Làng biệt thự Nha Xá trước nguy cơ “tuyệt chủng”

Làng biệt thự Nha Xá trước nguy cơ “tuyệt chủng”

Ngỡ ngàng nhà Tây

Theo một số cụ cao niên trong làng Nha Xá kể lại: Vào những năm 1920 - 1930, làng Nha Xá nổi tiếng với vải lụa được các thương lái thu mua mang vào trong Nam hoặc bán ra nước ngoài.

Khách hàng chủ yếu mua lụa Nha Xá là các gia đình quyền quý nhiều tiền. Mỗi tấm vải lụa được họ mua với giá cao nên dân làng nhanh chóng giàu có. Bộ mặt làng trở nên khang trang với những ngôi biệt thự kiểu Pháp.

Một cán bộ xã Mộc Nam dẫn chúng tôi chiêm ngắm từng ngôi nhà mang dấu ấn thuở giàu sang ấy. Như biệt thự nhà ông Lê Thiều xây dựng từ năm 1929 đặc sệt kiến trúc Gootich Pháp. Từ mái hiên thoải cong vút mềm mại đến cách xây dựng phòng mang dáng dấp Tây khiến chủ nhân khá tự hào.

Ở giữa làng, thụt sâu trong một khu vườn rộng là ngôi nhà có tên rất đẹp “Biệt thự đường loan”. Vị cán bộ chỉ tay bảo, đây thực sự là “điền trang thái ấp” của chủ nhân một thời giàu có hàng “đệ nhất Nam Hà” xưa. Tiếc rằng, chiến tranh và mưa nắng đã làm cho ngôi nhà xuống cấp nặng nề.

Phía cuối làng, biệt thự hai tầng của cụ Lê Thị Đằng được xây dựng từ năm 1932 vẫn rất vững trãi tráng lệ. Ngôi nhà đứng song song với cây cổ thụ bóng tỏa rợp sân mà vẫn không che nổi cái dáng uy nghi của ngôi nhà quý.

Ấy thế nên có đận mấy đại gia từ Hà Nội mê nhà tây mới lần về hỏi mua. Nhưng ai bán, dại gì lại đem báu vật bán cho người lạ. Không mua được, có tiền cũng chịu nên họ đành xin cụ cho chụp mấy kiểu ảnh kỉ niệm đem về Hà Nội.

Những năm sau chiến tranh, ở Nha Xá nhà biệt thự kiểu Pháp còn nhiều lắm nhưng rồi hết dần. May giờ cũng còn trên hai chục ngôi tọa lạc giữa những ngôi nhà tầng kiểu mới. Nhưng vậy đã là quý rồi, vào làng mà cứ ngỡ như lạc sang tây hay giống như sống trong trong giấc mơ lạ.

Nhưng quý hơn cả là “điền trang thái ấp” của ông Phạm Khắc Tiệp. Ngôi nhà xây giữa năm 1930 sừng sững cho đến nay chưa một lần đụng “dao kéo”. Khi xây như nào giờ còn nguyên vậy, mái giữa kiểu “con tôm vắt ngang qua cổng” hay phòng bên hình cầu cong ưỡn ẹo… Ngay đến cánh cửa gỗ vẫn còn nguyên vẹn hình hài chỉ cháy đen một góc do lửa đốt.

Ông Tiệp kể, thời chống Mỹ, chúng ném bom ghê quá sợ sập nhà hỏng cửa nên ông cụ tháo mấy cánh gỗ dìm xuống ao chống cháy. Lúc sắp lâm chung cụ cố nhắc nhở vớt cửa lên mà lắp vào nó mới hợp với nhà. Con cháu chắt chít phải giữ lấy biệt thự ấy, nó quý lắm.

Bản vẽ do kĩ sư người Pháp vẽ trước khi xây dựng nhà ông Tiệp.
 Bản vẽ do kĩ sư người Pháp vẽ trước khi xây dựng nhà ông Tiệp.

Theo ông Tiệp: “Căn biệt thự được ông nội tôi là cụ Phạm Ngọc Phả xây dựng vào năm 1930. Cụ Phả đã thuê kiến trúc sư người Pháp thiết kế nhà.

Bản vẽ thiết kế của căn nhà vẫn được gia đình lưu giữ cho đến ngày nay. Chi phí xây dựng khoảng 3.000 đồng Đông Dương. Cụ làm nghề buôn vải lụa tơ tằm. Bên cạnh cung cấp vải cho thương lái từ miền Nam, ông bà nội tôi cũng tự mang sang Campuchia, Lào, Thái Lan bán”.

Ở Nha Xá bây giờ có lẽ chỉ còn mình biệt thự của ông Tiệp là còn bản vẽ. Bản vẽ tổng thể, cắt ngang vẫn còn nguyên vẹn do kĩ sư người Pháp thiết kế chữ ký vẫn rõ mồn một. Ngự chính giữa làng Nha Xá bây giờ lại còn một biệt thự mà các cao niên băn khoăn không biết có nên gọi là biệt thự không vì đó là đình làng.

Ngôi đình lạ nhất Việt Nam đúng như cố GS Trần Quốc Vượng đã nói khi về làng khảo sát. Điều lạ nữa là cả làng chẳng ai biết đình xây năm nào theo kiến trúc gì, vừa tây vừa ta lại bề thế nhưng ấm cúng. Đình xây trên mảnh đất “chó đẻ” như lời thầy địa lý khuyên, tất nhiên đó là giai thoại mà chỉ các bậc cao niên mới hiểu.

Ngày nay Nha Xá vẫn giữ được nghề dệt truyền thống.
 Ngày nay Nha Xá vẫn giữ được nghề dệt truyền thống.

Vang danh “lụa Á hậu”

Người làng Nha Xá bảo rằng, sự giàu có ngày xưa của làng là nhờ cả vào nghề dệt. Là một làng có truyền thống dệt cổ xưa thuộc hạng nhất ở Việt Nam chỉ sau lụa Hà Đông.

Nếu so sánh với lụa Hà Đông thì tiếng tăm của sản phẩm vải, lụa Nha Xá được xếp hạng nhì, người dân vẫn quen gọi “lụa Á hậu”. Từ đầu thế kỷ 18, các lái buôn từ Sài Gòn - Chợ Lớn đã ưa thích vượt ngàn cây số đến Nha Xá đặt hàng bởi chất lụa non tơ, óng mượt nhưng bền bỉ.

Đây cũng chính là thời kì những người nông dân Nha Xá được tiếp xúc với giới buôn bán để mở rộng tầm mắt. Đặc biệt sau này, nhà tư sản Bạch Thái Bưởi cho tàu cập mạn đê hữu sông Hồng lấy hàng sang châu Âu để bán thì lụa Nha Xá càng vang danh.

Sau này, khi cố Giáo sư Trần Quốc Vượng có về nghiên cứu làng Nha Xá đề cập rằng, Bạch Thái Bưởi đã truyền nghề buôn cho dân làng Nha Xá hay chính người dân nơi đây đã học từ thương gia họ Bạch cách làm ăn để phất lên giàu có không kém gì các quan sếp Pháp thuộc.

Đình làng độc đáo ở Nha Xá.
 Đình làng độc đáo ở Nha Xá.

Theo cán bộ phụ trách Văn hóa xã Mộc Nam thì, các cụ trong làng ngày xưa đã ra Bắc vào Nam buôn bán vải lụa. Thậm chí, nhiều cụ không dừng lại ở việc buôn bán trong nước mà mua tàu đi sang Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm quảng bá lụa Nha Xá và học cách làm giàu.

Khoảng những năm 1920 là thời gian thịnh vượng nhất của làng dệt Nha Xá, lụa dệt ra bao nhiêu là tất cả được đưa lên tàu sang nước ngoài. Người nông dân bắt đầu đổi đời, chuyển mình từ việc làm ruộng dệt vải sang thành những lái buôn xuyên quốc gia.

Việc buôn bán thuận lợi, phát đạt nên những biệt thự kiểu Pháp bắt đầu mọc lên thay thế cho những ngôi nhà gỗ “ba gian hai chái”. Biệt thự Pháp giữa làng quê Việt đứng vững trãi kiêu kì trước những ngỡ ngàng của khách lạ. Điều ấy là có thật, dấu tích ấy còn lưu lại đến ngày nay, tuy nhiều biệt thự đã bong chóc hay ố màu thời gian nhưng vẻ kiêu kì tráng lệ vẫn rất mãn nhãn kẻ hiếu kỳ.

Bài toán bảo tồn

Không có phương án bảo tồn, Nha Xá sẽ không còn nhà cổ.

Theo chính quyền xã Mộc Nam, những năm 1980 làng Nha Xá còn rất nhiều biệt thự. Nhưng qua thời gian, biệt thự Pháp xuống cấp hỏng dần, tiếc nhưng nhiều người đành phá xây nhà mới.

Đến nay, cả làng còn hơn 20 ngôi nhà kiểu Pháp còn giữ được, trong hơn nửa số ấy đang xuống cấp quá mức. Có những ngôi nhà chủ nhân không dám ở đành dọn ra vườn nhưng vì tiếc nên không dám phá.

Dẫu biết rằng, những ngôi nhà cổ kia quá đẹp. Đó là lí do mà năm nào sinh viên kiến trúc tận Hà Nội cũng lặn lội về ngồi thu lu ở một góc ngắm nghía vẽ vời làm luận văn tốt nghiệp. UBND xã Mộc Nam từng lập đề án trình UBND tỉnh Hà Nam có phương án bảo tồn các biệt thự kiểu Pháp tại làng Nha Xá không chỉ với mục đích giữ gìn di tích mà còn kết hợp du lịch làng nghề.

Căn biệt thự của gia đình bà Lê Thị Phước An (SN 1945) lại chỉ có 1 tầng, có sân vườn. Bà An cho biết, căn biệt thự trước đây còn có hai dãy nhà ngang làm nơi ở cho gia đình và người giúp việc.

Tuy nhiên, hai dãy nhà đó đã xuống cấp nên gia đình đã tháo dỡ. Hay như căn biệt thự của ông Lê Cao Chẩm được xây năm 1943, trải qua nhiều biến cố, nay chỉ còn lại dấu tích nhỏ nằm lọt thỏm giữa những căn nhà mới xây.

Nhà biệt thự cổ - dấu ấn thành quả lao động một thời của tiền nhân, phá đi thì tiếc mà để lại thì khó có thể bảo tồn. Điều đó đã và đang khiến những người sở hữu biệt thự cổ Pháp ở Nha Xá phải đau đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ