Lan tỏa tin tốt lành trên mạng xã hội để cuộc sống tươi đẹp

GD&TĐ - "Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày" là tên của buổi tọa đàm dành cho giới trẻ được rất nhiều người quan tâm.

Đông đảo bạn trẻ quan tâm tới việc lan tỏa thông tin tốt mỗi ngày.
Đông đảo bạn trẻ quan tâm tới việc lan tỏa thông tin tốt mỗi ngày.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự bùng nổ lớn mạnh của mạng xã hội thì tin tức càng có điều kiện phát tán, lan tỏa cấp số nhân. Trong số làn sóng thông tin mà chúng ta tiếp nhận hàng ngày trên mạng xã hội, có những tin tốt, tin xấu, thậm chí là tin giả mạo. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là tin xấu, tin giả mạo ngày càng xuất hiện nhiều và lan tỏa rất nhanh trên mạng xã hội.

Hầu như ngày nào chúng ta cũng thấy xuất hiện trên mạng xã hội những thông tin tiêu cực, thậm chí là bịa đặt. Rồi mọi người cứ vô tư chia sẻ, vô tư bình luận khiến sự việc càng trở nên trầm trọng và tiêu cực hơn. Trong “làn sóng” của tin tiêu cực và tin không được kiểm chứng, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nó.

Vậy thì thay vì cứ để xuất hiện tràn lan những tin tiêu cực, bịa đặt, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống tại sao những người sử dụng mạng xã hội mỗi ngày không chủ động chia sẻ nhiều tin tốt lành để mọi người sống tốt đẹp hơn, giúp lan tỏa những điều tốt đẹp!

Trong buổi tọa đàm, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, những người có kinh nghiệm đã chia sẻ về cách sử dụng mạng và lan truyền thông tin mạng.

Theo TS xã hội học - tâm lý học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia thì: "Tin xấu có 2 loại là tin bịa đặt, xúc phạm, tiêu cực một cá nhân hay tổ chức nào đó và điều này vô cùng tồi tệ. Loại số 1 này thực sự rất nguy hiểm vì có thể hậu quả là dẫn đến cái chết nào đó.

Loại thứ 2 là chuyện xấu có thật được đưa ra để rút ra bài học và có tinh thần trách nhiệm sống tốt hơn - những tin này tôi nghĩ cần thiết đưa tin. Nhưng vấn đề nằm ở cách đưa tin, ví dụ đưa tin về giết người, cướp của không nên miêu tả quá chi tiết mà thay vào đó đưa ra các biện pháp phòng tránh. Thực sự sáng ra đọc tin xấu thì tôi có thể cảm thấy mất tinh thần. Tôi nghĩ truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, thay vì đả kích phê phán mang tính tiêu cực".

Sinh viên Bùi Hồng Hạnh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, chia sẻ: "Có những tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến cuộc sống của em. Cách đây không lâu có tin đồn trên mạng xã hội bạn bè báo tin, có người dùng hình ảnh của em và một số sinh viên khác để mời gọi hành nghề không hợp pháp. Điều này khiến cuộc sống của em đảo lộn.

Những tin đồn đó ảnh hưởng cuộc sống của em rất nhiều, làm cho mọi người và gia đình cảm thấy không biết thực hư ra sao. Người ngoài đường nhận ra mình cũng nhìn mình bằng con mắt khác, khiến mình rất xấu hổ.

Những tin đồn thất thiệt đó, mình chưa biết sự thật ra sao nhưng không nên chia sẻ mà nên báo báo với đội ngũ mạng xã hội. Những người trên mạng đó không nghĩ rằng họ có thể giết người khác bằng lời lẽ của mình. Qua câu chuyện này, em mong chúng ta sử dụng mạng, nếu gặp tin đồn thất thiệt thì không nên chia sẻ thông tin để giúp cuộc sống lành mạnh và tốt đẹp hơn".

Buổi tọa đàm đã mang lại thông điệp lớn cho giới trẻ về cách lan tỏa và sử dụng những thông tin tốt trên mạng xã hội sẽ đem đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ