(GD&TĐ) - Ngày 6/3 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của nhà báo và văn nghệ sĩ trẻ góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi nên giữ lại quy định hiện hành tại Điều 36 và Điều 66 của Hiến pháp 1992, hoặc quy định một Điều mới về thanh niên, về vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong Hiến pháp sửa đổi, ở chương I, Chế độ chính trị; đề nghị bổ sung mục 2 của điều 40 của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp để đảm bảo quyền trẻ em đã được nêu trong Công ước Quốc tế của Liên Hiệp quốc với 4 nhóm quyền.
Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung xây dựng, bổ sung hoàn thiện các điều khoản về quyền công dân, quyền kết hôn và ly hôn, quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa…
Trước hết tôi đồng tình cao về bố cục các Chương, Điều của Dự thảo. Hiến pháp sửa đổi được sắp xếp khoa học, hợp lý, nội dung các Điều ngắn gọn dễ hiểu, mang tính thừa kế Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Nhà nước ta.
Đặc biệt Dự thảo đưa quy định quyền con người vào chương thứ hai, chỉ sau chương thứ nhất chế định về chế độ chính trị mà nếu so với Hiến pháp 1992, chế định này được đặt ở Chương V. Vị trí thứ tự của chế định này trong Hiến pháp thể hiện nhận thức của Nhà nước về tầm quan trọng của vấn đề quyền con người, quyền công dân cũng như tầm quan trọng của việc hiến định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể hiện sự tôn trọng quyền con người của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhưng quan trọng hơn, cách thức chế định này thể hiện bản chất của Hiến pháp là đã khắc phục được sự nhầm lẫn quyền con người cũng như quyền công dân và cách tiếp cận quyền đã thấm khá sâu vào nội dung, hình thức diễn đạt trong toàn bộ Hiến pháp, mà biểu hiện là đã chuyển được cách thức thiết lập quyền từ chỗ quy định dưới dạng Nhà nước “quyết định” quyền cho công dân, sang việc người dân được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên và Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các quyền con người và quyền công dân.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dành cho quyền con người, quyền công dân một khuôn khổ khá rộng lớn với nhiều quyền cơ bản mà luật nhân quyền quốc tế và nhiều Hiến pháp của các nước trên thế giới đã ghi nhận.
Tuy nhiên theo tôi, còn thiếu một số quyền có trong các Hiến pháp trên thế giới mà chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như: Quyền được im lặng hoặc không phải tự chứng minh mình không phạm tội; quyền được yêu cầu xem xét lại việc bắt giữ mình... Trong đó ngay một số quyền quan trọng ở Việt Nam cũng cần phải nêu, như: Quyền của người cao tuổi; quyền của người khuyết tật; quyền nghỉ ngơi...
Một số quyền con người, tuy không được chế định trong Hiến pháp nhưng có thể được quy định trong các văn bản pháp luật khác của quốc gia. Thế nên, nếu không có quy định rõ ràng trong Hiến pháp có thể gây hiểu nhầm rằng, những quyền hiến định quan trọng hơn, cần được ưu tiên bảo đảm thực hiện hơn so với các quyền không được hiến định.
Về mặt kỹ thuật lập hiến, đã thể hiện rõ sự phân biệt quyền con người (mọi người) và quyền công dân (công dân). Việc sắp xếp quyền con người tương đối dễ hiểu, phù hợp với việc sắp xếp các nhóm quyền của luật nhân quyền quốc tế, tuy nhiên vẫn còn sự rườm rà, không chặt chẽ trong chế định quyền. Như ở cả 4 khoản của Điều 64 (sửa đổi, bổ sung các điều 30, 31, 32, 33 và 34) chế định về quyền văn hóa. Hoặc cùng một chủ đề nhưng được quy định ở nhiều điều. Thí dụ Điều 39 (sửa đổi, bổ sung Điều 64) chế định về hôn nhân và gia đình; và đến Khoản 3 Điều 64 (sửa đổi, bổ sung các điều 30, 31, 32, 33 và 34) lại quy định về mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa. Ở đây có thể thấy là 2 điều trên quy định những phương diện khác nhau về gia đình. Nên hạn chế cách quy định theo cách chia như vậy, mà nên tuân thủ tính khái quát của văn bản luật gốc mà một Hiến pháp cần phải có.
Minh Tư