Tất cả những điều này nghe có vẻ là công thức hoàn hảo cho một chuyến đi thú vị và đầy mạo hiểm. Trong thực tế, đó chỉ là một mô tả ngắn gọn về cuộc sống dưới tàu ngầm.
Một tàu ngầm, như bạn đã biết, là một con tàu đặc biệt được thiết kế để hoạt động độc lập - tức là không cần đến sự hỗ trợ nào từ bên ngoài - dưới nước cho đến khi nổi lên. Điều đáng chú ý nhất khi nói đến tàu ngầm là khả năng ‘thường trú" ngày qua ngày ở dưới mặt nước. Như vậy, làm thế nào có đủ nước uống cho các thành viên phi hành đoàn? Quan trọng hơn nữa, làm thế nào họ có đủ oxy để thở, những nhu cầu quan trọng bậc nhất để bảo toàn sự sống con người?
Câu trả lời ngắn gọn: oxy được cung cấp trên tàu ngầm qua bể điều áp hoặc một máy tạo oxy, trong khi đó nước uống thu được bằng cách khử mặn nước biển. VnReview mời bạn đọc theo dõi những lý giải của ScienceABC ngay sau đây.
Những hệ thống hỗ trợ sự sống trên tàu ngầm
Tàu ngầm đã trở thành một phần không thể thiếu cho lực lượng hải quân các quốc gia trên toàn thế giới bởi tính hữu dụng và đa dạng của chúng. Một trong những lĩnh vực ứng dụng hiệu quả nhất của tàu ngầm là giám sát và bảo vệ biên giới hàng hải quốc gia. Tàu ngầm có người lái được triển khai dọc biên giới ven biển để trinh sát và canh phòng bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào trong các vùng nước.
Thông thường, một tàu ngầm có thể chở được khoảng 50-100 người. Vì vậy, những gì cần là một hệ thống có thể chăm sóc nhu cầu nước, duy trì nhiệt độ thoải mái trên tàu, và quan trọng nhất, cung cấp không khí trong lành và không bị gián đoạn cho họ.
Cách thức phi hành đoàn trên tàu ngầm lấy nước uống
Nó hoàn toàn không giống như cách chúng ta truy cập vào nguồn nước của thành phố, vì vậy họ phải tìm ra cách để có thể tiếp cận với nguồn nước ngọt. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào họ có thể tìm được nước ngọt ở giữa một đại dương mênh mông toàn nước mặn?
Vâng, rất đơn giản, tất cả những gì họ cần làm là bằng cách nào đó loại bỏ muối ra khỏi nước mà thôi.
Và đó chính xác là những gì họ làm. Tàu ngầm có một hệ thống chưng cất, ban đầu thu thập một khối lượng nhất định nước biển và làm nóng cho đến khi trở thành hơi nước. Quy trình này sẽ khử muối khỏi nước biển. Sau đó, hơi nước được làm mát và ngưng tụ thành nước ngọt. Nước ngọt sẽ có đủ cho các nhu cầu uống, vệ sinh cá nhân và nấu ăn của phi hành đoàn.
Bạn có thể đoán được bao nhiêu nước được tạo ra mỗi ngày từ chu trình này không? Một con số khổng lồ đấy, từ khoảng 38000 lít đến 150000 lít.
Còn lấy oxy thì sao?
Oxy trên tàu ngầm được lấy từ bể nén, máy tạo oxy, hoặc dưới dạng "hộp oxy" hoạt động bằng điện phân. Oxy hoặc định kỳ được phân phát trong suốt cả ngày vào các khoảng thời gian cụ thể hoặc bất cứ khi nào hệ thống máy tính phát hiện hiện tượng giảm nồng độ oxy.
Cần phải tiêu diệt cacbonic nữa
Hệ thống lọc bỏ cacbonic. Ảnh: ScienceABC - Việt hóa: VnReview
Hãy nhớ rằng thở là một quá trình hai chiều - bạn hít oxy vào và thở ra cacbonic. Trong không gian mở, chúng ta không cần phải lo lắng về cacbonic thở ra, nhưng trong một khối kim loại kín dưới nước, khí cacbonic thở ra có thể trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự sống còn nếu không được loại bỏ định kỳ. Vì vậy, ngoài việc cung cấp oxy, quá trình này cũng quan trọng không kém.
Điều này được thực hiện với sự giúp đỡ của vôi tôi xút trong các thiết bị gọi là ‘máy lọc". Vôi tôi xút là hỗn hợp hai chất bazơ gồm natri hidroxit và canxi hidroxit được sử dụng để loại bỏ cacbonic từ không khí để ngăn ngừa ngộ độc. Nó thường được sử dụng trong môi trường kín hơi như máy thở, buồng khí nén và tàu ngầm. Chất này hấp thụ cacbonic thải ra bởi các thành viên phi hành đoàn và loại bỏ khỏi không khí thông qua các phản ứng hóa học.
Loại bỏ độ ẩm dư thừa cũng quan trọng không kém
Độ ẩm dư thừa rất có hại cho bên trong tàu ngầm, vì có thể ngưng tụ trên các bức tường và thiết bị. Để giải quyết điều này, tàu ngầm sẽ có máy hút ẩm ngăn chặn sự tích tụ độ ẩm – là kết quả của hơi thở và mồ hôi.
Tóm lại, sự an toàn và thoải mái của hành khách trên một chiếc tàu ngầm đều được đảm bảo nhờ vào hệ thống máy móc tinh vi trên tàu.