Cha mẹ stress bởi thường hay quên việc học là nhiệm vụ của trẻ và cha mẹ quá khát khao thành tích. Khi tôi hỏi các phụ huynh tham gia buổi tư vấn dạy con học bài: "Trong số các vị ngồi đây, ai không hỏi con điểm khi con đi học về?" thì 100% im lặng và mỉm cười.
100% phụ huynh hỏi con về điểm. Thực chất, điểm là một trong các cách đánh giá quá trình tiếp thu bài học của học sinh. Điểm không đại diện cho sự thông minh hay ngu dốt. Điểm không thể hiện sự thành đạt trong tương lai cũng như sự trưởng thành của từng cá thể.
Học tiểu học, con cần biết cách nhận và thực hiện các nhiệm vụ của mình. Các con cần học cách sống trong tập thể, cách làm việc nhóm, cách phát triển tốt trong môi trường của bé nói riêng và môi trường sống của con người nói chung...
Ngoài những nhiệm vụ nặng nhọc trên, trẻ cần biết cách làm tính (ở bậc tiểu học là rất đơn giản), viết đúng chính tả, biết cách sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để mô tả một sự vật hiện tượng. Như vậy, việc được điểm 10 trong tiểu học không đại diện cho một đứa trẻ "thần đồng" mà chỉ nói lên bé đã hoàn tất một nhiệm vụ trong lớp do cô giáo giao.
Vậy, làm cha mẹ cần giúp gì cho con?
Cha mẹ không nên giảng bài và làm bài hộ con. Thay vào đó, hãy giúp con học cách nhận và hoàn thành trách nhiệm. Phương pháp là quán triệt tư tưởng "Việc học là của con", nhưng không có nghĩa là bố mẹ bỏ lơ, không ngó ngàng gì đến việc học của con.
Việc đầu tiên bố mẹ nên làm là điều tiết sự học và thời gian học của con cho hợp lý. Theo quy định của Bộ Giáo dục, các bé tiểu học nếu đã học hai buổi ở trường thì không phải làm bài tập về nhà. Vì thế, bố mẹ nên đàm phán với cô để bớt số lượng bài tập đi (không có càng mừng) bởi não trẻ cần phải làm mới lại sau khi bị nhồi nhét quá sức ở trường.
Việc học của con ở trường là quá đủ, thời gian nghỉ ngơi quan trọng không kém. Việc tạo thời gian nghỉ ngơi cho con chính là để con bớt bị áp lực, đỡ ghét việc học, dễ dàng hứng thú hơn khi sáng hôm sau tới trường.
Khi con có bài tập cuối tuần, cha mẹ nên phân chia số lượng bài tập (nhiều) đó ra thành nhiều phần. Sau đó, cha mẹ nên hướng dẫn con làm từng phần vào từng khoảng thời gian khác nhau.
Ví dụ: Sáng thứ bảy - làm nửa phần toán được giao.
Chiều thứ bảy - làm nửa phần tiếng Việt được giao.
Sáng chủ nhật - làm nốt số toán còn lại.
Chiều chủ nhật - làm nốt số tiếng Việt còn lại.
Với lượng vừa sức, con không thấy mệt. Lại thấy thời gian học khá nhanh, hợp lý, con sẽ hào hứng học hơn là ngồi làm hết cả hai phiếu xong rồi thở dốc. Bố mẹ cần không chế thời gian học của con, đừng để con ngồi bệt ở bàn và mặt nghệt ra. Cho số thời gian quy định, con không học xong thì ngưng luôn để còn có cớ mách cô.
Khi con lên giai đoạn 2 (lớp 4, 5), bố mẹ nên điều chỉnh lại: Yêu cầu con hoàn tất sớm số bài tập trước khi đi chơi. Các con đã lớn rồi nên có thể yêu cầu điều đó. Các con phải học cách làm việc tập trung và dồn dập hơn để chuẩn bị chuyển cấp.
Việc chuẩn bị sách bút cho con lớp 1, bố mẹ nên hướng dẫn độ một, hai tuần, sau đó để tự con lo. Có hình thức phạt nhẹ nhàng nếu con không hoàn tất công việc.
Việc học hành cũng vậy, thay vì hỏi con về điểm, các bố mẹ hãy làm quen với câu hỏi: "Hôm nay ở lớp có gì vui không con?". Rồi bố mẹ khoe những gì học được ở trường hồi bố mẹ bằng con (phụ huynh nên đọc trước sách của con để biết và nói cho khớp). Khi được nghe vậy, trẻ sẽ thấy sự đồng cảm và hớn hở khoe ngay với bố mẹ rằng mình cũng học được điều đó hôm nay, vui lắm, thích lắm.
Tạo cho con thói quen kể với cha mẹ về tình hình ở lớp không những giúp phụ huynh nắm được thông tin dễ dàng, để có thể nghĩ ra cách điều chỉnh hợp lý mà còn tạo cho gia đình một bầu không khí thân thiện và sẻ chia.
Điều quan trọng các phụ huynh cần biết ở con sau khi tan trường là con đã học được điều gì hôm nay. Hãy tập thói quen đó để dễ dàng làm bạn cùng con và giúp con hiểu những gì con học được là điều quan trọng nhất.
Nếu con không hoàn tất bài tập, cha mẹ đừng mắng mỏ. Hãy chuyển trách nhiệm mắng vốn đó đến cô giáo (cô sẽ hoàn thành cực kỳ nghiêm túc). Sau đó, cha mẹ hãy phạt thêm con (lý do tại cô bảo phải phạt).
Hình thức phạt là tước đi một số quyền lợi mà con vô cùng yêu thích hoặc bắt làm cái mà con vô cùng căm ghét. Nghiêm túc thực hiện việc này, các bố mẹ sẽ thấy con tự giác học bài lắm.
Còn nếu con làm sai, hay chưa hiểu, bố mẹ tuyệt đối không can thiệp, chỉ cần nói cho cô và mách tội thôi. Việc giảng lại để con nắm được bài tốt hơn là việc các cô, không phải là việc của bố mẹ. Hãy để ai làm việc của người nấy.
Nếu con có chút không ổn mà cô giáo không xử lý được (do lớp đông quá), cha mẹ có thể thuê gia sư cho con trong thời gian ngắn để củng cố kiến thức. Gia sư thì nên chọn các cô học sư phạm (tiểu học). Các cô ấy hiểu biết về tâm lý trẻ và chương trình nên cha mẹ không sợ con học hai đằng hai kiểu. Tuy nhiên, đây là việc cực kỳ bất đắc dĩ.
Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói rằng: "Cha mẹ ơi, hãy tin tưởng vào con trẻ, đừng mất lòng tin vào con nhiều như chúng ta vẫn đang làm".