Làm sao để học sinh có được kỹ năng và kiến thức mới?

Làm sao để học sinh có được kỹ năng và kiến thức mới?

Chú trọng rèn kỹ năng cho học sinh

Cô Phương cho biết: Lứa học sinh cô chủ nhiệm đã ra trường có rất nhiều thành công, rất nhiều hoạt động phía sau của các em triển khai. Có những em muốn mai sau làm dự án và có thể làm tình nguyện viên cho các chương trình môi trường quốc tế.

Đó là chia sẻ của cô Vũ Bích Phương – giáo viên Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội). Hiện tại cô là giáo viên dạy môn Sinh học khối 7, 9 và giáo viên chủ nhiệm là lớp 7A6.

Để hỗ trợ ôn tập và nắm bắt từng học sinh trong thời gian nghỉ ở nhà, cô đã triển khai phiếu bài tập online qua một số công cụ trực tuyến, giúp học sinh nắm bắt kiến thức tốt hơn và hiểu bài hơn.

Ngoài ra, cô luôn chú ý gây hứng thú trong từng bài giảng và gắn liền với thực tế. Đồng thời cô chú trọng rèn kỹ năng cho học sinh. Cô thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh.

Cô Phương luôn quan tâm đến mọi hoạt động của học sinh trong lớp. “Ngay như việc mọi người thường hô hào làm việc nhóm, nhưng thế nào là làm việc nhóm thì lại rất ít người hướng dẫn, đâu phải cứ vài em chụm đầu vào bàn bạc là xong. Bản thân tôi được tham dự nhiều khóa đào tạo, và với kinh nghiệm đã học được tôi thấy, học sinh không hề biết cách làm việc nhóm” – cô Phương chia sẻ, đồng thời dẫn giải:

Trong nhóm 2 người thì phải có 1 người ưu tiên làm trước và 1 người làm sau. Trong nhóm 4 người, rồi nhóm 8 - 9 người thì phải làm thế nào? Nên chọn một người làm nhóm trưởng, nhóm trưởng phải biết cách phân công nhiệm vụ, chia ra từng vấn đề để cho các bạn cùng tiến hành làm rồi sau đó tập hợp lại đưa ra ý kiến.

Nếu cứ cho học sinh nói quan điểm, cho học sinh cái nhìn đa chiều, được giao việc… rồi thảo luận, nhưng nếu không làm cho các em hiểu như thế nào là thảo luận thì các em sẽ đi chệch hướng và không thu được kiến thức mới.

Làm sao để học sinh có được kỹ năng và kiến thức mới? ảnh 1
Cô Vũ Bích Phương. Ảnh: NVCC

Dự án tâm huyết

Đặc biệt, cô Phương đã cùng đồng nghiệp, nghiên cứu và biên soạn công trình “Dự án ứng phó biến đổi khí hậu - mô hình dạy - học định hướng phát triển bền vững”. Dự án đã được Bộ GD&ĐT chọn là một trong 3 dự án để báo cáo và chia sẻ tại Diễn đàn Giáo dục toàn cầu tại châu Âu.

Chia sẻ về dự án này, cô Phương cho biết: Có hai nguyên nhân chính giúp cô có những ý tưởng về việc triển khai dự án trên.

Thứ nhất, bản thân cô là giáo viên dạy Sinh học. Trước đây, cô chỉ coi việc dạy học là để truyền thụ kiến thức, nhưng năm 2015 cũng là dấu mốc thay đổi suy nghĩ của cô.

Cô được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 6I. Vì một tuần có 4 tiết cho hoạt động chủ nhiệm nên cô có quá ít thời gian để phát triển kỹ năng cho học sinh cũng như khả năng tự học của các em.

Vì vậy mỗi tiết học cô cần thay đổi. Cô không hướng học sinh học thuộc bài theo lối mòn mà thường giao “nhiệm vụ” cho các em để phát huy tính sáng tạo trong từng tiết học.

Ví dụ khi học bài về động vật giáp xác, học sinh được tìm hiểu về sự sinh trưởng, phát triển, môi trường sống từ những con vật, mà các em được nhìn thấy, từ đó chụp ảnh, miêu tả và nêu cảm nghĩ của bản thân.

Nhiều cách nhìn nhận về những hiện tượng thực tế rất thú vị từ các em học sinh khiến cô bất ngờ, đồng thời lại trăn trở làm sao những câu hỏi hay, kiến thức, tài liệu hấp dẫn dành cho học học sinh không chỉ “cư trú” ở một trường mà hơn hết được lan tỏa đến nhiều học sinh, giáo viên khác.

Từng là một trong những thành viên trong nhóm đạt giải thưởng sáng kiến xuất sắc trong giảng dạy tại Diễn đàn giáo toàn cầu Microsoft, cô Phương đã được gặp gỡ và giao lưu với các nhà giáo ưu tú khắp thế giới, ở đó cô được chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi sáng kiến mới để nâng cao nghiệp vụ.

Qua những lần trải nghiệm thực tế ở trên lớp và ở nước ngoài, cô luôn mong muốn có một nơi để truyền đạt tri thức, giao lưu, trao đổi giữa giáo viên các cấp học với nhau.

Thứ hai: Năm 2015, chứng kiến một trong những ngày nắng nóng kỷ lục của miền Bắc. Mùa hè đó, cô dẫn học sinh đi tập múa tại Chùa Hà. 

Lúc đó trong lòng cô đã luôn nung nấu có thể triển khai một hoạt động thiết thực nào đó cho học sinh, để góp một phần nhỏ giúp ứng phó với biến đổi khí hậu. 

“Vậy là dự án ứng phó biến đổi khí hậu - mô hình dạy - học định hướng phát triển bền vững được ra đời từ hai nguyên nhân trên“ – cô Phương chia sẻ.

Cô Phương cho biết: Đây là dự án mà cô tâm huyết. Từ dự án này, cô có thể triển khai nhiều kiến thức song song với môn Sinh học, đồng thời có thể hoàn thiện kỹ năng cho học sinh.

“Càng đi sâu tìm hiểu, tôi càng có nhiều ý tưởng cũng như mong ước cho học sinh của mình có thể đột phá về khoa học kỹ thuật, giúp tìm ra vật liệu mới thay thế nhựa, những máy lọc khí, và quy trình phân loại rác tại Việt Nam.

Tôi mong muốn có thể tạo ra một thế hệ trẻ quan tâm đến những vấn đề về môi trường, có nhận thức nghiêm túc về những gì đang diễn ra đối với Trái đất, từ đó thay đổi thói quen và có hành động thiết thực” – cô Phương trải lòng.

Theo cô Phương, dự án của cô có điều khác biệt so với những dự án ứng phó biến đổi khí hậu trước đây. Đó là đối tượng thụ hưởng và triển khai là học sinh.

Thường thì mục tiêu đối với học sinh chỉ là kiến thức và thay đổi ý thức. Nhưng mục tiêu của dự án là từ việc trải nghiệm có mục đích, các em sẽ hình thành ý thức; từ đó có hành động thiết thực và tự các em có thể lan tỏa đến cộng đồng.

“Trong trường tôi, rất nhiều lớp đã có hoạt động thùng đựng giấy để làm kế hoạch nhỏ cho cả năm học, chứ không phải phát động mới làm. Học sinh có ý thức tiết kiệm điện, nước. Điều tôi thấy tự hào nhất, chính là sự phát triển của học sinh.

Khi cho các em làm, tôi tưởng là rất khó, nhưng thật sự các em rất hào hứng với các hoạt động của dự án. Tôi còn liên hệ với những giáo viên có sự quan tâm lớn đến môi trường và biến đổi khí hậu, những nhà giáo tâm huyết trên khắp Việt Nam để được chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau” – cô Phương cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.