Lãnh đạo tôn giáo Ảrập Xêút cấm chơi cờ vua

 Lãnh đạo tôn giáo của Ảrập Xêút tuyên bố, chơi cờ vua là hành vi bị cấm, là “công việc của quỷ Satan” giống như uống rượu và đánh bạc. Trong khi đó, cờ vua có lịch sử lâu đời tại Trung Đông, được chơi ở khắp thế giới Ảrập.

Lãnh đạo tôn giáo Ảrập Xêút cấm chơi cờ vua
Tranh cổ vẽ người Ba Tư chơi cờ vua được trưng bày tại Viện Smithsonian (Mỹ). Nguồn: Wikipedia

Tranh cổ vẽ người Ba Tư chơi cờ vua được trưng bày tại Viện Smithsonian (Mỹ). Nguồn: Wikipedia

Đại giáo sĩ Sheikh Abdulaziz Al-Sheikh cho rằng, chơi cờ là lãng phí thời gian, tiền bạc, tạo ra thù hằn giữa các người chơi. Trong tuyên bố của mình liên quan một chương trình truyền hình Ảrập Xêút, vị lãnh đạo tôn giáo nước này đánh đồng chơi cờ với đánh bạc (Hồi giáo cấm bài bạc). “Nó khiến người giàu trở nên nghèo, và người nghèo trở nên giàu. Nó gây ra sự thù địch và lãng phí thời gian”, đại giáo sĩ tuyên bố. Đại giáo sĩ Sheikh Abdulaziz Al-Sheikh đưa ra tuyên bố này trong một fatwa (sắc lệnh tôn giáo) để trả lời câu hỏi của một người gọi tới chương trình truyền hình.

Một thành viên của Liên đoàn Cờ vua Ảrập, Musa Bin Thaily, vừa lên Twitter viết rằng, chơi cờ vua không liên quan gì với đánh bạc và Liên đoàn Cờ vua Ảrập đã tổ chức 70 giải đấu ở nước này. Ông Musa còn đăng ảnh các vận động viên Ảrập đang thi đấu cờ vua, trong đó có bức hình chụp một nhóm kỳ thủ cùng một hoàng tử Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Để xua tan ý tưởng rằng cờ vua đi ngược lại Hồi giáo, ông Musa cũng đăng hình ảnh một bàn cờ với trăng lưỡi liềm trên đầu quân vua.

Không rõ là fatwa được đại giáo sĩ ban hành từ khi nào, nhưng nó thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng vì một giải đấu cờ vua khởi tranh ngày 22/1 tại thánh địa Mecca. Liên đoàn Cờ vua Ảrập tuyên bố vẫn tổ chức giải đấu, bất chấp fatwa cấm trò chơi trí tuệ này. Đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy tuyên bố của đại giáo sĩ sẽ khiến người chơi cờ Ảrập Xêút từ bỏ trò chơi này. Hiện chưa rõ chính phủ Ảrập Xêút có bảo đảm thi hành fatwa cấm cờ vua hay không. Các fatwa không được coi là luật. Chúng là các ý kiến hợp pháp, đôi lúc được áp dụng cho các tình huống cụ thể hoặc được coi là hướng dẫn tôn giáo chung chung.

Ảrập Xêút thường diễn giải đạo Hồi theo một cách rất nghiêm khắc, cấm việc giao lưu thân mật giữa nam giới và phụ nữ nếu họ không có quan hệ với nhau, đồng thời cấm hầu hết loại hình âm nhạc. Dù người Ảrập thường tuân thủ những luật lệ như vậy ở nơi công cộng, nhiều người vẫn tự do làm theo ý mình khi ở trong nhà mình hoặc ra nước ngoài.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.