Lãnh đạo xã là nguyên nhân của những khiếu nại, tố cáo?

GD&TĐ - Nhiệm vụ người đứng đầu cấp xã được quy định trong pháp luật, nhưng họ lại luôn lánh mặt nơi công sở, và chính họ lại là nguyên nhân của những khiếu nại, tố cáo.

Đại biểu Trần Thị Dung – Đoàn Điện Biên: Người đứng đầu chính quyền cấp xã phải có trách nhiệm chăm lo cho người dân, là công bộc của dân
Đại biểu Trần Thị Dung – Đoàn Điện Biên: Người đứng đầu chính quyền cấp xã phải có trách nhiệm chăm lo cho người dân, là công bộc của dân

Tranh luận tại hội trường Quốc hội, Đại biểu Trần Thị Dung – Đoàn Điện Biên – cho biết: Điều 36 khoản 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, đó là: "Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân theo quy định của pháp luật".

Nhiệm vụ người đứng đầu cấp xã được quy định như vậy nhưng thật là nghịch lý, họ lại luôn lánh mặt nơi công sở và chính họ lại là nguyên nhân của những khiếu nại, tố cáo.

Công bộc của dân

Minh chứng cho nhận định của mình, Đại biểu Trần Thị Dung viện dẫn về một vụ việc xảy ra tại một xã sát thị trấn huyện của một tỉnh miền núi bắt đầu vào ngày 9/3/2016.

Ông Chủ tịch UBND xã xây một bức tường chắn ngang hết đường đi của một gia đình phía bên trong. Đây là con đường dân sinh có trong bản đồ và sát với khu vườn của ông Chủ tịch, cũng là đường duy nhất để hộ gia đình đó đi ra đường lớn.

Gia đình đó đã đi gần 30 năm nay, phía ngoài có 15 mét, họ đã phải bỏ tiền mua lại với hợp tác xã từ rất nhiều năm (trước năm 1980). Nói về gia đình bị Chủ tịch xã cô lập là một phụ nữ gần 70 tuổi bị đột quỵ sau khi chồng chết và phải chống gậy mới đứng lên được.

Con gái của bà này 46 tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng, bà cũng là người thờ cúng liệt sĩ và người liệt sĩ ở đây là em trai chồng. Sự việc xảy ra gia đình đã có đơn thư gửi rất nhiều nơi, có hòa giải nhưng làm sao hòa giải được vì làm sao hòa giải vụ việc đối với ông Chủ tịch được.

Sau 22 ngày vì chiếc ghế do sắp bầu cử, nên bản thân ông chủ tịch xã cảm thấy không yên tâm nên ông đã đến gia đình xin lỗi và tự đập bỏ bức tường.

Tuy nhiên, vụ việc chưa dừng ở đấy, thấy Chủ tịch làm được thì người hàng xóm liền kề phía ngoài của mảnh vườn đó cũng chặt tre rào vườn và họ nói rằng đó là đất của họ, họ rào, họ không cho đi.

Như vậy, có một sự thỏa thuận, bản thân ông Chủ tịch vẫn vào vườn canh tác được, đi đến nhà của hàng xóm bên cạnh gửi xe ở đó và vào để canh tác trên đất của mình.

Đến nay, qua gần 2 năm gia đình phải tìm lối đi khác nhờ vào bờ ruộng, trời mưa thì trơn trượt. Người phụ nữ và con gái khuyết tật không thể đi ra ngoài được, bởi vì làm sao họ có thể đi trên đoạn đường như vậy được. Do đó, ốm đau bệnh tật có ra đến bệnh viện cũng không thể ra được, nên họ phó thác cho số phận của mình sống chết.

“Sự việc diễn ra và hôm nay trước diễn đàn này tôi cũng thấy rất đau lòng và ai trong chúng ta cũng thấy đau lòng và còn đau đớn hơn gấp nhiều lần là nguyên nhân dẫn đến sự đau đớn này lại do chính một người đứng đầu của một cấp xã đã mang lại cho người dân” - Đại biểu Trần Thị Dung nói.

Cũng theo Đại biểu Trần Thị Dung, theo quy định thì người đứng đầu chính quyền cấp xã này phải có trách nhiệm chăm lo cho người dân, là công bộc của dân, phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân.

Đại biểu Trần Thị Dung – cho biết, bà và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này đã đến thị sát tại địa bàn này. Hiện nay, đồng chí Bí thư đã có những chỉ đạo để giải quyết, nhưng sự việc hiện nay còn rất bộn bề.

Lấy lại niềm tin của người dân đối với cơ sở

Phát biểu của bà về một việc làm cụ thể là một khoảng tối trong một vùng sáng rất rộng, không biết còn ở đâu đó có những vụ việc diễn ra tương tự vụ việc này không. Điều đáng tiếc là sau tất cả các vấn đề nêu trên, vị Chủ tịch đó vẫn yên vị trên vị trí của mình với tất cả nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 36 Luật Chính quyền địa phương.

“Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là việc khó, vô cùng phức tạp. Tình hình trở nên phức tạp hơn nhiều lần nếu như vụ việc nhỏ không được giải quyết từ cơ sở, như đại biểu Ngọ Duy Hiểu đã phân tích và không được người đứng đầu cấp cơ sở giải quyết, do họ thiếu về năng lực, trình độ, cái chính là yếu về tinh thần và ý thức trách nhiệm” - Đại biểu Trần Thị Dung trao đổi.

Từ sự việc cụ thể trên, Đại biểu Trần Thị Dung kiến nghị phải kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh kịp thời, kết quả kiểm tra, giám sát phải được công bố công khai, rõ ràng, minh bạch cho người dân biết.

“Những trường hợp ít hoặc không có hi vọng sửa chữa thì phải xử lý theo biện pháp về cơ chế, chính sách mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã khẳng định, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế và cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là người lãnh đạo quản lý và người đứng đầu. Có như thế mới lấy lại niềm tin của người dân đối với cơ sở” - Đại biểu Trần Thị Dung nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...