Làm theo 312 văn bản sai thì gay go rồi!

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thốt lên như vậy và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói rõ hơn, trả lời cụ thể về 312 văn bản mà Bộ trưởng báo cáo là sai pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng số lượng 312 văn bản pháp luật sai là một điều rất nguy hiểm
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng số lượng 312 văn bản pháp luật sai là một điều rất nguy hiểm

Sáng 12/6, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tiếp tục trả lời các câu hỏi của các đại biểu về số lượng các văn bản ban hành sai.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Tư pháp nói rõ hơn, trả lời cụ thể về 312 văn bản mà Bộ trưởng báo cáo sai pháp luật. 

Cũng có cùng những băn khoăn như một số đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “312 văn bản mà Bộ Tư pháp báo cáo là sai hiện nay cũng cần phải đi tìm văn bản ở đâu khác nữa cả, nó gây hậu họa gì chưa. Nếu người ta căn cứ vào 312 văn bản này để tổ chức thực hiện thì gay go rồi”.

Nếu người dân không tổ chức thực hiện 312 văn bản này thì lại vi phạm pháp luật rồi. “Tức là có thể kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo, cách chức, đến đuổi việc và vi phạm pháp luật có thể xử lý hình sự, chỗ này tôi thấy rất nghiêm trọng, rất nghiêm túc”. 

“Tôi muốn đề nghị đồng chí giải thích 312 văn bản này, trong này nói có những văn bản vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Bây giờ hướng dẫn như thế, đem ra áp dụng, nếu không áp dụng, không thi hành thì không được. Nếu thi hành lại vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Cơ quan tư pháp của chúng ta có thể xử tội vi phạm pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp cho biết theo báo cáo của Chính phủ có 312 văn bản trái pháp luật. Trong đó, 54 văn bản sai về nội dung. Trong 54 văn bản này không có văn bản nào vi hiến còn một số văn bản trái với nghị định. Những văn bản sai về nội dung không có văn bản trái với hiến pháp mà chỉ trái với quyết định của Chính phủ.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường ví dụ thông tư 24 của Bộ GD-ĐT cộng điểm cho Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng là không phù hợp thực tiễn.
“Tới đây hàng tháng chúng tôi sẽ có báo cáo tình hình kiểm tra văn bản tại phiên họp Chính phủ để Chính phủ cho ý kiến”, người đứng đầu ngành Tư pháp nêu ý kiến.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời câu hỏi của các vị đại biểu (Ảnh Tuổi trẻ)
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời câu hỏi của các vị đại biểu (Ảnh Tuổi trẻ)

Trước câu trả lời của Bộ trưởng Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chưa hài lòng và cho rằng thông tư sai thì cũng là trái với luật, trái với Hiến pháp. Đây là một vấn đề khá nghiêm trọng.

“Nếu sai thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân. 312 văn bản sai/1500 văn bản là tỷ lệ khá cao. Đấy mới chỉ là các văn bản cấp Bộ, còn chưa xem văn bản cấp xã, huyện, tỉnh”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Công tác xây dựng ban hành, tổ chức thi hành pháp luật còn nhiều yếu kém, khiến Đảng, nhân dân lo lắng. Làm cho người dân khó thi hành theo hiến pháp, pháp luật.
Để xảy ra tình trạng này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các cơ quan liên quan phải nhận ra trách nhiêm. Trách nhiệm trước hết của Quốc hội, trong đó, trách nhiệm lớn nhất là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội do chưa kịp thời ngăn chặn những nội dung sai trong các văn bản pháp luật.
Ngoài ra, tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng có trách nhiệm vì việc đình chỉ văn bản, trình ra Quốc hội hay bỏ văn bản pháp luật nào cũng do Bộ Tư pháp đưa ra. Đi theo đó là các cấp địa phương đến tận xã đều có trách nhiệm điều đó.
“Chúng ta phải nhận rõ trách nhiệm đó trước đồng bào cử tri”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Xử đại án 
Trước đó, vào cuối buổi chất vấn chiều 11/6, đại biểu Đỗ Văn Đương cho hay, vừa qua cử tri rất hoan nghênh đã đưa ra truy tố xét xử rất nhiều đại án về kinh tế tham nhũng, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho đất nước và cho nhân dân. Riêng vụ Huyền Như đã tới 4.000 tỷ đồng. 
Tuy nhiên, theo ông Đương, cử tri cũng rất buồn vì thu hồi tài sản trong các vụ án này tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm phần nhỏ. 

Nhiều đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản còn thấp
Nhiều đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản còn thấp

“Theo tổng kết chúng tôi theo dõi chỉ khoảng dưới 10%, còn phần lớn kia đi đâu? Có phải chăng cứ đi tù rồi xong. Vậy xin hỏi Bộ trưởng dưới góc độ là thi hành án dân sự trong vụ án hình sự này thì Bộ trưởng có giải pháp gì để kết nối giữa công tác điều tra, truy tố xét xử với công tác thu hồi tài sản cho nhà nước và cho công dân?", đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, sáng 12/6, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam chưa có hệ thống đăng ký tài sản thống nhất, minh bạch. Việc mua bán qua thẻ tín dụng chưa thực hiện nghiêm.
Bên cạnh đó, có sự cắt khúc nghiêm trọng trong các khâu tố tụng hình sự, điều tra, truy tố…; việc thi hành tách ra khỏi cơ quan thi hành án. 
"Có lý do thi hành án theo quy định của luật phải theo đơn yêu cầu. Ví dụ trong vụ Vinashin, khi bồi thường cho doanh nghiệp "con cháu" của Vinashin thì phải có yêu cầu của "con, cháu". Nhưng con cháu không buộc ông trả số tiền đó, dù không phải ít", Bộ trưởng Cường dẫn chứng.
Về hướng xử lý các bất cập, Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn việc nghiên cứu, đề xuất cùng Hiến pháp mới để hoàn thiện thể chế, tiếp nối, liên thông giữa cơ quan thi hành án dân sự ngay khi bắt đầu khâu điều tra, truy tố như kê biên, phong tỏa tài sản; kết nối hoạt động tòa án với thi hành án dân sự.
Theo vtc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.