Làm việc trong trường ĐH ở Australia, lương “khủng” cỡ nào?

GD&TĐ - Các trường ĐH Australia thuê đội ngũ cán bộ dựa trên các thỏa thuận theo cách của doanh nghiệp, nhìn chung cán bộ giảng dạy và cán bộ hành chính có các điều kiện cơ bản tương tự, kèm theo đó là các điều khoản riêng và mức lương đối với từng vị trí công việc.

Trường ĐH RMIT (Australia)
Trường ĐH RMIT (Australia)

Tác giả Peter James Bentley và Conor King cùng các Đại học Nghiên cứu và Đổi mới Melbourne, Australia đã có một nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống GD ĐH Australia, trong đó có nội dung về đội ngũ cán bộ trường ĐH.

Một trường ĐH cần bao nhiêu nhân viên, giảng viên?

Theo nghiên cứu, các hiệu trưởng và đội ngũ quản lý bậc cao thường dựa trên hợp đồng lao động cá nhân. Các thỏa thuận doanh nghiệp được thương thuyết với Liên đoàn GD ĐH Quốc gia (NTEU) và được qui định bởi các tiêu chuẩn tối thiểu dựa trên các ‘thành tựu’ đạt được.

Có năm cấp dành cho cán bộ giảng dạy từ Trợ giảng (Mức A) đến GS (Mức E) ở cấp cao nhất. Cán bộ giảng dạy theo dạng hợp đồng dài hạn có thể đề nghị thăng tiến nội bộ. Cán bộ hành chính chuyên môn có hệ thống phân loại riêng với nhiều mức hơn và không có thăng tiến nội bộ.

Năm 2016, có 127.000 cán bộ làm việc toàn thời gian ở các trường ĐH Australia, bao gồm 68.000 cán bộ hành chính chuyên môn và 58.000 cán bộ giảng dạy (Chính phủ Australia, 2018a).

Theo truyền thống, cán bộ giảng dạy thường được thuê dựa trên vai trò giảng dạy và nghiên cứu dài hạn (T&R), nhưng phần lớn số lượng gia tăng trong hai thập niên vừa qua là theo dạng thời vụ (hợp đồng làm việc theo giờ) giảng dạy và chỉ một số lượng hạn chế làm hợp đồng nghiên cứu, tập trung vào hai nhóm thấp của cán bộ học thuật.

Gần một nửa khối lượng giảng dạy được hoàn thành bởi các cán bộ giảng dạy không được trả lương cho thời gian nghiên cứu (Andrews et al., 2016). Các vị trí hành chính chuyên môn tích cực hỗ trợ cho giảng dạy tăng lên và nhân sự với bằng cấp học thuật cao như tiến sĩ được thuê.

Thăng tiến nội bộ đối với các cán bộ làm việc dài hạn góp phần làm tăng 54% vị trí PGS và GS từ năm 2006. Các vị trí học thuật khác tăng 29% trong cùng thời gian, cán bộ hành chính chuyên môn tăng 31%.

Số lượng các vị trí học thuật tương đương làm việc toàn thời gian ở các trường đại học Australia theo phân loại năm 2006 và 2016
Số lượng các vị trí học thuật tương đương làm việc toàn thời gian ở các trường đại học Australia theo phân loại năm 2006 và 2016 

Mức lương tiêu chuẩn thế giới

Lực lượng lao động trong GD ĐH Australia được trả lương tốt theo tiêu chuẩn thế giới với các điều kiện tương tự trong toàn hệ thống theo thứ hạng so sánh.

Trong 7 trường ĐH ở tiểu bang Victoria năm 2017, mức lương cơ bản đối với vị trí GS, mức E theo hợp đồng doanh nghiệp là $188.000 ở Trường ĐH Melbourne (#$140.000 USD) và $169.000 ở Trường ĐH Victoria.

Mức lương tối thiểu cho người có bằng tiến sĩ dao động từ $77.000 (# $65.000 USD) đến $79.000. Tổng chi cho lương và các khoản khác dành cho đội ngũ cán bộ tăng ở tỉ lệ cao hơn việc làm toàn thời gian hoặc gia tăng SV.

Trong giai đoạn 2006 và 2016, mức chi cho cán bộ giảng dạy tăng 87% từ $ 4,6 tỷ đô la lến $8,6 tỷ đô la, và cho cán bộ hành chính chuyên môn là 94% từ $4,0 tỷ đô la lên $7,7 tỷ đô la (Chính phủ Australia, 2016).

Việc thăng tiến nội bộ và thành công của Liên đoàn GD trong việc duy trì mức tăng lương đều đặn hàng năm trong toàn hệ thống (một phần phản ánh năng suất lao động tăng) đã góp phần vào sự phát triển này.

Hiệu trường các trường ĐH Australia và các vị trí quản lý cấp cao được thuê dựa trên hợp đồng cá nhân và được trả lương cao. Năm 2016, mức lương dành cho Hiệu trưởng ở Trường ĐH Southern Cross là $500.000.

Trong khi Trường ĐH Sydney là $1,4 triệu đô la (# $1,1 triệu USD), với mức bình quân là $900.000 (Hare, 2017). Mức thu nhập dành cho GS cao hơn gấp đôi so với mức lương cơ bản và mức lương hiệu trưởng cao khoảng 13 lần so với mức lương cơ bản cho thấy sự gia tăng bất bình đẳng về lương trong các trường ĐH Australia.

Theo Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ