Mới đây, Cục cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) đã bắt được một nghi phạm tại quận 1 (TP HCM), khi người này mang theo 282 tờ tiền giả loại mệnh giá 100 USD. Đây là những đồng 100 USD cũ (được tin từ năm 1996 đến trước năm 2013), dễ làm giả hơn đồng tiền mới của Mỹ nhưng lại có giá trị tương đương với các tờ tiền mới in năm 2013.
Đến nay, sau hơn 150 năm tồn tại qua các phiên bản, 100 USD vẫn là đồng tiền có mệnh giá cao nhất của nước Mỹ. Thiết kế năm 1996 được xem là bước thay đổi ngoạn mục so với những phiên bản trước đó nhằm chống lại nạn tiền giả, nhờ có những đặc điểm bảo an tốt hơn hẳn.
Mặc dù mỗi năm, nước Mỹ phải bỏ ra chi phí hàng triệu USD để in tiền, nhằm thay thế những đồng bạc kém chất lượng hoặc đáp ứng nhu cầu tăng thêm của người dân, nhưng một phần nhỏ trong số những đồng bạc xanh đang lưu thông là tiền giả.
Năm 2006, những đồng tiền 100 USD có series CB phát hành vào năm 1996 đã từng bị từ chối nhận, sau vụ việc nhiều tờ tiền loại này xuất hiện phiên bản siêu giả. Đến năm 2011, Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cũng từng thông báo phát hiện những tờ đôla mệnh giá 100 USD giả với chất lượng cao, rất gần với loại tiền thật.
Đến nay, sau hơn 150 năm tồn tại qua các phiên bản, tờ 100 USD vẫn là đồng tiền có mệnh giá cao nhất của nước Mỹ. Ảnh: FED. |
Nhằm giúp người dân có thể nhận biết được tiền thật giả trong lưu thông, chính phủ Mỹ, mà cụ thể Kho bạc Mỹ, đã công khai hình ảnh và các dấu hiệu bảo an trên tờ tiền 100 USD phát hành năm 1996.
Các dấu hiệu bảo an có thể kiểm tra bằng mắt thường hay đèn cực tím bao gồm:
1. Mực đổi màu: Màu sắc của con số mệnh giá 100 ở góc dưới bên phải mặt trước tờ tiền thay đổi từ màu xanh thẫm oliu sang màu đen, xanh/đen khi chao nghiêng tờ bạc.
Trong khi đó, ở những tờ tiền giả, màu sắc sẽ chuyền từ xanh biển thẫm/đen sang màu xanh lá cây tươi.
2. Ký hiệu bóng chìm: Khi quan sát ngược nguồn sáng, hình ảnh chân dung Tổng thống Benjamin Franklin sẽ hiện lên trên không gian trống của tờ tiền, và có thể thấy từ cả mặt trước lẫn mặt sau.
Tuy nhiên, đồng tiền giả được phát hiện năm 2011 cũng có dấu hiệu này, dù hình ảnh ít sắc nét hơn hẳn so với phiên bản thật.
3. Dây an ninh: Khi quan sát ngược sáng, sợi dây an ninh sẽ chạy dọc bên trái hình ảnh lớn của Tổng thống Benjamin Franklin, in dòng chữ siêu nhỏ 100 USD lặp đi lặp lại nhiều lần trên mặt dây. Khi quan sát dưới tia cực tím, sợi dây sẽ phát ánh sáng màu đỏ hơi hồng, trái ngược với màu xanh trắng của tiền giả.
4. Chữ in nổi: Ở đồng 100 USD thật, miết ngón tay trên bề mặt chữ của đồng tiền sẽ có cảm giác in nổi, khắc lõm, rám tay, đặc biệt trong những phiên bản của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Trong khi đó, những tờ tiền giả vốn được in bằng phương pháp khác nên thường có độ trơn nhẵn, hoặc in theo phương pháp thủ công khiến tờ bạc nhìn trên kính lúp có vết rạn, nổi chấm nhỏ li ti.
5. Các dấu hiệu bảo an khác: Với tiền thật, khi nhìn qua kính lúp, sẽ thấy dòng chữ THE UNITED STATES OF AMERICA phía trong ve áo khoác của hình ảnh Tổng thống Benjamin Franklin. Ngoài ra, tờ tiền thật có góc viền của chữ S (trong từ Dollars) sắc nét hơn nhiều so với tiền giả.
Dưới ánh sáng của đèn cực tím, tờ tiền thật phản chiếu hồng, nổi bật dây an ninh nàu đỏ; trong khi tờ tiền giả phản ứng mạnh với ánh sáng UV, cho màu trắng nhạt và hầu như không xuất hiện dây an ninh.