Thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều tin giả mạo trên Facebook khiến người dùng hoang mang không biết tin vào đâu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh rối ren thật giả lẫn lộn như hiện nay và nhiều luồng thông tin cho rằng chính Facebook đã làm thay đổi kết quả bầu cử tại Mỹ vừa qua, Mark Zuckerberg lại lên tiếng khẳng định Facebook của anh không hề có lỗi trong chuyện này.
"Tất cả nội dung trên Facebook, có tới hơn 99% thông tin là đã được xác thực. Còn lại chỉ một lượng rất nhỏ là những tin giả mạo hoặc lừa đảo.
Những loại tin này chủ yếu về các đảng phái, nhà nước hay chính trị. Nhưng nói chung không thể nói những tin giả mạo này làm thay đổi kết quả bầu cử được", vị CEO Facebook này cho biết.
Nhiều người chỉ biết nhắm vào đổ lỗi cho Facebook và cho rằng đây chính là nguyên nhân gây ra thay đổi cục diện cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, rõ ràng Facebook đã nỗ lực dẹp bỏ những kiểu tin tức giả mạo từ nhiều năm nay nhưng kết quả thì chưa được như mong đợi.
Thực tế, những tin tức giả mạo là một vấn nạn chung cần phải dẹp bỏ, không chỉ riêng gì Facebook. Chính vì thế, đây là lúc chúng ta nên góp sức với họ để giải quyết vấn nạn còn tồn đọng này.
1. Kiểm tra kĩ tên miền
Trước khi quyết định đọc một tin tức nào đó trên Facebook, hãy để ý kĩ tên miền của chúng. Dù tít có hấp dẫn đến đâu nhưng tên miền lại từ một trang web nào đó quá xa lạ hoặc chưa bao giờ biết đến, đừng dại mà bấm vào chúng.
Melissa Zimdars, Phó giáo sư truyền thông tại trường Merrimack College có riêng hẳn một danh sách tên những tên miền thường đăng tin tức giả.
Bà mong muốn mình có thể cập nhật thường xuyên và giúp những người dùng internet có thể "sáng suốt" hơn trong việc lựa chọn tin tức tham khảo.
Một mẹo khác cũng khá phổ biến để xác định một tên miền có đủ độ tin cậy hay không là đuôi tên miền kết thúc bằng ".com" hoặc phổ biến ở Việt Nam sẽ thường là ".vn".
Nếu không thể xác định những tên miền có "chuẩn" hay không, bạn rất dễ bị dẫn đến một trang tin giả mạo "giống y" như trang tin thật và kèm theo những hiểm họa về tài khoản, bảo mật cũng như thông tin sai lệch.
2. Nên đề phòng với những kiểu tít "giật gân"
Thường những nguồn tin giả mạo sẽ dùng nhiều chữ viết hoa để thu hút sự chú ý của bạn. Nên nhớ những nguồn tin hợp pháp thường sẽ không nói lên tất cả nội dung bài viết trong tiêu đề đâu.
Nếu bạn là một người thực tế, chắc hẳn bạn sẽ nghi ngờ ngay khi gặp những bài viết như thế này:
- Sai chính tả
- Tin tức khó tin
- Trang tin kèm theo những trang quảng cáo
- Bài viết không được nhiều đánh giá
Ngoài ra, thường một nguồn tin "đúng chuẩn" sẽ có cả tên tác giả, còn nếu bạn không hề thấy tên tác giả mà lại có nội dung không đâu vào đâu, tốt nhất là bạn nên đóng trang tin này đi và đừng share chúng lên Facebook nữa.
3. Kiểm tra nhanh mọi tin tức bạn thấy
Bạn chỉ cần sao chép tiêu đề của bài viết đó và tìm kiếm trên Google. Nếu không thấy những bài viết tương tự từ các nguồn tin cậy khác, bạn đã hiểu bài viết đó không đủ mức độ tin cậy rồi.
4. Ngay lập tức loại bỏ những nguồn tin đã có dấu hiệu giả mạo
Nếu đã xác định được tin tức này là giả mạo, hãy tìm cách loại bỏ chúng ngay để tránh bạn bè và những người dùng khác bị "sập bẫy". Cụ thể, trên Facebook có những tính năng rất hay để ngăn chặn các tin giả mạo mà có thể bạn chưa biết.
Đầu tiên là "Unfollow": Nếu một người dùng nào đó hay đăng những tin giả mạo, bạn nên dùng tính năng này để ngừng theo dõi họ.
Thậm chí nếu sự việc nghiêm trọng hơn và thấy cần thiết phải chặn đứng hành động của họ, bạn nên nhờ đến tính năng "Report post" để báo lên với nhóm quản lý Facebook nhằm có những động thái xem xét và xử lý tốt hơn.
Chỉ với những bước này, bạn đã góp phần giúp cho Facebook ngày càng có thêm nguồn tin "sạch" và không còn lo ngại chuyện tin tức giả mạo tràn lan trên internet nữa.
(Tham khảo: TheNextWeb)