Lần đầu tiên trong lịch sử APEC không ra được tuyên bố chung

GD&TĐ - Lần đầu tiên trong lịch sử của tổ chức, lãnh đạo các nước thuộc Diễn đàn hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (APEC) đã không ra được tuyên bố chính thức vào cuối hội nghị.  

Lãnh đạo các nước tham gia APEC tại Papua New Guinea
Lãnh đạo các nước tham gia APEC tại Papua New Guinea

Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea (PNG) – nước đăng cai tổ chức sự kiện - Rimbink Pato nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters rằng “xung đột tầm nhìn” đối với khu vực đã gây khó khăn cho việc ra thông cáo của thượng đỉnh.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng thừa nhận những quan điểm khác nhau về các yếu tố, đặc biệt về thương mại đã không tạo ra một sự nhất trí chung trên một thông cáo.

Cuộc gặp gỡ của 21 lãnh đạo APEC năm nay đã bị phủ bóng bởi màn “phản pháo” lẫn nhau giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Mỹ và đồng minh đã cùng phản ứng với “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã buộc tội Bắc Kinh dụ dỗ các nước nhỏ hơn tham gia vào chương trình cơ sở hạ tầng khổng lồ đồng thời đề nghị cho họ tiền để xây dựng và phát triển dự án.

Ông Pence gọi khoản tiền trên là những khoản vay “mờ mịt” và đi theo một loạt ràng buộc, tạo nên “khoản nợ bất ngờ” khi ông lên án đây là “vành đai hẹp” và “con đường một chiều”.

Phó Tổng thống Mỹ thúc giục các nước đang phát triển hãy gắn bó với Mỹ vì Washington không nhấn chìm các đối tác của mình trong “biển nợ nần”, hoặc “ép buộc, tham nhũng hoặc phải thỏa hiệp sự độc lập của mình” đối với các đối tác.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng “Sáng kiến Vành đai và Con đường” không phải là “cái bẫy” và không có “một chương trình nghị sự ẩn” ở đây.

Chủ tịch Trung Quốc cũng lên án thái độ “Mỹ trên hết” của Washington và nói rằng chính sách này là “thiển cận” và “sẽ thất bại”.

Trung Quốc và Mỹ đã áp những khoản thuế vào hàng hóa nhập khẩu trị giá hàng tỉ đô la của nhau trong vòng mấy tháng qua.

Theo Press TV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ