Lắng nghe, để thấy nhẹ lòng

GD&TĐ - Học sinh các trường phổ thông và sinh viên gần đây rất yêu thích cuộc thi tranh biện. Sinh viên Việt Nam còn “đem chuông đi đấm xứ người”, một nữ sinh Trường ĐH Ngoại thương năm 2016 đã đoạt ngôi vô địch giải tranh biện châu Á năm 2016, hiện cô nằm trong top 200 nhà tranh biện trẻ châu Á. Các nhà vô địch tranh biện nhiều cuộc thi gần đây cũng ghi danh so tài đấu trường quốc tế, để thấy rằng người Việt Nam rất có tố chất và đặc biệt yêu thích tranh biện.

Giờ Tiếng Việt 1 - CNGD ở Trường Tiểu học số 2 thị trấn Tuần Giáo (Tuần Giáo - Điện Biên)
Giờ Tiếng Việt 1 - CNGD ở Trường Tiểu học số 2 thị trấn Tuần Giáo (Tuần Giáo - Điện Biên)

Sự yêu thích tranh biện thể hiện rõ ràng nhất trong “cuộc chiến” trên mạng xã hội xung quanh việc học tiếng Việt theo Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Chỉ với 1, 2 clip ngắn vài phút, không ít người đang đưa ra đánh giá cho cả một phương pháp dạy học. Cứ bảo thời đại 4.0 là cuộc cách mạng kết nối, khi người ta có thể từ cửa sổ nhà mình nhìn thẳng ra thế giới, nhưng với cuộc tranh luận về Công nghệ giáo dục này, dường như một số người không sẵn sàng mở tư duy cho sự sáng tạo, cho cái mới mà chỉ thích trở về đúng với lớp học xa xưa mình đã theo học, lấy đó làm chuẩn mực - nếu không giống như cũ thì cho là… sai.

Một trong những yếu tố quan trọng trong tranh biện văn minh đó là cần lắng nghe. Nếu không lắng nghe, sẽ không thể có được sự chuẩn bị nội dung kỹ càng. Nếu không lắng nghe, sẽ không hiểu đối thủ nói gì để tranh biện lại. Lắng nghe ở đây không thể hiện sự yếu thế, thua cuộc, lắng nghe trong tranh biện thể hiện tầm văn hóa, tư duy, sẵn sàng chấp nhận những cái mới, sự sáng tạo.

Đúng theo “luật tranh biện”, lắng nghe những câu hỏi về phương pháp dạy tiếng Việt theo Công nghệ giáo dục, không ít người đã lên tiếng trả lời. Một vấn đề khoa học thì cần có giải thích khoa học bài bản, chỉ mong người nghe hiểu được tới gốc rễ vấn đề và muốn hiểu rõ thì cần đọc, lắng nghe và phải mất một chút thời gian. Nhưng dường như không mấy người sẵn lòng lắng nghe mà chỉ khăng khăng theo cách nghĩ đóng khung của mình. Tranh thủ lên mạng xã hội, bất cần biết đúng sai, cứ theo trào lưu là phản đối! Người nào nói ngược lại thì sẽ “bỏ bóng đá người”. Sàn tranh biện một vấn đề khoa học được chuyển ra chợ bán tôm bán cá, đầy tiếng nói chao chát.

Nhân được phỏng vấn về nội dung sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục, một chuyên gia Nhật Bản đã trả lời trên báo chí: “Trong cuộc sống, dù muốn hay không, chúng ta phải nghe, phải biết và tiếp nhận những góc nhìn, quan điểm, giá trị quan mà chúng ta chưa biết”. Bản thân mỗi người cũng không muốn là bản sao của ai đó mà muốn mình là đặc biệt, là khác biệt, muốn tiếng nói của mình được lắng nghe. Tôn trọng sự khác biệt của mình đồng nghĩa với việc bạn sẽ hạn chế làm người khác tổn thương chỉ vì những suy nghĩ cứng nhắc, khép kín.

Nhìn vào từng gia đình lại thấy mỗi bố mẹ có cách thức giáo dục con khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu dạy con thành người có ích cho xã hội. Giáo dục cũng vậy, rất cần một sự đa dạng hướng đến một đích đến chung. Đích đến là duy nhất, nhưng con đường thì có nhiều. Mỗi người sẽ lựa chọn cho mình một con đường đi phù hợp, dù nhanh dù chậm, hướng đến đích cũng đã là điều đáng quý. Hãy lắng nghe, tìm hiểu kỹ vấn đề, tôn trọng sự khác biệt và tự tin tranh biện. Vì suy cho cùng, tranh biện để giúp chuyển mâu thuẫn thành điểm chung, giúp chúng ta hiểu bản thân mình, hiểu người khác. Lắng nghe để học hỏi, lắng nghe để cởi mở sáng tạo. Và lắng nghe để thấy nhẹ lòng theo từng bước chân con đến trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ