Niềm vui gắn kết gia đình - nhà trường
Đến thăm Trường tiểu học Tả Phìn - Sa Pa trong một ngày sương mù dày đặc nhưng không khí vui đùa của học sinh, tiếng cười nói đã xua tan đi giá lạnh.
Thầy Hà Tiến Dũng - Hiệu trưởng nhà trường - vui vẻ tâm tình: Nếu đến trường cách đây vài năm trước, phóng viên không thể thấy không khí này đâu. Thời đó, trường còn khó khăn lắm. Ở cách xa trung tâm, khí hậu khắc nghiệt, người dân nghèo và trình độ dân trí thấp, rất ít phụ huynh cho con đi học cả ngày. Nếu cho con đi học, là thiếu đi nhân lực để phụ giúp việc chăn trâu, cắt cỏ, làm ruộng nương,…
Ấy vậy mà mọi thứ như sang một trang mới, khi trường tham gia Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP). Học sinh được hỗ trợ ăn trưa tại trường, đảm bảo sức khỏe, được học tốt hơn, thêm rất nhiều hoạt động giáo dục giúp các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Từ khi tham gia SEQAP, tỉ lệ học sinh chuyên cần của trường tăng từ 85% lên đến 100%, không còn học sinh nghỉ học. Kết quả học tập cũng được nâng lên từng ngày. Đến nay, tỷ lệ học sinh giỏi của trường đạt 16,1%, học sinh tiên tiến đạt 39,7%.
Những thay đổi rõ rệt của trường từ sự hỗ trợ của SEQAP khiến phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến giáo dục và trường lớp. Họ đã ý thức tham gia giúp đỡ nhà trường từ những việc nhỏ nhất.
“Trước kia, mỗi khi nhà trường có việc thì phải kêu gọi, nhờ phụ huynh sửa giúp cái bếp, cái bàn… Nhưng khi chuyển sang dạy, học cả ngày, họ thường xuyên ghé thăm trường, thấy mái lợp đã cũ kĩ, là tự giác sửa chữa giúp, cẩn trọng và lưu tâm như sang sửa lại ngôi nhà của chính mình” - thầy Hà Tiến Dũng cho hay.
Trong bữa cơm trưa rộn rã tiếng cười, em Giàng Thị Lồng - học sinh lớp 4, người dân tộc Mông, đôi mắt trong veo, nhanh nhẹn nói: Em thích được đi học lắm. Mẹ bảo, học cả ngày ở trường em lớn nhanh hơn, cao hơn và khỏe mạnh hơn vì được ăn uống đủ chất, đúng giờ.
Chúng em còn được vui chơi, tập các điệu múa truyền thống. Buổi chiều thì được cô dạy cách trồng rau, chăm gà. Nhờ vậy, em giúp bố mẹ được nhiều trong những ngày nghỉ.
Với trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học 1 Sín Chéng (Huyện Si Ma Cai, Lào Cai), niềm vui lớn do SEQAP mang lại là nhà đa năng khang trang. Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Phương Đài, không giấu niềm hạnh phúc: Chúng tôi cảm ơn SEQAP nhiều lắm.
Khi nhà đa năng xây xong, thầy và trò nhìn nhau cười sung sướng. Nếu không có chương trình này, không biết bao giờ chúng tôi mới có được nhà đa năng cho học sinh học tập, sinh hoạt và vui chơi.
Nhìn các em rộn rã cười vui, cùng rủ nhau tập thể dục, cùng hoạt động nhóm, tôi và các thầy cô giáo lại muốn dược cống hiến nhiều hơn nữa trong công tác giáo dục học sinh miền núi.
Cũng theo thầy Nguyễn Phương Đài, chất lượng giáo dục của trường được nâng lên rõ rệt trong 3 năm gần đây. Kết quả này có được, trước hết bởi năng lực cán bộ, giáo viên được nâng cao. Từ khi có Chương trình SEQAP, 100% cán bộ quản lý và giáo viên của trường được tập huấn theo các chương trình của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT với rất nhiều nội dung thiết thực, bổ ích; từ đó triển khai vào sinh hoạt chuyên môn.
Hiện nay, đều đặn mỗi tháng, trường lại tổ chức sinh hoạt chuyên môn 2 lần. Con số 100% giáo viên đạt chuẩn và 60% trên chuẩn; rồi luôn có giáo viên đạt giải cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và cấp huyện là kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực của các thầy cô trong thời gian qua.
SEQAP- Luồng gió mới lan tỏa
Thành công của các trường cũng chính là niềm vui của những người làm công tác quản lý. Ông Nguyễn Anh Ninh - Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai - phấn khởi khi nhắc tới kết quả của SEQAP: Trước đây, các trường còn khó khăn nhiều lắm. Lần nào họp, tôi cũng nghe các thầy cô nói đến những khó khăn, phải đi vận động phụ huynh cho con em tới trường; lớp học tranh tre nứa lá, thiếu thốn phòng học..., nói gì đến chuyện xây nhà đa năng với bếp ăn tập thể.
Nhưng khi triển khai thực hiện SEQAP cho 40 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT đã chủ động đổi mới công tác dạy và học cả ngày: Xây dựng trường học thân thiện, làm tốt công tác bán trú, tích cực bồi dưỡng giáo viên; 100% các trường tham gia SEQAP tổ chức được bếp ăn cho học sinh tại trường...
Đến cơ sở, thật mừng khi thấy học sinh bạo dạn, tự tin hơn, kết quả học tập tốt, trường lớp khang trang hơn. Thầy cô vất vả nhưng gắn bó hơn với nghề. Không chỉ thế, sợi dây gia đình, nhà trường cũng được thắt chặt thêm.
Những dấu ấn của SEQAP, theo ông Nguyễn Anh Ninh, không chỉ là kết quả của những trường tham gia Chương trình mà là sức lan tỏa của Chương trình này đến các trường tiểu học trên toàn tỉnh.
Cụ thể, sau kết quả đạt từ SEQAP, Sở GD&ĐT Lào Cai đã chủ động nhân rộng mô hình này, chỉ đạo dạy học 2 buổi/ngày hoặc 9 buổi/tuần với tất cả các trường tiểu học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đồng thời, tăng cường dạy tiếng Anh, Tin học ở những trường dạy 2 buổi/ngày; dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; tổ chức nhiều sân chơi, hoạt động ngoại khóa, giáo dục kĩ năng sống cho tất cả học sinh được tham gia…
Khi đặt vấn đề về tính bền vững của Chương trình SEQAP, ông Nguyễn Anh Ninh tự tin khẳng định: Rau sẵn trong vườn trường do cô và trò trồng, mùa nào thức nấy. Gà, lợn…tự nuôi, tự phục vụ cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Trường lớp đã khang trang, phụ huynh lại luôn sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường. Sau khi kết thúc Chương trình, các trường có thể eo hẹp hơn về kinh phí; nhưng với đà đang tiến, chắc chắn sẽ còn có nhiều khởi sắc, nhiều sáng tạo. Chúng tôi đã nhân rộng mô hình này, không thể nào đã tiến bộ, lại thụt lùi được.