Giờ là lúc các địa phương cũng như các nhà trường đang có những bước chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
Thiết thực cho HS vùng xa, vùng khó khăn
Bày tỏ quan điểm đồng tình và ủng hộ hai bộ quy chế vừa được ban hành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa - Bà Phạm Thị Hằng chia sẻ:
Quy chế đã kế thừa những ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ trong những năm qua. Nhiều điểm trong Quy chế thi THPT quốc gia tạo thuận lợi rất lớn cho thí sinh. Cụ thể, quy chế đã quy định có 2 loại cụm thi.
Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức thi cho thí sinh ít nhất 2 tỉnh gần nhau; Ở cụm thi này học sinh chỉ phải di chuyển sang tỉnh lân cận với khoảng cách gần hơn khi đi thi, thuận lợi hơn so với các năm trước.
Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH tổ chức; thí sinh có thể thi tại trường mình hoặc thi tại các cụm thi liên trường lân cận gần đó, các em không phải đi quá xa.
Quy định giữ nguyên thang hợp lý, tránh được sự xáo trộn tâm lý trong thí sinh và cán bộ làm công tác thi. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4 của tháng 7, muộn hơn các năm trước 1 tháng cũng đã tạo thuận lợi cho học sinh có thêm thời gian ôn tập, chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi....
Những quy định trên đây hết sức thiết thực đối với thí sinh tại Thanh Hóa, một tỉnh có những vùng miền còn nhiều khó khăn, còn một bộ phận nhân dân có điều kiện kinh tế hộ khó khăn, giao thông không thuận lợi.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tổ chức quán triệt tinh thần đổi mới Kỳ thi THPT quốc gia từ trước.
Đồng thời với đó chỉ đạo các trường THPT, TTGDTX phải dạy và học thật nghiêm túc, bám sát chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng. Phân loại sát nhóm đối tượng học sinh để lên kế hoạch ôn tập, phụ đạo học sinh sao cho phù hợp.
Vào cuối mỗi học kỳ, các nhà trường phải có những bài kiểm tra, đánh giá kết quả học tập để khảo sát chất lượng học sinh của nhà trường.
Từ đó làm căn cứ để giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phối hợp cùng với gia đình có kế hoạch giúp đỡ học sinh học tập, ôn luyện tiến bộ. Đặc biệt là công tác ôn tập trong thời gian hết chương trình và đến khi chuẩn bị thi.
Tất cả những chỉ đạo thực hiện trên đây nhằm mục đích cuối cùng là để học sinh có đủ kiến thức và kỹ năng tham dự kỳ thi, hoàn thành bài thi đạt yêu cầu tối thiểu là xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tổ chức cho HS thi thử
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh - ông Trần Trung Dũng bày tỏ đồng tình với Quy chế thi THPT quốc gia.
Việc tổ chức kỳ thi chung với hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để các trường ĐH, CĐ xét tuyển đã tiết kiệm rất lớn về thời gian và chi phí không những đối với gia đình thí sinh mà cả với toàn xã hội.
Về phía tỉnh Hà Tĩnh, để chuẩn bị cho kỳ thi, Sở mạnh triển khai đồng bộ các công tác chỉ đạo chuyên môn, tổ chức đăng kí dự thi theo cụm cho học sinh; xây dựng kế hoạch ôn tập theo nhóm đối tượng, theo nguyện vọng của học sinh và làm tốt những bước chuẩn bị về công tác kỹ thuật, chuẩn bị hồ sơ, điều kiện dự thi cho các thí sinh...
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố Quy chế thi, Sở tổ chức hội nghị Hiệu trưởng các trường THPT và Giám đốc các TTGDTX để quán triệt quy chế đến các cán bộ quản lý.
Tiếp đó là các nhà trường sẽ phổ biến cụ thể những điểm mới của kỳ thi đến học sinh và phụ huynh để tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.
Thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh các nhà trường thống nhất với các phụ huynh kế hoạch ôn tập cho các em trong suốt thời gian kết thúc chương trình học từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6.
Đồng thời với đó tổ chức định hướng nghề nghiệp, đăng kí nguyện vọng dự thi, quản lý học sinh trong khoảng thời ôn tập, tạo điều kiện tốt nhất cho các em ôn thi hiệu quả cũng như đưa đón thí sinh đi thi ở cụm thi xa nhà...
Theo dự kiến, sau khi hoàn tất cho học sinh đăng kí nguyện vọng dự thi và hoàn thành chương trình học lớp 12, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh sẽ cho các đơn vị nhà trường tổ chức kỳ thi thử cho học sinh (dự kiến cuối tháng 5) coi đây như là một đợt tập dượt trước kỳ thi.
Trong đó khâu đề thi sẽ được Sở đặc biệt lưu ý với các nhà trường đảm bảo tính phân hóa đối tượng để học sinh làm quen với các mức độ của đề.
Giúp đỡ những HS học lực yếu, HS có hoàn cảnh khó khăn
Ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu cho biết: Hướng chỉ đạo của Sở GD&ĐT trong công tác bồi dưỡng, ôn tập kiến thức cho học sinh để chuẩn bị cho kỳ thi là giáo viên các phải xác định được mục tiêu đặt ra đối với đối tượng học sinh cụ thể.
Với các em có nguyện vọng thi tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì giáo viên đặt mức độ ôn tập cao hơn; với các em chỉ thi nghiệp THPT, cường độ ôn tập lại ở mức độ khác, nhẹ hơn.
Căn cứ vào từng đối tượng học sinh, trường lên kế hoạch ôn tập linh hoạt để từng học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng cũng như làm quen với các dạng thức đề, mức độ yêu cầu đề thi... để học sinh vững tin bước vào kỳ thi đạt hiệu quả cao nhất.
Cũng theo ông Đỗ Văn Hán: Kế hoạch ôn tập năm nay có khoảng thời gian khác với những năm trước do thời điểm thi vào tháng 7, muộn hơn 1 tháng so với những năm học trước đây.
Trong khi đó chương trình các môn học kết thúc vào cuối tháng 5 nên Sở đang cân nhắc sắp tới sẽ họp bàn với tất cả các trường THPT, TTGDTX tiếp tục tổ chức ôn tập cho học sinh trong khoảng thời gian này đến trước khi kỳ thi diễn ra với mục đích cốt lõi để huy động giáo viên, nhà trường và xã hội tập trung vào giúp đỡ những học sinh học lực yếu, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.