(GD&TĐ) - Dân chơi Sài Gòn hiện nay đang đổ xô về quê hương dãy Thiên Cẩm Sơn – An Giang để uống máu, nuốt mật loài mãng xà được mệnh danh là “tổ sư của các loài rắn độc”. Bất chấp nọc độc chết người của con mãng xà, vì được trả giá cao nên cánh sơn tràng liều lĩnh đánh bạc với sơn thần…thần…
Hung thần ở thung lũng chết
Đang lúc tầm nã rắn hổ mây trên đỉnh núi Trà Sư, huyện Tịnh Biên, một thợ săn tên Tám Thanh ra vẻ bí mật: “Vùng này không có rắn hổ đất hay các loài rắn hổ khác. Chỉ có hổ mây thống lĩnh ‘quần hùng’ thôi. Do có nọc độc kinh người nên loài bò sát máu lạnh này mới được dân địa phương ám chỉ là ‘hung thần’ ở thung lũng chết!’. Theo tâm tình của Tám Thanh, rắn hổ mây độc ở chỗ vùng núi do nó cai quản, đố có con mãng xà nào xuất hiện hay tồn tại dài lâu. Tám Thanh tặc lưỡi: “Khi đói, hổ mây còn ăn thịt cả đồng loại của nó nữa đấy! Ngay cả rắn hổ đất là loài cực độc cũng còn bị lãnh chúa nuốt gọn nữa là. Loài này kinh khủng lắm!”.
Cụm núi Phú Cường thuộc xã An Cư trải dài trên địa bàn huyện Tịnh Biên có 13 ngọn núi, gồm núi Tà Nung, núi Bà Vải, núi Ró, núi Két, núi Cậu… Theo ông Bảy Hoảnh – cư dân cố cựu ở đây, vùng này còn có biệt danh là “Thung lũng chết” vì 33 năm trước (1978), bọn diệt chủng Pôn Pốt đã tràn qua đây tàn sát dân lành và phá hoại nhiều làng mạc. Cũng theo ông Bảy Hoảnh thì động cơ chính để các quý ông râm ran đòi đổ về “thung lũng chết” để “tử chiến” với hung thần hổ mây là bởi “ngoài chim, chuột, món khoái khẩu nhất của rắn hổ mây là nhồng đất. Đó là giống thằn lằn núi lớn bằng ngón chân cái, cỡ con kì nhông. Nó có da xam xám, làm tổ trổ hang xuống nền cát núi. Nhồng đất ăn các loại trái rừng, côn trùng như bọ cạp, bửa củi, mối chúa…nên toàn thân nó là kho dược liệu khổng lồ. Bình sinh, rắn và nhất là rắn hổ mây ở vùng này bổ thượng hạng rồi. Nay nó quất thêm thằng nhồng này, bổ càng thêm bổ!”.
Qua lời ông Bảy, mới thấy cơn lốc “tráng dương bổ thận” mới thật là kinh khủng. Kẻ yếu muốn mạnh, người mạnh muốn mạnh hơn, chỉ phục vụ cho cái khoản ấy thôi mà người ta hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đẩy đưa vô số loài động vật hoang dã vào vòng điêu đứng. Rắn hổ mây ở Sóc Rè lần này không phải là trường hợp ngoại lệ.
Phơi thây trên bàn nhậu
Đến Sóc Rè hỏi chuyện về “hung thần hổ mây”, chúng tôi được ông Chín thốt nốt (thứ chin, nấu đường thốt nốt nên được gọi tên như vậy) – người dân sống lâu năm trong vùng, đồng thời cũng là thợ săn rắn nay đã giải nghệ lí giải cặn kẽ: “Có người nói do nó có thân hình như cây mây nên mới chết tên hổ mây. Nói vậy là trật lất, bởi đất đồng bằng làm gì có dây mây mà lấy đặt tên. Gọi là hổ mây vì thằng này có cú lướt vù vù trên những cành cây ngọn cỏ. Nói chung thân pháp của nó cực kì lanh lẹ như Tề Thiên đi mây về gió”.
Ông Chín lại tiếp tục cao giọng khi hướng mắt về phía rừng: “To như trăn, lanh như gió nên hổ mây còn được gọi là rắn gió. Thằng này còn có cú quăng mình lao vun vút ớn lắm. Ở khoảng cách xa 3 - 4m, nếu cảm giác bị nguy hiểm, nó sẽ phóng mình lao tới cắm răng vào đối phương. Dân ‘Xì – Gòn’ kết nó cũng vì tuyệt chiêu này!”. Ông Sáu Te ở cạnh đó ghé lại chơi cũng “nhiều chuyện”: Cái thằng hổ mây ấy thịt nó dai, ngọt, thơm ác chiến lắm. Nếu đem hầm sả với nước dừa tươi, ướp lá cách nướng lửa hồng rồi nhắm với rượu đào lên men thì bá cháy đó nghen!”.
Sáu Sẹo, một chủ quán nhậu đặc sản xác nhận, không ít chủ doanh nghiệp, đại gia, nhất là mấy cha ở thành phố đã không quản ngại đường xa, vung tiền xả láng để được uống máu, nuốt mật, nhai thịt, gặm xương hổ mây. Ông chủ quán cười hề hà pha trò: “Loài rắn này sống ở nơi thâm sơn cùng cốc, uống khí trời, hấp thụ linh khí của trời đất nên uống tiết, nuốt mật, nhai thịt của nó sẽ tích nạp được phong ba bão tố vào người. Bởi vậy bá tánh mới kết nó đó chứ!”.
Theo hướng dẫn của Sáu Sẹo, chúng tôi tới một quán nhậu lụp xụp ở gần đấy với hi vọng được diện kiến “đại ca” núi Phú Cường. Có lẽ do thấy được thiện chí của khách đường xa nên “thần rắn” phá lệ cho chúng tôi toại nguyện. Bởi thế, vừa bước vào đã thấy gã đầu bếp giơ tay lia con dao vào bụng con hổ mây cuối cùng, nặng chưa đầy nửa kí. Cái mật con rắn cỡ bằng ngón tay út được trao cho một trong ba người đàn ông có tuổi, dáng vóc phương phi, lực lưỡng. Nuốt ực xong phần quý giá nhất của con mãng xà, ông này phấn khích: “Mới quất vô mà tay chân muốn động thủ rồi. Làm xong chầu này mình đi tăng hai nghen!”.
Trong khi các ông hân hoan cụng li rượu pha tiết rắn thì dưới nhà bếp, mùi thịt rắn xào nấu bốc mùi thơm điếc cả mũi. Nghe đâu để có bữa nhậu mãng xà hoành tráng kia, chỉ riêng con rắn bé xíu ấy, mấy ông khách đã phải chi gần 2 triệu đồng, đắt gấp đôi giá rắn hổ đất tại những quán chuyên bán thịt rừng ở thành phố. Một ông tặc lưỡi nói: “Sức khỏe là trên hết, tiền muôn bạc vạn làm gì, khi không đáp ứng được nhu cầu của bà xã!”.
Tàn lụi do bị lạm sát
Không chỉ “thịt” những con rắn hổ mây bé tẻo teo, những thợ săn như Sáu còn tác nghiệp bất kể mùa vụ. Bây giờ là mùa khô, rắn không còn nhiều nữa, muốn bắt phải lên tít đỉnh núi, len lỏi qua những tán rừng um tùm đầy hiểm nguy. Với cái giá thu vào gần triệu đồng một kí, vì hấp lực này mà khi chạm mặt với con độc xà này rồi, cánh thợ săn sẽ tìm đủ mọi cách tóm cho bằng được. Sau khi triết lý “Bạc triệu phải có giá của bạc triệu chứ! Sống chết có số cả rồi!” – một thợ săn tên Tình thở than: “Nhiều người bắt quá nên giờ rắn hổ mây hiếm lắm. Cả tuần nay tui chưa dứt được con nào. Oải quá nên đành chuyển sang săn bọ cạp, mối chúa sống qua ngày vậy!”.
Kẻ săn, người bán, ai nấy đều hân hoan khi hay hung thần hổ mây lên đời, nhờ đó mà họ kiếm được khoản thu không nhỏ. Vấn đề ở chỗ rắn hổ mây là sát thủ của lũ chuột chuyên phá hoại mùa màng của nhà nông. Trước cảnh khắc tinh bị truy sát và phơi mình thê thảm trong quán nhậu, mấy chú chuột ắt hẳn sẽ “vỗ tay” reo mừng!
Theo ông Lương Văn Luyến – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang thì: Hổ mây chính là rắn hổ chúa thuộc “thành viên” của Sách đỏ Việt Nam. Do nhiều nguyên nhân, An Giang hiện không còn nhiều loài này. Rắn được mua bán trái phép chủ yếu là rắn được tập kết từ biên giới Campuchia. Trước đây, Chi cục đã bắt quả tang một số vụ mua bán. Trong quá trình xử lí tang vật gặp nhiều khó khăn, bởi đây là loài cực độc, nếu thả ra môi trường tự nhiên, chúng sẽ cắn chết người. Do đó phải chọn giải pháp chuyển giao cho Trại rắn Đồng Tâm (Quân khu 9) nuôi dưỡng. |
Phúc Trinh – Hải Âu