Làng sơn mài Hạ Thái cố gắng giữ nghề để phát triển trở lại

Làng sơn mài Hạ Thái cố gắng giữ nghề để phát triển trở lại

(GD&TĐ) - Những ai đã từng đến và tìm hiểu về làng nghề sơn mài Hạ Thái, mà có dịp trở lại trong thời gian này thì hẳn sẽ cảm nhận được sự thay đổi về làng. Sự thay đổi không phải vì những ngôi nhà khang trang hay những kilomet đường liên thôn, liên xóm đều được trải bê tông sạch sẽ, mà chính là cái không khí sản xuất kinh doanh của làng nghề đã trở nên trầm lắng do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế, nhưng người dân Hạ Thái vẫn cố gắng giữ nghề để phát triển.

Đặt chân đến làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội), ngắm những sản phẩm được làm ra bởi đôi bàn tay khéo léo của người thợ nơi đây, hẳn không ít người phải xuýt xoa thán phục trước sự sống động, tinh xảo mà các nghệ nhân ở đây đã tạo ra. Theo các nhà nghiên cứu, nghề sơn mài ở Hạ Thái mới hơn 200 năm tuổi, thuộc những làng nghề trẻ nhất trong các làng nghề nghề truyền thống ở Việt Nam, nhưng  nó đã "nâng nghề sơn lên thành nghệ thuật".  

Để ra đời một sản phẩm, người thợ phải kiên trì với phương pháp thủ công, thậm chí hàng tháng trời với tất cả sự công phu, cầu kỳ, điêu luyện. Để khi ngắm một sản phẩm được hoàn thành, người xem phải cảm nhận sự óng ánh của màu sắc đến độ lộng lẫy, kiêu sang; sự tinh tế, duyên dáng của họa tiết đến tuyệt vời; và cảm nhận được công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn của người thợ làm ra sản phẩm. Chính điều này, đã tạo nên thương hiệu sơn mài Hạ Thái vang xa trên thị trường trong và ngoài nước, đem lại cho cuộc sống người dân nơi đây sự đổi thay rõ rệt.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế, cũng như các làng nghề truyền thống khác, ở thời điểm này, khó khăn của làng nghề sơn mài Hạ Thái là chi phí đầu vào của sản phẩm. Nếu như trước đây, 1kg sơn chỉ có giá 300 nghìn đồng, hiện đã tăng gấp đôi. Vì vậy, không ít hộ kinh doanh phải sản xuất cầm chừng, duy trì nghề là chính. Một số hộ đã phải chuyển sang làm đồ thờ. Trong khi đó, thị trường trong nước tiêu thụ chậm, còn thị trường nước ngoài số đơn hàng đã giảm rõ rệt và ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, thời gian hoàn thành sản phẩm nhanh, giao hàng đúng hẹn như hợp đồng, khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ông Đinh Quý Mạnh – Giám đốc Công ty sơn mài xuất khẩu Thành Sơn chia sẻ: “Doanh nghiệp của chúng tôi vài năm về trước doanh thu một năm lên tới vài chục tỷ đồng, nhưng năm nay chỉ mong được khoảng  2 tỷ mà còn khó khăn. Nguyên nhân chính là do sự suy thoái kinh tế, các đơn hàng trong và ngoài nước giảm xuống đáng kể, hiện tại chúng tôi đang phải hoạt động theo kiểu cầm chừng để giữ lao động, giữ lấy nghề truyền thống của ông cha để lại. Trước những khó khăn như vậy, với những bạn hàng truyền thống, mặc dù những đơn hàng này số lượng đã giảm nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì để giữ khác hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng tự đi tìm thị trường, bạn hàng mới, nghiên cứu và sản xuất ra các mẫu mã mới thiết thực với cuộc sống hơn như khung tranh, ảnh, kệ đèn, đồ trang trí văn phòng…để duy trì hoạt động của công ty. Chúng tôi thường nói vui với nhau là đang nghỉ để lấy hơi cho đợt tăng tốc sau “cơn bão” này! (cười)”.

Tiếp tục giải bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp làng nghề Hạ Thái đã được sự hỗ trợ đầu tư kinh phí của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Hà Nội, để phục vụ cho công tác quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường trong đó chú trọng đến thị trường xuất khẩu thông qua việc tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước.

Theo bà Nguyễn Thị Hồi – Giám đốc Cơ sở sơn mài mỹ thuật Hồi Quyết cho biết: “Trong bối cảnh khó khăn chung của nhiều làng nghề, Hạ Thái cũng không ngoại lệ, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Hà Nội. Thì chính các doanh nghiệp làng nghề phải tự nỗ lực khắc phục khó khăn, điều chỉnh sao cho hợp lý để duy trì sản xuất không phải chuyển đổi kinh doanh hay đóng cửa, mà vẫn giữ được nghề truyền thống”. 

Qua tìm hiểu được biết, hiện làng nghề có khoảng 800 hộ gia đình nhưng đến nay chỉ còn khoảng trên dưới 400 hộ sản xuất, vì vậy số lượng đơn hàng cũng như doanh thu đã giảm còn 50-60%. Mặc dù, Hạ Thái đã được Thành phố quy hoạch là 1 trong 6 điểm làng nghề gắn liền với du lịch, nhưng thời gian qua ngoài chuyển được các cơ sở sản xuất lớn ra vùng qui hoạch 12 ha, thì đến nay làng vẫn chưa thể thu hút được các tour du lịch ngoài các khách đơn lẻ tự tìm về. Bởi chưa có sự đầu tư kinh phí và định hướng về các chính sách phát triển chi tiết, đồng thời giao thông chính là trở ngại chính của Hạ Thái. Làng nằm ngay ven đường cao tốc nhưng do thiết kế hầm chui vào đường dân sinh quá nhỏ nên xe khách trên 30 chỗ không thể vào làng. Cũng có một số cơ sở bỏ ra vài tỷ đồng xây dựng phòng trưng bày, nhưng đều thất bại vì không hiệu quả. Chính điều đó lại càng làm tăng thêm khó khăn cho làng nghề trong giai đoạn này.

Hơn 200 năm là quãng thời gian không dài so với một làng nghề truyền thống ở Việt Nam như Hạ Thái, nhưng đó cũng là khoảng thời gian mà gia đình Nghệ nhân Nguyễn Văn Nhì gắn bó 3 đời với nghề sơn mài này, ông tâm sự: “làng nghề sơn mài Hạ Thái cho đến bây giờ cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm, vào những năm cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước hay các cuộc khủng hoảng kinh tế  trước đó Hạ Thái cũng đã từng đã trải qua, đến nay ngoài một số cơ sở chuyển đổi sang ngành nghề khác, thì nhiều gia đình vẫn nặng lòng bám giữ nghề cho làng”.

Khó khăn là vậy, nhưng người làng Hạ Thái vẫn rất tin tưởng vào tương lai của nghề sơn mài. Với những con người đã nặng lòng với nghề, từ bé họ quá quen với mùi sơn thân thuộc đó, hay với những ai yêu thích sản phẩm và con người nơi đây, họ vẫn đau đáu một điều rằng: giữ nghề thật tốt để mong muốn phát triển trở lại.

                                                                                                           Nguyễn Dương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ