Lãng phí không tên gọi

Lãng phí không tên gọi

(GD&TĐ) - Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, đã tạo ra một không khí thảo luận khá cởi mở cho các đại biểu Quốc hội để tìm ra mọi góc cạnh của “bộ mặt” lãng phí vốn muôn hình vạn trạng.

Theo đó, lãng phí không chỉ ở những lĩnh vực dễ nhận thấy như là khai thác tài nguyên môi trường, đầu tư công (các dự án, công trình, trang thiết bị)… mà còn ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như tổ chức lễ hội, ma chay, cưới hỏi…

Lâu nay, dư luận kêu ca rất nhiều về những buổi tiệc tùng thừa mứa thức ăn, bia rượu, những đám cưới “khủng” ngay trong gia đình cán bộ, quan chức cấp cao nhưng chưa có ai bị xử phạt trong những trường hợp này. Đại biểu Đặng Thị Kim Chi ở Phú Yên lấy ví dụ về một cuộc họp toàn quốc, triệu tập vài trăm đại biểu, nhưng đến nơi các đại biểu mới biết bị hoãn.

“Nếu từ Phú Yên ra Hà Nội, chi phí đi lại và ăn nghỉ hết gần 8 triệu đồng, vậy ai chịu trách nhiệm những việc lãng phí như thế?”. Ý kiến này khiến ta liên tưởng tới rất nhiều kiểu lãng phí “không tên gọi” khác. Chẳng hạn, cán bộ công chức tới cơ quan rất đều đặn, đúng giờ nhưng lại không sử dụng hết thời gian làm việc mà ngồi tán gẫu, gọi, nghe điện thoại, chơi điện tử.

Lại có những công chức thiếu năng lực, làm việc không hiệu quả nhưng tồn tại lưu cữu từ năm này qua năm khác ở cơ quan mà không một ai đả động tới. Trường hợp người đứng đầu cơ quan tự cho mình cái quyền được hàng ngày đưa đón bằng xe công hay sử dụng xe công vào việc tư cũng không phải là hi hữu.

Một lần nữa, những bất cập trên đây lại được quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, ai là người giám sát; chính người đứng đầu có thực hiện được việc chống lãng phí hay không? Tại điều 7 của Luật cũng có  quy định bảo đảm việc thực hiện quyền giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của công dân, cơ quan, tổ chức.

Khi nhận được phản ánh về các hành vi lãng phí xảy ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chỉ đạo kiểm tra, xem xét để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời và trả lời bằng văn bản cho người đã phát hiện.

Tuy nhiên, dư luận xã hội còn nhiều băn khoăn: Liệu người dân cũng như cán bộ công chức có thực hiện được quyền giám sát của mình hay không? Các chế tài xử lý như thế nào cho phù hợp với những hành vi gây ra lãng phí …

Thiết nghĩ, để việc Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi có hiệu quả, có chiều sâu và thật sự đi vào cuộc sống thì phải cần một chiến lược tuyên truyền tích cực hơn nữa từ tổ dân phố địa phương tới các cơ quan, đơn vị; sao cho, mọi người đều được thể hiện quyền phát hiện lãng phí, có sự phản ánh cũng như tiếng nói tới các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ