(GD&TĐ) - Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh như vậy, khi phát biểu về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay, liên quan đến dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) mà QH đang thảo luận. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH trong ngày 11/7, ngày làm việc thứ 2 phiên họp thứ 19 của UBTV QH khoá XIII.
Lãng phí cản trở đà phát triển
Làm rõ yêu cầu việc sửa đổi Luật lần này phải thể hiện được quyết tâm và tính khả thi khi đi vào cuộc sống, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu lên thực tế lãng phí đang làm cản trở đà phát triển của đất nước, gây ảnh hưởng đến tình hình an sinh xã hội mà uy tín quốc gia.
Lãng phí không chỉ ở ngân sách đầu tư, theo Chủ tịch QH, đất bỏ hoang cũng là lãng phí, chưa kể là có thể có tham nhũng. Tiết kiệm và phòng chống tham nhũng phải đi liền với nhau.
Thực tế “bao nhiêu công trình lãng phí lộ ra đấy mà chẳng thấy ai bị xử lý, nhìn thấy đấy mà không có ai chịu trách nhiệm”, “bao nhiêu phức tạp, lộn xộn, lãng phí nhưng chẳng thấy xử lý”.
Do đó, yêu cầu đặt ra là “Luật này ra đời thì xử lý sẽ thế nào, ngăn chặn hay làm đỡ đi tình trạng đó không? Nếu chưa nói lên được điều đó thì chưa đáng thông qua”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nêu quan điểm.
Thường vụ quốc hội làm việc tại nghị trường ngày 11/7 |
Giá trúng thầu phải là giá cuối cùng
Cũng trong ngày làm việc 11/7, UBTV QH đã tiến hành thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Phát biểu trong phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dự án luật vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm nạn thông thầu, đội giá sau khi trúng thầu.
Cụ thể về xử lý gian lận trong đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu việc xử phạt bằng bồi thường, phạt tiền thì nhẹ; cần thiết phải xử lý theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng.
“Đối với các dự án nâng giá thầu lên quá cao mà các đồng chí nói là vẫn làm đúng theo quy định của luật thì cũng phải xem lại luật đó là đúng hay là dở, nếu không thì vẫn gây ra thất thoát, lãng phí”, Chủ tịch QH nói.
Cũng theo Chủ tịch QH, lý do giá đấu thầu sau khi trúng thầu tăng cao so với ban đầu là do có nhiều quy định về giá hợp đồng thầu (giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định, giá theo đơn giá điều chỉnh và giá hợp đồng theo thời gian).
“Tôi không đồng ý đưa ra nhiều loại giá thế này", Chủ tịch QH nhấn mạnh, “thiết kế thế nào thì thi công thế đấy, chứ không phải vào làm là phải thay đổi, nâng giá thầu lên. Luật phải quy định ổn định để đấu thầu hiệu quả… Giá trúng thầu là giá cuối cùng. Mọi rủi ro phải được tính hết vào giá trúng thầu để sau này không phải thay đổi”.
Khánh Sơn