Làm sao để cơ thể không nặng “mùi bà đẻ” sau khi sinh?

Mùi mồ hôi kết hợp mùi sữa, sản dịch... có thể chính là nguyên nhân khiến người mẹ càng mệt mỏi và xuất hiện mùi đặc trưng mà chúng ta hay gọi là "mùi bà đẻ".

Làm sao để cơ thể không nặng “mùi bà đẻ” sau khi sinh?
Chào bác sĩ, em mới sinh em bé được 5 tuần. Ngoài sự thay đổi về vóc dáng thì em nhận thấy rằng cơ thể mình luôn có mùi hôi hôi chứ không phải thơm mùi sữa mẹ như nhiều người vẫn nói. Mặc dù em vẫn chăm chỉ vệ sinh hàng ngày nhưng có vẻ không hết mùi. Bác sĩ cho em hỏi, tại sao em lại như vậy, có phải vì em cứ quanh quẩn cả ngày trông con nên bị như vậy không? Em thực sự rất ngại nếu mọi người nhận ra là em không được thơm tho sau khi sinh. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (B. Trâm)
Trả lời:
Bạn B. Trâm thân mến!
Trước hết, xin cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi chia sẻ đến với chúng tôi. Thắc mắc của bạn cũng là điều mà không ít chị em sau sinh gặp phải nhưng không dám nói ra vì ngần ngại. Hầu hết các mẹ nghĩ rằng đó là do mình không vệ sinh thường xuyên, mùi tã bỉm của con dính vào người nên mới thành ra như vậy. Thực tế, đây cũng là điều hoàn toàn bình thường và bất kì mẹ nào cũng có thể gặp sau khi sinh .
mùi bà đẻ sau khi sinh
Mùi mồ hôi kết hợp mùi sữa, sản dịch... có thể chính là nguyên nhân xuất hiện "mùi bà đẻ". Ảnh minh họa
Sau khi sinh, cơ thể người phụ nữ mệt mỏi, thậm chí suy nhược nếu không được nghỉ ngơi đầy đủ và hợp lý. Sau khi "vượt cạn", các tuyến mồ hôi, tuyến sữa trong cơ thể người mẹ cũng hoạt động mạnh hơn. Tuyến sữa hoạt động liên tục để cung cấp sữa cho em bé nên nó cũng khiến cơ thể người mẹ luôn trong tình trạng lưu thông "khẩn trương" hơn bình thường. Bên cạnh đó, lượng sản dịch cũng ra hàng ngày, thời gian có sản dịch có thể kéo dài 1-2 tháng, tùy cơ địa mỗi người.
Tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, kết hợp với việc chăm con cả ngày có thể khiến cho cơ thể người mẹ ra nhiều mồ hôi, đặc biệt là ở nách, chân, tay, bẹn... Mùi mồ hôi kết hợp mùi sữa, sản dịch... có thể chính là nguyên nhân khiến người mẹ càng mệt mỏi và xuất hiện mùi đặc trưng. Nhiều người vẫn gọi mùi này với cái tên là " mùi bà đẻ ". Với những mẹ kiêng cữ quá kĩ càng, ít vệ sinh (vì tránh tiếp xúc với nước) hoặc không dám tắm rửa, vệ sinh cho con hàng ngày... thì sẽ thấy mùi này càng rõ hơn.
Vì vậy, để tránh có "mùi bà đẻ" quá nặng nề, ngoài việc ăn uống, bồi dưỡng cơ thể đầy đủ, bạn cũng cần lưu ý việc vệ sinh cơ thể đúng cách. Thay vì lo lắng và ngại ngùng, bạn hãy thực hiện những việc sau đây để cải thiện tình hình nhé:
- Vệ sinh cơ thể hàng ngày, với "vùng kín" thì nên vệ sinh 2 lần/ngày.
- Nếu cơ thể ra nhiều mồ hôi, có thể dùng khăn mặt sạch để lau khô.
- Nếu bạn dùng băng vệ sinh thì cần thay thường xuyên, tránh để quá lâu.
- Mặc quần áo thấm hút mồ hôi tốt, đặc biệt là quần chip.
- Thay giặt quần áo của cả mẹ và con hàng ngày. Nếu chăn gối bẩn hoặc có mùi cũng nên thay giặt ngay.
- Giữ cho không khí trong phòng thoáng đãng.
Chúc mẹ con bạn vui khỏe!
Theo afamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ