nôm na là việc bệnh nhân “nhờn” thuốc khiến tình trạng bệnh trở nặng và điều trị khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều so với thông thường. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới xuất hiện khoảng gần 500.000 trường hợp lao đa kháng, trong đó 5 - 7% là lao siêu kháng. Có thể nói, sự bùng phát của bệnh lao kháng thuốc cũng là mối đe dọa lớn đối với công tác phòng chống căn bệnh này trên toàn thế giới.

Theo PGS Nguyễn Viết Nhung, lao kháng thuốc từng là nỗi sợ của bệnh nhân cũng như bác sĩ. Nhưng gần đây, Việt Nam có nhiều bước tiến trong điều trị bệnh bởi phác đồ điều trị rút ngắn còn 9 tháng thay vì 20 - 24 tháng như trước kia. Chi phí điều trị cũng không tốn kém bằng nên người bệnh vừa tiết kiệm được thời gian, tiền bạc.

Hơn nữa, hiện Chương trình Phòng, chống lao quốc gia đã phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội xây dựng thông tư về sử dụng bảo hiểm y tế chi trả khám, phát hiện và điều trị bệnh nhân lao. Nhưng dù điều trị bằng hình thức nào thì việc tuân thủ phác đồ điều trị của người bệnh vẫn là yếu tố quyết định sự thành bại của việc kiểm soát, loại trừ bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.