Làng báo Việt: Thời của chị em

Làng báo Việt: Thời của chị em

(GD&TĐ) - Trào lưu “bình đẳng giới” đang dâng lên mạnh mẽ thì việc phụ nữ có mặt ở khắp các địa hạt là chuyện không có gì lạ nữa. Tuy nhiên, có những lĩnh vực dành riêng cho nam giới, hoặc nam giới chiếm ưu thế. Đó là thợ mỏ, lái xe đường dài, cảnh sát, nhà báo... Ấy thế mà trong làng báo Việt Nam, nữ đông hơn nam.

Nhà báo nữ đông hơn nam

Khi tìm hiểu làng báo Việt Nam, tôi có cảm giác phụ nữ hơi nhiều. Tìm hiểu sâu hơn một chút, tôi thấy phụ nữ nhiều thực sự. Đi vào xử lý hồ sơ, tài liệu, con số thống kê thì thấy khá rõ ràng. Theo một con số được công bố, trong làng báo Việt Nam hiện nay, nữ giới chiếm tới trên 60% tổng số người làm báo. Mà con số này có thể còn tăng lên vì hiện nay tại các cơ sở đào tạo nghề báo, nữ sinh viên cũng đông hơn nam sinh viên.

Vậy đây là một nghịch lý vì nó trái với quan niệm nghề báo là nghề của đàn ông. Có thể xem đây là một nghịch lý khá thú vị, vì phụ nữ làm báo cũng hay lắm chứ?! Nhưng dẫu hay, dẫu thú vị thì đây vẫn là một nghịch lý. Xã hội và các nhà nghiên cứu vẫn phải để tâm tới nghịch lý này, phân tích, tìm hiểu xem điều này hay ở đâu, dở ở đâu?

Nhiều người, khi thấy phụ nữ xinh đẹp làm nghề báo, họ bật ra câu hỏi: “Là phụ nữ xinh đẹp như em, tại sao lại làm nghề báo?”. Họ hỏi vậy, bởi vì trước đến nay, người ta vẫn nói với nhau: Nghề báo không phải là linh vực của phụ nữ. Với những tính chất nghề nghiệp như: Đi nhiều, đụng chạm nhiều vấn đề, gặp nhiều rủi ro, nhiều thách thức... Thậm chí cả những việc bình thường là phải uống bia, uống rượu nhiều cũng là khó khăn cho phụ nữ.

Nghề báo ở Việt Nam hiện nay đang được nhân dân quý trọng, tin tưởng. Tuy nhiên, vẫn rất nhiều người cho rằng, làm báo trung thực là “húc đầu vào đá”. Rồi công việc cũng chẳng lấy gì làm sang trọng cho cam: Nếu không lẵng nhẵng chạy theo người nổi tiếng cầu cạnh mấy tấm ảnh, vài câu phát ngôn, thì cũng dễ bị “ăn đòn” khi động chạm đến mảng tối của xã hội. Vậy là nghề báo cũng chẳng oai, chẳng sang gì cho lắm, lại nguy hiểm nữa, vậy tại sao phụ nữ lại thích?

Nhà báo nữ tác nghiệp trong các sự kiện
Nhà báo nữ tác nghiệp trong các sự kiện
 

Điều gì thu hút phụ nữ vào nghề báo?

Bước ra khỏi cuộc thi Press Beauty 2013 với danh hiệu hoa khôi, cô sinh viên Báo chí Trần Huyền Anh khẳng định: “Nghề báo là đam mê duy nhất!”. Cô hoa khôi này còn nói nhiều về cái hay, cái đẹp, cái cao quý của nghề báo, vì vậy cô mới quyết tâm theo đuổi. Thật ra, không chỉ có cô hoa khôi này, mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp nữ của tôi cũng nói rằng, họ sẵn sàng bỏ hết mọi thứ khác để làm báo suốt đời, dẫu biết rằng nghề báo ít tiền và cũng rất vất vả.

Điều gì ở nghề báo có sức hút mãnh liệt đối với phái nữ vậy? Đương nhiên là nghề báo cũng lấp lánh ánh hào quang đối với phụ nữ, nhất là những phụ nữ vừa thông minh, vừa có nhan sắc. Những “sao” nữ trên truyền hình được rất nhiều người biết đến và yêu mến. Họ mê hoặc khán thính giả bằng gương mặt đẹp, giọng nói truyền cảm, cách nói khúc chiết, gãy gọn rõ ràng về những vấn đề gay cấn trong xã hội.

Sự yêu mến của nhân dân dành cho nhà báo, nhất là nhà báo nữ khiến các thiếu nữ đam mê nghề này. Sự nổi tiếng dễ làm phụ nữ xiêu lòng. Nhưng cũng có nhiều nhà báo “gặt hái” vinh quang một cách lặng lẽ. Đó là những nữ nhà báo phanh phui các vụ tham nhũng, hay nêu lên những vấn đề gay cấn. Đặc biệt, những nhà báo nữ vừa viết về những thân phận chịu nhiều thiệt thòi, vừa làm từ thiện cũng có những niềm vui riêng. Khi mang đến cho những con người khốn khó những niềm vui về tinh thần, sự giúp đỡ vật chất nho nhỏ, các nữ nhà báo cảm thấy mình có ích thật sự. Rồi được góp tiếng nói của mình vào củng cố gia đình, nuôi dạy con cái cũng là những việc đáng tự hào.

Vẫn còn đâu đó những điều tủi nhục

Những vất vả, khó khăn của nữ nhà báo thì có nhiều, nhưng đấy là điều nhiều người không sợ. Người ta sợ sự thờ ơ hay là sự khinh bỉ. Đây thực sự là những nỗi ê chề, cay đắng, nhất là đối với những người phụ nữ nhạy cảm và hay trăn trở.

Nữ nhà báo Dương Ngọc (TTXVN) kể: “Tôi về một tỉnh lân cận Hà Nội công tác. Hờ hững tiếp tôi là một Phó Giám đốc sở. Đến bữa trưa, anh đưa tôi ra một quán cơm bụi và nói: Tôi bỏ tiền ra mời cơm nhà báo đấy! Còn không biết tối nay nhà báo sẽ ngủ ở đâu? Nghe thấy thế, tôi rất chạnh lòng, nhưng tôi vẫn cắn răng để làm công việc của mình. Xong việc tôi tức tốc trở về Hà Nội, mặc dù đêm đã khuya”.

Chuyện của nhà báo Dương Ngọc chỉ hơi đáng buồn chứ chưa đáng sợ, chưa có gì phải hổ thẹn. Có lần tôi vào TP Hồ Chí Minh, đến thăm một người bạn làm giám đốc một công ty khá nổi tiếng. Đến cổng, tôi bị bảo vệ chặn lại hỏi giấy tờ. Tôi không mang Chứng minh thư, đành đưa Thẻ Nhà báo ra. Cậu bảo vệ gọi điện và thông báo: “Giám đốc có việc bận, vừa đi khỏi chú ạ!”. Lúc đó tôi mới rút di động ra gọi. Phía bên kia vừa “alô”, tôi mắng luôn: “Ông chơi cái trò gì vậy?! Bạn bè từ Hà Nội vào mà không muốn nhìn mặt nhau à? Tôi đến cổng rồi mà ông còn xui bảo vệ nói đi vắng là sao?!”. “Xin lỗi, xin lỗi, tôi xuống đón ông đây”.

Lên phòng, vừa pha nước mời tôi, giám đốc vừa kể: “Tôi chết khiếp cánh nhà báo rồi, nhất là nhà báo nữ. Trước khi ông đến chừng 30 phút, có một nữ nhà báo cũng từ Bắc vào, ăn mặc rất mát mẻ. Phòng có máy lạnh nên phải đóng cửa kín đáo nên cô ta lại có vẻ thoải mái hơn mình. Đưa đẩy và ưỡn ẹo một lúc, cô ta nói thẳng là muốn xin một cái quảng cáo. Nhìn đùi, nhìn ngực cô ta, mình sợ nên vội vàng ký ngay. Đuổi được cô ta xong, mình dặn bảo vệ là nếu nhà báo đến thì báo mình đi vắng...”.

Tôi biết chuyện bạn tôi kể là hoàn toàn sự thật. Và những chuyện như thế này xảy ra ở nhiều nơi. Và đây là nỗi cay đắng đối với nhiều nhà báo nữ. Chắc chắn còn nhiều nỗi ê chề khác của các nữ nhà báo chưa được đưa ra ánh sáng. Chính vì vậy có người thề không bao giờ đi làm quảng cáo nữa. Mà nỗi ê chề không chỉ có ở các nữ nhà báo kết hợp đi làm quảng cáo. Nỗi ê chề có cả ở những công việc quang minh, chính đại.

Đã chọn nghề báo, cần chuẩn bị tinh thần và sức lực

Khi nói về khó khăn, vất vả, thiệt thòi của người phụ nữ làm báo, người ta thường nhấn mạnh đến việc phải xa chồng, xa con; những thách thức vì có thể bị quấy rối tình dục; rồi những áp lực về sức khỏe thể chất, tinh thần... tất cả những thứ này đều đúng, nhưng còn một khía cạnh nữa. Đó là những thách thức mang tính cảm xúc.

Viết về những chuyện tế nhị như mại dâm, ngoại tình tuy không nguy hiểm, nhưng lại tác động tới “bản ngã phụ nữ”. Để làm tốt những việc này, các nhà báo nữ có khi phải quên giới tính của mình đi. Đây cũng là một thách thức không nhỏ. Đặc biệt, khi viết về những vụ án có tính khốc liệt khi con người thực hiện những hành vi hết sức dã man, mất hết nhân tính như vụ Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Thanh Đại..., đến đàn ông còn ghê rợn, huống hồ là phụ nữ. Ấy vậy mà chị em vẫn phải tìm hiểu ngọn nguồn, thậm chí là phải giáp mặt hung thủ để bài viết sinh động. Đây chính là những thử thách lớn mà các nhà báo nữ phải đối mặt và vượt qua.

Tuy nhiên, nữ tính cũng đã “đi” vào các sản phẩm báo chí hiện nay. Và điều này cũng có mặt tốt và mặt xấu. Mặt tốt đó là có nhiều thông tin chứa đựng sự ân cần, nồng ấm, chứa chan tình người. Còn mặt xấu là nhiều thông tin vụn vặt, ít mang lại lợi ích chung; tính chiến đấu còn chưa cao.

Thật ra, để có những kết luận toàn diện về giới tính trong sản phẩm báo chí, cần phải nghiên cứu sâu hơn. Ở đây vấn đề chỉ mới được nêu lên để tất cả chúng ta cùng suy nghĩ. Thậm chí, cả vấn đề phụ nữ đông hơn nam giới trong làng báo có còn là nghịch lý hay không?

Hồ Trọng Đàm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ